Ông Đinh La Thăng lại hầu tòa: Đang đấu thầu Ethanol Phú Thọ sao chuyển sang chỉ định?
Bị cáo Lê Thanh Hà khai, việc triển khai dự án Ethanol Phú Thọ ban đầu được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi với mong muốn có dự án tốt, nhưng giữa chừng PVC "nhảy" vào theo diện chỉ định.
* Gây thiệt hại 543 tỉ đồng, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng hầu toà
Các bị cáo trong phiên xét xử sai phạm dự án Ethanol Phú Thọ. Ảnh: Thái Sơn
|
Ngày 8.3, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ ( Ethanol Phú Thọ), gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng. Trong phần xét hỏi, HĐXX đã yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp cách ly bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để thẩm vấn các bị cáo còn lại.
Khai báo trước tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), cho biết năm 2009, thực hiện theo Nghị quyết PVN, PVB được thành lập ra để thực hiện dự án nhiên liệu sinh học phía Bắc - Ethanol Phú Thọ. Dự án có tổng mức đầu tư 1.317 tỉ đồng, trong đó vốn tự có 30%, 70% còn lại là đi vay.
“Ban đầu chúng tôi xây dựng kế hoạch đấu thầu rộng rãi với mong muốn có nhà máy chất lượng tốt, chìa khóa trao tay. PVB đã chọn đơn vị tư vấn nước ngoài để tư vấn, đã phát hành hồ sơ yêu cầu mời thầu và đã có các nhà thầu tham gia”, bị cáo Hà khai và cho biết khi chấm thầu thì các nhà thầu tham gia đều không đạt đủ tiêu chí theo yêu cầu.
Bị cáo Vũ Thanh Hà cũng cho biết trong giai đoạn này đã nhận được văn bản của Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) - thành viên PVN, đề nghị hạ thấp tiêu chí đấu thầu và cho được chỉ định “bị cáo đã không xử lý vấn đề này”.
“Vì sao dự án đang được đấu thầu công khai lại chuyển sang chỉ định thầu”, trả lời câu hỏi của Chủ tọa, bị cáo Vũ Thanh Hà cho biết trong khi PVB đang thực hiện các hoạt động tổ chức đầu thầu đã nhận được nhiều văn bản của PVN chỉ đạo giao cho PVC và liên doanh được chỉ định nhận gói thầu dự án.
“Ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo giao cho PVC và cho liên doanh. Mặt khác, bị cáo đã tiếp cận nghị quyết của PVN ưu tiên giao việc cho PVC, lúc đó bị cáo nghĩ rằng chỉ định cho PVC là trách nhiệm”, bị cáo Hà khai vào cho biết, việc PVN giao chỉ định thầu là toàn bằng văn bản công khai.
"Chống lại chủ trương lãnh đạo PVN đồng nghĩa với việc tôi xin nghỉ việc"
Bị cáo Lê Thành Thái, Trưởng phòng Kinh doanh PVB, thành viên tổ thẩm định, khai trong quá trình thực hiện xây dựng kế hoạch biết rõ PVC chỉ có năng lực các công trình phụ trợ, cấp thoát nước. Ông Thái thừa nhận biết việc thẩm định hồ sơ có thiếu sót, trong đó tiêu chí năng lực nhà thầu phải đạt dự án tự 100 triệu lít năm của liên danh PVC đã bị bỏ qua.
“Chúng tôi không thể chống lại chủ trương của Tập đoàn PVN. Tôi mà nêu vào là xin nghỉ việc luôn”, bị cáo Thái khai.
Theo cáo trạng, do nhà thầu không đủ năng lực nên trong quá trình thực hiện, dự án liên tục bị chậm tiến độ, PVC sau đó có báo cáo thừa nhận nhà thầu không đủ năng lực để thực hiện dự án.
Từ tháng 3.2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành. PVC đưa ra lý do dừng dự án là vì đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ... Hậu quả đã gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỉ đồng.
Thái Sơn
Thanh niên
|