Thứ Bảy, 13/03/2021 08:47

IMF nhận định Việt Nam có nhiều dư địa phục hồi kinh tế sau đại dịch

Theo IMF,việc chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang nền kinh tế hiện đại dựa trên hoạt động sản xuất nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã giúp cải thiện mức sống.

Chế biến cá diêu hồng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Trang imf.org của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã đăng báo cáo đánh giá thường niên về nền kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ ra những cải cách trong các lĩnh vực sẽ giúp Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ kết quả cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo báo cáo, bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 (tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới) và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt để hạn chế suy thoái kinh tế và y tế.

Việc áp dụng nhanh chóng các biện pháp kiểm soát, kết hợp với truy vết tích cực, xét nghiệm đúng đối tượng và cách ly các ca nghi mắc COVID-19 đã giúp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp trên cơ sở bình quân đầu người.

Việc Việt Nam đứng trong danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm ngoái là nhờ các hoạt động trong nước sớm phục hồi và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu điện tử công nghệ cao khi mọi người trên thế giới làm việc tại nhà.

Báo cáo cũng nhận định Việt Nam đối mặt với đại dịch COVID-19 với các nền tảng kinh tế cơ bản và vùng đệm chính sách vững chắc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần được giải quyết.

Kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới theo định hướng thị trường vào năm 1986, Việt Nam đi từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang nền kinh tế hiện đại dựa trên hoạt động sản xuất nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã giúp cải thiện mức sống.

Đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường khả năng chống chịu với nhân tố bên ngoài. Hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn trước đây dù vẫn còn nhiều điểm yếu.

Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường khả năng tài chính công trước đại dịch COVID-19. Việc xây dựng các vùng đệm tài khóa, đối ngoại và tài chính trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 cũng giúp Việt Nam có khả năng chống đỡ cú sốc tốt hơn. Tuy nhiên, bất chấp những kết quả thuận lợi này và những cải cách cơ cấu hiện nay, IMF nhận định vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy năng suất và nâng cao khả năng phục hồi kinh tế.

Báo cáo của IMF cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để đảm bảo phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Các chính sách trong ngắn hạn cần tập trung vào việc duy trì việc làm trong khi thúc đẩy sự phân bổ lại các nguồn lực. Cụ thể, việc này có thể được hiện thực hóa nhờ sử dụng trợ cấp tuyển dụng và các chính sách thị trường lao động tích cực để khuyến khích đào tạo việc làm. Mạng lưới an sinh xã hội hiện nay cần được mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao hiệu quả.

Theo thời gian, các chính sách nên hướng tới mục tiêu giảm thiểu lao động phi chính thức bằng cách cải thiện kỹ năng lao động và giảm chi phí thuê/sa thải lao động chính thức, đồng thời khuyến khích hợp thức hóa doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi bền vững cũng phụ thuộc vào việc đảm bảo ổn định tài chính. Các chính sách về tiền tệ, tài khóa và tài chính do chính phủ Việt Nam thực hiện đã giúp giảm thiểu nguy cơ gia tăng các vụ vỡ nợ và sa thải hàng loạt của các công ty trong thời gian trước mắt. Những hỗ trợ như vậy cần nhằm đúng đối tượng hướng đến các doanh nghiệp kém thanh khoản nhưng khả thi cho đến khi khả năng phục hồi vững chắc hơn.

Ngoài ra, việc tiếp tục giám sát chặt chẽ song song với những nỗ lực giải quyết các khoản vay có vấn đề, cũng như tăng cường khuôn khổ quản lý và giám sát kịp thời sẽ giúp giải quyết các rủi ro của hệ thống tài chính cũng cần được đảm bảo.

Báo cáo cũng khuyến nghị cần tiến hành cải cách quyết liệt hơn để tận dụng tối đa tiềm năng tăng trưởng to lớn của Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải giải quyết các nguyên nhân khiến năng suất thấp.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng lưu ý cần ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua cải cách hướng tới giảm gánh nặng pháp lý cho các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ, đổi mới và giảm chênh lệch kỹ năng.

Những cải cách trong các lĩnh vực này cũng sẽ giúp Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thế giới sau đại dịch COVID-19./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử ĐBQH khóa XV (12/03/2021)

>   Để doanh nghiệp Việt trở thành 'khổng lồ' (11/03/2021)

>   Lạm phát Việt Nam sẽ đi đến đâu? (10/03/2021)

>   Việt Nam lần đầu lọt nhóm nền kinh tế có 'Chỉ số tự do kinh tế trung bình' (08/03/2021)

>   Thủ tướng: Đến 2045, sẽ xuất hiện các tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam (08/03/2021)

>   3 vấn đề định hướng nền kinh tế Việt Nam 2045 theo góc nhìn của Chủ tịch Dragon Capital (07/03/2021)

>   Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% nếu tận dụng tốt gói kích thích 1.900 tỷ USD của Mỹ (06/03/2021)

>   Khi các chuyên gia... cãi nhau về lạm phát và lãi suất (04/03/2021)

>   Chính phủ đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu đề ra trong năm 2020 (02/03/2021)

>   Thủ tướng yêu cầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 ngay trong tuần này (02/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật