Vụ vợ chồng đại gia Huỳnh Uy Dũng tố 'lương y' Võ Hoàng Yên lừa tiền cứu trợ: Sẽ nhờ cơ quan pháp luật giải quyết
Liên quan việc tố 'lương y' Võ Hoàng Yên lừa tiền cứu trợ, trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định trong ngày 3.3 sẽ gửi đơn đến các cơ quan pháp luật để nhờ giải quyết.
* Tranh cãi nảy lửa khi vợ chồng đại gia Dũng “lò vôi” gặp ông Võ Hoàng Yên
* Vợ chồng ông Dũng 'lò vôi' tố bị lừa tiền cứu trợ, tiền xây chùa
Ông Huỳnh Uy Dũng thông tin sẽ gửi đơn tố cáo ông Yên lên cơ quan chức năng. ẢNH: PHAN THƯƠNG
|
Sáng qua 2.3, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng “lò vôi”) và ông Võ Hoàng Yên đã có buổi “đối chất” xung quanh việc vợ chồng ông Dũng tố cáo ông Yên lợi dụng việc chữa bệnh, làm từ thiện để chiếm đoạt tiền.
Buổi “đối chất” tổ chức tại Tổ đình Hưng Minh tự (Q.6, TP.HCM), có đại diện Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, luật sư của hai bên và một số phóng viên báo chí…
Bên tố lừa, bên nói “chỉ sai sót khi cập nhật số liệu”
Trước đó, mạng xã hội Facebook xôn xao việc bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng) lên mạng tố ông Võ Hoàng Yên lừa tiền cứu trợ, tiền xây chùa. Bà Hằng “tố” trong quá trình tài trợ xây chùa tặng bá tánh ở H.Tánh Linh (Bình Thuận), bà đã giao cho ông Yên quản lý tài chính, vật tư để xây chùa nhưng bị ông này lừa. Cũng trong thời gian xây chùa thì xảy ra lũ lụt ở miền Trung nên bà Hằng và ông Dũng “lò vôi” đã trao tiền mặt và vận động nhà tài trợ (chuyển khoản cho ông Yên) tổng số tiền trên 3,8 tỉ đồng để ông Yên đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Tuy nhiên, sau khi chùa được xây dựng xong, tại buổi lễ khánh thành, trong báo cáo về quá trình tham gia công tác từ thiện xã hội của ban trị sự chùa không đề cập đến số tiền trên 3,8 tỉ đồng mà vợ chồng bà Hằng đã trao tặng. Từ vấn đề này, bà Hằng cho biết mình đã âm thầm tìm hiểu thì phát hiện rất nhiều việc mà theo bà là khuất tất.
Ông Võ Hoàng Yên đã đi ra ngoài địa phương chữa bệnh là không đúng quy định
PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đã được phân cấp cho các sở y tế, phù hợp với những đối tượng do các sở y tế quản lý. Người được cấp chứng chỉ hành nghề, khi mở cơ sở khám chữa bệnh, thì phải đăng ký với sở y tế địa phương, cơ sở đó chỉ hoạt động sau khi được sở y tế địa phương thẩm định, cấp phép, và chỉ được hành nghề khám chữa bệnh tại nơi được cấp phép, trên địa bàn tỉnh, thành phố đó. Nhưng như trường hợp của ông Võ Hoàng Yên đã đi các nơi khác, ngoài địa phương để chữa bệnh là không đúng quy định.
Ngay tại địa phương, trong quá trình hành nghề, Sở y tế cũng có trách nhiệm giám sát những người hành nghề khám chữa bệnh, kịp thời hướng dẫn để họ tuân thủ; chấn chỉnh nếu có vi phạm về chuyên môn. Nếu có vi phạm, tùy mức độ sẽ bị tạm đình chỉ hành nghề để khắc phục.
Theo PGS Thịnh, chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh y học cổ truyền hiện có thời hạn vĩnh viễn, cấp 1 lần. Nhưng tới đây, từ 2023, chứng chỉ hành nghề sẽ chỉ có thời hạn 5 năm, và sẽ có quy định rõ, người hành nghề mỗi năm phải có đủ số giờ bổ sung, cập nhật kiến thức.
Nam Sơn
|
Tại buổi làm việc hôm qua, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục trình bày có gửi ông Yên số tiền 8,2 tỉ đồng; trong đó 3,8 tỉ đồng để cứu trợ miền Trung đang bị lũ lụt, số còn lại mua vật tư xây dựng nhà tình thương. Thế nhưng, sau khi tổng kết lại thì bà phát hiện chỉ có 2,7 tỉ đồng đi cứu trợ và không hề có việc mua vật tư làm nhà tình thương.
“Tôi có thể cho ông Yên 1.000 lần như vậy, giúp đỡ 1 tỉ lần như vậy nhưng không được ăn một đồng nào tiền cứu trợ hết”, bà Hằng gay gắt và cho rằng mục đích hôm nay bà tố cáo ông Yên vì không muốn ai tiếp tục bị lừa đảo nữa.
Trước những lời tố cáo của vợ chồng ông Dũng “lò vôi”, ông Võ Hoàng Yên cho hay: “Tôi chưa bao giờ đặt vấn đề xin tiền, vay tiền hay mượn tiền. Tôi thấy tất cả những gì anh chị chuyển cho tôi đó là tình thương, bồ tát đưa anh chị tới với tấm lòng bồ tát, thực hiện công tác từ thiện với bá tánh. Tôi hạnh phúc vô cùng”.
Cũng theo ông Yên: “Anh chị (tức vợ chồng ông Dũng “lò vôi” - PV) cho tôi tình thương, tôi đã chia sẻ hết cho mọi người, lũ lụt, cầu đường. Nói tôi ăn chặn lũ lụt (tức tiền cứu trợ - PV), tôi có điểm sai sót là không kiểm lại, đối chiếu các con số với các cháu, dẫn đến số liệu lập cập trong ngày khánh thành. Ở đây có chứng từ rất rõ, tôi đã chi 3 lần hơn 7 tỉ đồng, chứ không phải 3,8 tỉ đồng”.
Ngoài ra, ông Yên trình bày sẽ cung cấp toàn bộ chứng từ, hóa đơn, sao kê ngân hàng về việc thu chi khoản tiền do vợ chồng ông Dũng “lò vôi” chuyển khoản; đồng thời cho rằng việc vợ chồng ông Dũng “lò vôi” tố cáo ông là vội vàng, ảnh hưởng đến uy tín của ông và gia đình…
Cuối buổi làm việc, PV đề nghị phía ông Yên cung cấp những tài liệu, chứng cứ về nguồn tiền, nhưng ông Yên và luật sư cho biết chỉ cung cấp tài liệu cho bên thứ 3 là cơ quan pháp luật khi có yêu cầu. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định trong ngày 3.3 sẽ gửi đơn đến các cơ quan pháp luật để nhờ giải quyết.
Ông Yên (phải) trình bày một số vấn đề liên quan đến nội dung tố cáo tại buổi “đối chất”
|
Thực hư việc ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh
Theo tìm hiểu của PV, nhiều năm qua trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều clip “lương y” Võ Hoàng Yên đi nhiều tỉnh, thành chữa bệnh câm điếc, bại liệt... miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân. Nhiều người còn xưng tụng ông Yên như “thần y” chữa câm điếc, bại liệt... Từ việc chữa bệnh miễn phí cho người dân thông qua clip trên mạng xã hội đã lay động nhiều nhà hảo tâm chuyển tiền tỉ cho ông Yên làm từ thiện, kể cả lập dự án xây dựng cơ sở, khám chữa bệnh miễn phí... Thế nhưng, việc chữa bệnh của ông Yên hiệu quả đến đâu thì các cơ quan quản lý ngành y tế lại rất “mù mờ”.
Chiều 2.3, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND H.Tánh Linh (Bình Thuận), xác nhận ông Võ Hoàng Yên từ nơi khác đến Tánh Linh chữa bệnh tại cơ sở đông y (ở thôn 3, xã Gia An, H.Tánh Linh) do ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch Chi hội Đông y H.Tánh Linh, đứng tên chủ. Về chứng chỉ hành nghề của ông Yên, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, khẳng định: “Ông Võ Hoàng Yên có chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền và do chính tôi ký. Khi có chứng chỉ hành nghề thì có quyền khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh đông y nào có giấy phép”. Khi PV Thanh Niên đặt vấn đề về hiệu quả trong các cách điều trị bệnh của ông Võ Hoàng Yên đến đâu... thì ông Hồng cho rằng: “Cái đó phải có hội đồng đánh giá mới có thể biết được”.
Theo Sở Y tế Bình Thuận, chứng chỉ hành nghề cấp cho ông Võ Hoàng Yên vào ngày 8.11.2018, phạm vi hoạt động là “khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền”. Trong hồ sơ, ông Yên có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp “Y sĩ y học cổ truyền” do Hiệu trưởng Trường trung cấp Tuệ Tĩnh (Thanh Hóa) cấp ngày 14.7.2017.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây khoảng 10 năm (năm 2011), ông Võ Hoàng Yên có đến Bình Phước khám, chữa bệnh cho một số trường hợp bị câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống. Đặc biệt, ngày 29.7.2011, tại trụ sở Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo và cho ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh để kiểm chứng tay nghề. Tại hội thảo, có 6 bệnh nhân (BN) được ông Yên chữa trị, gồm 2 BN bị điếc, 2 người thoái hóa cột sống, 2 người bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. Sau khi được xoa bóp, bấm huyệt, đa số BN đều thuyên giảm được phần nào, nhưng chỉ tạm thời trong thời gian ngắn, sau đó bệnh trở lại như cũ. Dù vậy, ngày 5.8.2011, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Huy Phong đã ký văn bản đồng ý với kiến nghị của Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật cho ông Võ Hoàng Yên chữa trị BN thuộc nhóm câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống đã đăng ký trong tháng 8.2011.
Liên quan đến việc cấp phép hành nghề, hoạt động của ông Yên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước Quách Ái Đức khẳng định: “Từ trước đến nay, Sở chưa cấp phép hoạt động hành nghề, khám chữa bệnh trên địa bàn đối với ông Võ Hoàng Yên”. Tương tự, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hội Đông y tỉnh Bình Phước, cũng khẳng định chưa từng cấp phép hay cho phép ông Võ Hoàng Yên khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Thanh Niên
Thanh niên
|