Vì sao Tp.HCM lỡ mục tiêu thu nhập đầu người 9.800 USD/năm?
"Đầu tàu" của cả nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 8% giai đoạn 2020-2025, dự kiến thu nhập bình quân đầu người năm 2025 cũng được điều chỉnh là 8.500 - 9.000 USD/năm, thấp hơn cả con số 9.800 USD/năm của giai đoạn 2016-2020.
Kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025
Tại Đại hội Đảng bộ Tp.HCM lần thứ 11, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết hiện ngành dịch vụ đóng góp lớn nhất vào sự phát triển kinh tế của thành phố, chiếm tới 62% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Tuy nhiên, "cơn bão" Covid-19 khiến ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch bị tác động nặng nề nhất, đã có khoảng 90-95% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động.
Do đó, thời gian tới, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nhưng cân đối các khu vực hơn khi gia tăng sự đóng góp từ khu vực công nghiệp xây dựng lên 39% - 41% (hiện là 24%), chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tỷ trọng ở mức 0,74% - 0,78% (hiện là 1%).
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, Tp.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP và đạt 40% vào năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2045, Tp.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao.
Để làm được điều này, Tp.HCM sẽ đặt trọng tâm vấn đề phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị….
Song song đó, Tp.HCM cũng sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Lỡ kế hoạch thu nhập đầu người 9.800 USD/năm
Là "đầu tàu" của cả nước, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, Tp.HCM đóng góp bình quân 27% thu ngân sách cả nước, GRDP chiếm bình quân 23% GDP, dân số chiếm 9,3% cả nước.
Năm 2020, mặc dù thu ngân sách thực tế của Tp.HCM chỉ hoàn thành 92% kế hoạch, đạt 371.384 tỷ đồng, nhưng con số đó cho thấy mức thu của thành phố cũng lớn hơn mức tổng thu ngân sách của 45-50 tỉnh, thành cả nước có mức thu thấp nhất.
Năm 2021, Trung ương, HĐND Tp.HCM giao tổng thu ngân sách nhà nước cho thành phố là 364.893 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,79% trong tổng dự toán thu cả nước.
Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Tp.HCM khóa 10 trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, Tp.HCM cũng là địa phương có tỷ lệ thu hút đầu tư xã hội thông qua đầu tư công cao nhất cả nước: 1 đồng đầu tư công kéo theo 9 đồng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, so với bình quân cả nước là 5 đồng.
Năng suất lao động xã hội của thành phố cũng tăng đều qua các năm và đạt mức cao nhất cả nước. Năm 2019, năng suất lao động đạt 283,9 triệu đồng/người, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 bằng 2,65 lần cả nước; năm 2020 ước đạt 333 triệu đồng/người (bằng 2,7 lần cả nước)
Năm 2020, GRDP bình quân đầu người Tp.HCM ước đạt 6.328 USD, gấp 2 lần bình quân cả nước. Mặc dù vậy, Tp.HCM đã không đạt mục tiêu đề ra cho chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 là 9.800 USD/người/năm.
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê Tp.HCM
|
Theo lãnh đạo Tp.HCM, nguyên nhân không đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người một phần do thành phố chỉ được sử dụng 5% chi ngân sách quốc gia và tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm qua từng giai đoạn.
Thách thức về dân số đông và đầu tư giảm
Theo số liệu từ Công an Tp.HCM, hiện dân số trên địa bàn Tp.HCM gần 13 triệu người, bao gồm khoảng 3 triệu người nhập cư, bình quân 5 năm có khoảng 01 triệu người nhập cư, trong đó có 630.000 lao động (126.000 lao động/năm).
Dân số đông, chiếm 9,3% tổng dân số cả nước nhưng diện tích thành phố chiếm 0,6% diện tích cả nước khiến cho mật độ dân số tăng rất cao, thực tế bình quân khoảng 6.300 người/km2, trong đó đã có 17/19 quận có mật độ dân số ở mức mất an toàn. Đến năm 2030 sẽ có huyện Bình Chánh và quận Bình Tân dân số hơn 1 triệu người, 3 quận khác dân số từ 700.000 đến 900.000 người, 2 quận khác dân số hơn 500.000 người.
Do đó, vấn nạn kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, ngập nước ngày càng tăng, ô nhiễm không khí, nước sông ngày dâng, nhà ở thiếu, diện tích nhà bình quân đầu người thấp hơn diện tích cả nước, bệnh viện, trường học quá tải.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu cho phát triển hạ tầng giao thông là 323.000 tỷ đồng, nhưng đến nay thành phố mới cân đối được 76.000 tỉ đồng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM
|
Để thoát khỏi tình trạng này, Tp.HCM cần tới 01 triệu tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, do tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giảm từ 33% xuống chỉ còn 18%, không thể đáp ứng nhu cầu tiếp tục phát triển bền vững và tăng năng suất lao động.
Trên thực tế, cùng với tác động của dịch Covid-19, năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ tăng được 1,39% giảm mạnh so với các năm trước đó, năm 2019 là 7,8% và năm 2018 là 8,3%... và thấp hơn tăng trưởng GDP cả nước là 2,91%.
Do vậy, ông Nguyễn Thành Phong đề xuất và đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đồng ý về điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2020-2025 còn khoảng 8%; Điều chỉnh chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500 USD/người (thay vì 8.500 - 9.000 USD/người trước đó), đến năm 2030 là 13.000 USD/người (thay vì từ 13.000 - 14.000 USD/người), năm 2045 là 37.000 USD/người (thay vì 40.000 USD/người).
Tp.HCM đang được ca ngợi như "Thung lũng Silicon của châu Á" với số lượng doanh nghiệp chiếm khoảng 33% tổng số doanh nghiệp của cả nước (cứ 1.000 người dân có 26 doanh nghiệp, trong khi cả nước là 8 doanh nghiệp). Thu hút đầu tư ở mức cao, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP, cao hơn mức đầu tư của cả nước là 33-34% GDP.
Tuy nhiên, thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ trong việc giữ vững vai trò "đầu tàu" kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không tương xứng, nguồn nhân lực chất lượng cao không đáp ứng được cho nhu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Ban Mai
VNECONOMY
|