Tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh tối ưu
Phần đông các chuyên gia cũng như nhà đầu tư cá nhân cho rằng tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và dành cho tất cả mọi người dù trong điều kiện lãi suất thấp như hiện nay và có khá nhiều kênh đầu tư khác thay thế.
Về lý thuyết, người ta gọi tiền rẻ là thời kỳ mà người đi vay có thể dễ dàng vay tiền với lãi suất thấp từ các hệ thống tài chính. Điều này có thể từ chính sách thắt chặt của Ngân hàng Trung ương hoặc từ kết quả của sự suy yếu trong nhu cầu về tiền vào thời kỳ suy thoái. Thời kỳ tiền rẻ được cho là có lợi cho người đi vay nhưng rủi ro có thể đến trong tương lai nếu sử dụng đòn bẩy quá mức kiểm soát.
Trong bối cảnh Covid-19 bùng nổ, khi các nền kinh tế hầu như đóng băng, thất nghiệp tăng cao, các Ngân hàng Trung ương liên tục tung ra các gói cứu trợ, ngân hàng thương mại hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, thì thời kỳ tiền rẻ quay trở lại.
Lãi suất thấp, ai thích, ai không?
Trước tiên, phải kể đến là ngân hàng. Khi lãi suất huy động giảm, ngân hàng sẽ phải trả lãi cho người gửi tiền ít hơn. Thế nhưng, cũng chính vì lãi suất huy động giảm mạnh so với thời kỳ trước, do đó đa phần gửi tiền vào ngân hàng chỉ vì mục đích an toàn, không còn mục đích đầu tư.
Nhưng không phải cứ lãi suất giảm, là ai cũng rút tiền gửi tiết kiệm từ ngân hàng ra để đầu tư vào các kênh khác, vì rõ ràng số lượng tiền gửi khách hàng ghi nhận tại các ngân hàng tính đến 31/12/2020 vẫn tăng 13.4% so với đầu năm.
Trong khi đó, tuy lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay lại giảm không tương xứng, qua đó giúp các ngân hàng gia tăng được biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi ngân hàng thừa tiền, nhưng không cho vay, dòng tiền không được dịch chuyển vào đầu tư, thì nền kinh tế bị ảnh hưởng, mà chính lợi nhuận của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Thứ hai là các công ty bảo hiểm. Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.
Thứ ba, nếu ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, lãi suất thấp đương nhiên kênh tiền gửi ngân hàng sẽ nhận về ít lãi hơn, nên sẽ tìm về các kênh đầu tư khác sinh lời nhiều hơn lãi tiền gửi. Và chứng khoán là một trong những kênh đầu tư được quan tâm vì với chi phí thấp và có thể dễ dàng tham gia. Rõ ràng, trong năm qua, lượng lớn nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường chứng khoán đã tạo nên hiện tượng trong năm Covid, vì giãn cách, đa phần người lao động ở nhà, và họ có thể đầu tư chứng khoán từ xa mà không vi phạm luật giãn cách.
Bất động sản cũng là một trong những kênh được nhiều người nhắm đến khi mà bất động sản đứng giá trong mùa Covid. Tuy nhiên, muốn đầu tư vào kênh này, cần một lượng vốn lớn hơn là kênh chứng khoán và muốn tham gia cũng phải tìm hiểu kỹ thêm về vấn đề pháp lý .
Chị N. – một người làm việc lâu năm trong ngành tài chính cho biết dù lãi suất có thấp nhưng phần lớn lượng tiền nhàn rỗi vẫn gửi vào ngân hàng, chỉ khoảng 20% dành cho thị trường chứng khoán dù đây là kênh đầu tư nóng nhất hiện nay. Chị N. vẫn chưa có ý định thay đổi điều này trong tương lai bởi dù gì kênh gửi tiết kiệm vẫn an toàn hơn giữa lúc thị trường tài sản đang biến động quá mạnh.
Trong khi đó, chị Tr. – một nhân viên công chức cho biết, dù lãi suất có giảm chị vẫn cảm thấy an toàn khi gửi tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều bạn bè rủ rê thử đầu tư chứng khoán chị cũng sẽ dành ra một ít từ tiền định tiết kiệm để thử thách ở kênh đầu tư này. Chị Tr. cho biết thêm chị cũng đang định dành một khoản kha khá và vay thêm ngân hàng để mua nhà trong thời gian tới.
Còn với một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm đồng thời làm việc cho một công ty nước ngoài, anh M. cho biết trước giờ luôn dành tất cả tiền nhàn rỗi đổ vào chứng khoán, anh cho rằng tiền để trong ngân hàng dù là lãi suất cao hay thấp cũng sẽ sinh lời ít hơn chứng khoán.
Chuyên gia nói gì?
TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng viện Nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng cho biết, một số bộ phận vẫn sẽ lựa chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm sinh lời.
Còn những nhà kinh doanh có thể là tiểu thương hay doanh nghiệp nhỏ thì trong năm 2021 này có thể không dám xuống tiền để kinh doanh. Chẳng hạn những nhà đầu tư muốn tiếp tục phát triển các cửa hàng, nhà hàng hay khách sạn sẽ cảm thấy lo lắng và khó khăn. Do đó, các nhà đầu tư này sẽ quay về dạng đầu tư an toàn để tìm kiếm lợi nhuận chứ không xuống tiền trực tiếp làm ăn nữa.
Theo đó, bên cạnh kênh gửi tiết kiệm, họ có thể tìm kiếm cơ hội sinh lời từ bất động sản và chứng khoán. Theo ông Hiển, trong trường hợp đầu tư vào kênh bất động sản, sẽ không xảy ra trường hợp đổ xô mua bất động sản trong điều kiện mua cao và bán cao hơn, mà chỉ săn lùng những bất động sản mà họ hiểu rõ và chờ giá xuống mới mua.
Trường hợp đầu tư chứng khoán, ưu điểm của kênh đầu tư này là kiếm tiền nhanh. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư mới (F0) bắt đầu “nhát tay” khi không tìm kiếm được lợi nhuận trong bối cảnh chứng khoán tăng nóng. Do đó trong năm 2021, những nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn sẽ là các nhà đầu tư lâu năm với việc lướt sóng và đầu tư trung hạn.
Ông Pramoth Rajendran – Giám đốc Toàn quốc Khối Quản lý Tài sản và Tài chính cá nhân của ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay, hiện tại lãi suất huy động tiền đồng tại các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong mười năm qua. Lãi suất huy động cao nhất hiện đang khoảng 5.5 – 6.8%/năm tùy theo kỳ hạn gửi từ sáu đến 12 tháng. Lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn ba tháng trở xuống đang ở khoảng 3%/năm. Lãi suất huy động càng thấp thì kênh đầu tư này càng kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cá nhân và chúng ta cũng thấy nhiều khách hàng đang cân nhắc các kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng lãi vẫn là một kênh tối ưu cho những ai không có quá nhiều lựa chọn đầu tư khác do nguồn vốn của họ hạn chế hoặc họ rất thận trọng trong việc đầu tư. HSBC khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân nên tìm đến các chuyên gia tài chính chuyên nghiệp để được tư vấn trước khi đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng.
* TS. Nguyễn Trí Hiếu: Bất động sản sẽ hồi phục khi kiểm soát tốt dịch bệnh
Cát Lam
FILI
|