Thứ Năm, 29/04/2021 08:08

Bùng nổ app, trang web 'làm giàu' lừa đảo

Dù đã có nhiều cảnh báo về rủi ro, lừa đảo nhưng hiện vẫn có hàng trăm ứng dụng (app) trên thiết bị di động hay các trang web như Coolcat, Shopmilkusa.com, Mo Xiaomi, Lucky Money, Tamago... lôi kéo người tham gia trên cả nước rồi biến mất.

* Lao vào đa cấp 'ấp trứng', 'nuôi bò online', nhiều người mang nợ

Bùng nổ app, trang web 'làm giàu' lừa đảo
Nhiều người bị mất tiền khi tham gia các app “làm giàu”

Tuần qua, Công an TP.HCM đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của các nạn nhân về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư trên ứng dụng (app) Coolcat - sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn.

Đi bộ cũng có tiền

Tuy nhiên, cùng với Coolcat, còn có một loạt app khác dụ dỗ người chơi tham gia.

Nở rộ app, website kiếm tiền online, làm giàu nhanh chóng mang tính lừa đảo. ẢNH: NGUYỄN LONG

Chẳng hạn, nhiều người đã và đang tham gia vào trang web “Bounty” nhưng mới đây cũng có thông tin đưa ra rằng dịch vụ này không cho rút tiền nữa. Bounty chia người dùng thành 10 cấp. Ở cấp phổ thông, khi hoàn thành một “nhiệm vụ”, người tham gia được trả 1.000 đồng, mỗi ngày chỉ được tham gia 10 nhiệm vụ. Khi nâng cấp lên các gói VIP sẽ nhận được hoa hồng nhiều hơn. VIP càng đắt, số nhiệm vụ càng nhiều đồng nghĩa tiền hoa hồng càng cao. Bên cạnh nâng cấp gói, Bounty cũng khuyến khích người tham gia giới thiệu bạn bè để nhận thêm hoa hồng khi “cấp dưới” hoàn thành nhiệm vụ hay nạp tiền.

ẢNH: NGUYỄN LONG

Thậm chí trên diễn đàn “Bounty - Kiếm tiền online” công khai qua Facebook, sau khi có thông tin Bounty đã bị sập thì lại có nhiều thành viên vào giới thiệu hàng loạt ứng dụng, địa chỉ mới để kiếm tiền hòng “gỡ lại tiền đã thua từ Bounty”.

Trong đó, rất nhiều thành viên cùng giới thiệu về app Shopping Mall tham gia giật đơn hàng để có ngay 500.000 đồng. Thế nhưng, cũng trong trang này thông báo kêu gọi ai sập app này thì vào app Lifeshop.

Theo phần hướng dẫn cài đặt app Lifeshop của một thành viên có nick NTM, cứ giật được đơn hàng 100.000 đồng thì tài khoản nhận được 5.000 đồng. Ai nạp tiền vào tài khoản 1 triệu đồng sẽ trở thành VIP 1 với ưu đãi giật được 12 đơn. Những đơn hàng đặt được coi như quảng cáo cho hàng hóa đó nên người đặt sẽ nhận được tiền hoa hồng. Duyệt 2 đơn nhận được tiền hoa hồng hơn 3.000 đồng. Ai nạp tiền càng nhiều, giật đơn hàng nhiều thì sẽ nhận tiền hoa hồng càng cao. Giật 12 đơn kiếm được lợi nhuận 24.876 đồng. Ngoài ra có thể kiếm tiền bằng cách đầu tư với lãi suất 1%/ngày, nếu bỏ 100.000 đồng thì nhận được lãi 1.000 đồng, 1 triệu đồng thì được 10.000 đồng/ngày… “Cứ chuyển nhiều tiền vào lên VIP càng cao thì lợi nhuận và hoa hồng nhận được càng nhiều”, NTM mời gọi.

ẢNH: M.P

Bên cạnh đó, những thành viên chào mời app Lucky Money với chi tiết là hoa hồng nhận được từ 5, 10, 15%; Hoa hồng nhiệm vụ từ 1 - 5%. Nếu lên VIP 1 thì phí 300.000 đồng, làm 10 nhiệm vụ và nhận được 57.500 đồng/ngày. Nếu lên VIP 3 là 2,7 triệu đồng, làm 20 nhiệm vụ mỗi ngày và nhận 147.000 đồng/ngày.

Ngay cả khi đi bộ cũng có app để kiếm tiền. Chẳng hạn app TOS, người đi bộ sẽ nhận được 10 đồng cho mỗi 20 bước chân, tối đa nhận thưởng 10.000 bước mỗi ngày, tương đương 5.000 đồng cộng thêm lợi ích từ nhóm của mình tham gia. Hoặc vào ấp trứng online Tamago với quy định nhà đầu tư sẽ tham gia các nhiệm vụ để nhận thưởng. Muốn nhận được nhiều thưởng hơn, người chơi phải nạp thêm một khoản tiền để nâng cấp gói đầu tư…

Địa chỉ tận Phi châu

Những ứng dụng kiếm tiền online nêu trên hiện có chung đặc điểm là dụ dỗ người chơi theo hình thức đơn giản nhưng có thu nhập cao, hoa hồng nhiều mỗi ngày. Chẳng hạn Coolcat đưa ra “mồi” lợi nhuận cao và dù giao dịch thua vẫn được bảo hiểm 100% vốn. Công việc của người tham gia khá đơn giản, chỉ cần bấm dự đoán giá Bitcoin, giá vàng lên hoặc xuống. Nếu đoán thắng thì nhận được 73% tiền thắng; nếu thua 6 lần liên tiếp thì phải dừng lại, báo về để được bảo hiểm đền 100%.

Còn app kiếm tiền Pchome quy định công việc hằng ngày của người tham gia là truy cập vào ứng dụng, “giật” đơn hàng. Mỗi ngày được “giật” tối đa 40 đơn, hưởng hoa hồng 0,35% trên tổng số tiền đầu tư, với điều kiện người chơi phải bỏ tiền thật để mua các gói theo quy định.

Một số thành viên trên diễn dàn “Kiếm tiền online” cho biết thông thường khi bắt đầu chơi, các ứng dụng đều cho rút tiền dễ dàng nhưng chỉ khoảng sau 1 tuần hay 10 ngày thì bắt đầu không rút được hoặc tài khoản không truy cập được. Chẳng hạn như tham gia vào mô hình Bounty thì mỗi gói VIP có mức giá khác nhau và nhiệm vụ được giao bao gồm thả tim, theo dõi, đăng ký các tài khoản TikTok, Facebook, YouTube. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người tham gia phải chụp màn hình để xác nhận.

Nhiều người sau khi đã tham gia và tin tưởng thì sẽ đầu tư thêm tiền để nâng cấp lên các gói VIP cao hơn với số tiền tham gia lên hàng trăm triệu đồng, trong khi số tiền rút về chỉ mới khoảng một nửa hay 1/3 hoặc thậm chí chỉ rút được một số tiền nhỏ thì mất trắng dù trước đó nhiều lời quảng bá chỉ cần bỏ ra số vốn rất ít và đầu tư 5 - 7 ngày là lấy lại vốn, sau đó chỉ còn lại là lãi khủng... Điều quan trọng hơn là hầu như không ai biết những người sáng lập thật sự của các ứng dụng đó là ai, ở đâu.

Chẳng hạn, theo một số nạn nhân của app “Trang trại tiết kiệm” (hay còn gọi là nuôi bò online) - Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh, những người giới thiệu chỉ chia sẻ, giao tiếp qua Zalo. Khi hỏi địa chỉ chi nhánh của app tại VN, bộ phận chăm sóc khách hàng của app cho biết trụ sở đặt tại xã Vĩnh Phú, TP.Vinh, Nghệ An (?). Còn lại đa số đều ẩn danh, hoặc đưa ra một địa chỉ nào đó tận các đảo quốc ở châu Phi...

Khó xử lý?

Đầu năm 2020, các nhóm Crowd1 kêu gọi giới đầu tư tham gia được quảng bá là mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết chia sẻ đám đông, 80% nguồn doanh thu có được dùng để chia sẻ cho những thành viên phát triển cộng đồng.

Thực chất, mô hình hoạt động của Crowd1 là đa cấp theo hình thức ponzi (người vào sau trả tiền cho người trước kèm theo lãi hoặc hoa hồng cao). Đến đầu năm nay, các cơ quan chức năng tại Thừa Thiên-Huế lại tiếp tục cảnh báo về mô hình này đang phát triển ở địa phương cũng với hình thức kêu gọi đầu tư để có lãi cao… và đến nay vẫn còn một số thành viên vẫn kêu gọi nhiều người tham gia mô hình này. Trên thực tế, hầu như chưa có nhà đầu tư nào sau khi bị sập bẫy lừa những vụ đầu tư tài chính online, kiếm tiền qua mạng… đòi lại được tiền, dù đã đệ đơn tố cáo lên công an.

700 nạn nhân tố cáo ứng dụng Coolcat lừa đảo 200 tỉ đồng

Tại cuộc họp báo về tình hình trật tự, an toàn xã hội 4 tháng đầu năm 2021, do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua 28.4. đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, đã thông tin việc liên quan đơn tố cáo của hàng trăm nạn nhân về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư trên ứng dụng Coolcat (Báo Thanh Niên đã phản ánh). Theo đó, ngày 19.4, Công an TP.HCM nhận 600 đơn tố cáo của nạn nhân, đến ngày 23.4 nhận thêm 100 đơn tố cáo. Số tiền ước tính thiệt hại hơn 200 tỉ đồng. Đại tá Quang cho biết thủ đoạn của đối tượng là kêu gọi đầu tư, nộp tiền để hưởng lãi, dù giao dịch thua vẫn được bảo hiểm 100% vốn. Hiện Công an TP đang điều tra thêm để xác định nghi phạm cầm đầu.

Tại buổi họp báo, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết đầu năm 2021 đến nay, tình hình an ninh chính trị tại TP được giữ vững, trật tự an toàn xã hội, trật tự giao thông được đảm bảo, phạm pháp hình sự được kéo giảm so với liền kề (giảm 9,75%). Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng TP.HCM vẫn còn xảy ra tình trạng tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng; các vụ cháy được kéo giảm nhưng vẫn xảy ra 2 vụ cháy nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng (làm chết 9 người), các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm ngày càng nhiều.

Theo ông Thắng, UBND TP đã chỉ đạo lực lượng Công an TP phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp, quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan “tín dụng đen”.

Ngọc Lê

Theo TS Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Chương trình cao học IDT - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, các app, web… đang xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn, không thể nào đếm xuể là do được tạo ra một cách quá dễ dàng. Khi app, ví điện tử này sập thì người đứng phía sau ngay lập tức tạo ra một app, ví khác. Do đây là hình thức lừa đảo nên nó được người đứng phía sau chỉnh sửa đơn sơ về mặt giao diện mà không cần đầu tư gì nhiều. Những người lập sàn, app chỉ cần thay vỏ mới chứ vẫn là rượu cũ, với những chiêu thức lừa đảo đơn sơ cho người tham gia ban đầu nhận được tiền, có lời để chiêu dụ rồi sau đó tự cho sập.

Vì vậy, theo chuyên gia này, nên có hành lang pháp lý và cho phép thành lập sandbox (là khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới). Trong khi chưa có hành lang pháp lý, người dân không nên tham gia vào các hình thức kiếm tiền online vì khả năng mất tiền là rất lớn.

Thanh Xuân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Vì sao khó ngăn chặn được các sàn 'tài chính ma'? (28/04/2021)

>   Biến tướng dịch vụ mua bán nợ: Đòi nợ kiểu 'xã hội đen' (28/04/2021)

>   Lao vào đa cấp 'ấp trứng', 'nuôi bò online', nhiều người mang nợ (27/04/2021)

>   Sau Đà Nẵng, đến lượt Công an Hà Nội cảnh báo sàn cá cược tiền ảo GardenBO (26/04/2021)

>   Chuyên gia: Sàn đầu tư nào cam kết thắng 100%, chắc chắn là lừa đảo (23/04/2021)

>   Nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin sẽ tăng từ 20-25% (23/04/2021)

>   'Biến tướng' dịch vụ mua bán nợ (22/04/2021)

>   Công an TP.HCM tiếp nhận đơn tố cáo ứng dụng Coolcat lừa đảo (20/04/2021)

>   Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 10 năm để hưởng lương hưu (19/04/2021)

>   Người Việt loay hoay trong vòng xoáy nợ cờ bạc ở Nhật (18/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật