Thương mại điện tử đã và đang mang lại nhiều cơ hội gia tăng kinh doanh với nhiều doanh nghiệp, nhưng giao dịch này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà doanh nghiệp cần nhận biết, thận trọng và hiểu để phòng ngừa.
Ông Phan Trọng Đạt đang trao đổi thông tin với doanh nghiệp về giao dịch thương mại điện tử tại hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng
|
Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo “Bứt phá chuyển đổi số - Giải đáp về thị trường và pháp lý” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức vào ngày 23-4.
Theo các chuyên gia, luật sư và diễn giả tại hội thảo, sự gia tăng các giao dịch thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, kéo theo sự gia tăng các tranh chấp không mong muốn. Bởi tính chất xuyên không gian, xuyên biên giới nên khi thực hiện giao dịch thương mại điện tử các doanh nghiệp cần phải cảnh giác những rủi ro tiềm ẩn phát sinh.
Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), những rủi ro xảy ra từ những bất cập như thiếu sự nhất quán trong quy định đối với thông điệp dữ liệu định dạng, thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử.
Nhiều quy định chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chưa rõ về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử; hay thiếu quy định về giao kết hợp đồng điện tử giữa các đơn vị khiến các rủi ro pháp lý sẽ phát sinh đối với cả ba chủ thể chính trong giao dịch. Điều này gây ra mâu thuẫn lợi ích và xảy ra tranh chấp giữa sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp và người tiêu dùng.
Ông Đạt cho rằng sàn giao dịch thương mại điện tử thường gặp rủi ro khi kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ người cung cấp - người bán (tên, địa chỉ, số điện thoại); kiểm soát chất lượng hàng hóa (hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng).
Nhà cung cấp phát sinh vấn đề khi không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng, các khiếu nại về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại. Và khả năng nhà cung cấp bị liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hóa sai sót, lỗi trong quá trình giao dịch giữa sàn và người tiêu dùng.
Trong khi đó, người tiêu dùng có thể đối mặt với nguy cơ lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, thiếu hoặc không có thông tin chính xác về nhà cung cấp, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và bị rủi ro trong vấn đề thanh toán, giao nhận, hủy đơn hàng không đúng theo cam kết ban đầu...
Để tránh xảy ra tranh chấp khi tham gia giao dịch thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng các chủ thể phải tìm hiểu kỹ những điều khoản, chính sách của sàn và pháp luật của quốc gia.
Ông Đạt cũng đưa ra các cách xử lý thường gặp khi xảy ra tranh chấp trong các giao dịch nói trên. Với hình thức thương lượng, các bên tham gia có quyền tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba. Kết quả thương lượng này không có tính ràng buộc các bên.
Với hình thức hòa giải, theo ông Đạt, giữa các bên giải quyết tranh chấp sẽ có sự tham gia của bên thứ ba. Đơn vị này được giao nhiệm vụ trung gian, hỗ trợ tìm phương án giải quyết tối ưu nhất cho vụ việc. Kết quả hòa giải được các bên tự nguyện đề xuất và thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, buộc phải có công nhận tại tòa án.
Còn hình thức tố tụng trọng tài khi ít nhất một bên có đơn khởi kiện. Lúc này, các bên có quyền tự định đoạt thủ tục, quy trình, ngôn ngữ, luật áp dụng, địa điểm tổ chức phiên họp và người giải quyết tranh chấp.
Và hình thức tố tụng tòa án, các bên sẽ phải tuân thủ chặt chẽ các thủ tục được quy định tại bộ Luật Tố tụng Dân sự. Quá trình giải quyết tranh chấp qua nhiều cấp xét xử, bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo đến khi có bản án phúc thẩm. Phương thức này còn được thi hành trên phạm vi thế giới, dựa trên các hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký kết với các quốc gia.
Tuy nhiên, người đại diện VMC lưu ý với doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro phát sinh là điều quan trọng để giảm thiểu khả năng xảy ra tranh chấp. Bởi lẽ, Luật chỉ tạo hành lang pháp lý, quy định quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của các đơn vị tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Chỉ khi các bên xảy ra tranh chấp không thể hòa giải mới buộc phải dùng Luật để xử lý.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, cho rằng làn sóng tiêu dùng "Go Online" đang rất lớn và doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng này. Theo ông Dũng, thương mại điện tử ngày càng phổ biến hơn là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn về việc đảm bảo chất lượng hàng hóa và trải nghiệm mua sắm.
Từ việc đánh giá thực tiễn cũng như phản hồi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, ông Dũng nhấn mạnh để có một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch.
Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại thì hòa giải trực tuyến là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.
Nắm bắt được tính cần thiết về giải quyết tranh chấp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện tại, ngày 31-3-2021 Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã giới thiệu về MedUp - nền tảng hòa giải trực tuyến được phát triển bởi trung tâm với hy vọng có thể cung cấp giải pháp công nghệ đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua hòa giải trực tuyến. |