"Thành công cải cách của nhiều địa phương đang mang đậm dấu ấn của Quảng Ninh"
“Các tập đoàn đến Quảng Ninh đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Thậm chí có những cuộc gọi lúc nửa đêm để giới thiệu, mời gọi đầu tư. Chính sự thân tình, thủ tục nhanh chóng đã trở thành động lực quan trọng để những doanh nghiệp lớn hội tụ về đây”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói trong Toạ đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” vừa diễn ra mới đây tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Toàn cảnh Toạ đàm tổ chức ngày 05/03/2021
|
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, tương lai của đất nước phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là khơi dậy sự phát triển của khu vực này, luôn hướng về phía cộng đồng doanh nghiệp. Và Quảng Ninh có thể xem như một tấm gương về sự cải cách, khiến các nhà đầu tư rất hài lòng khi đến đây.
“Tại sao ai cũng “happy” khi đến Quảng Ninh”
"Mọi người hay nói thể chế nào thì doanh nhân đó. Cũng có một câu nói tương tự là thể chế nào thì môi trường kinh doanh ở địa phương như thế. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt, Quảng Ninh là một sự khác biệt. Trong môi trường thể chế chung như vậy nhưng các thủ tục hành chính của Quảng Ninh lại rất nhanh. Tại sao đầu tư lại dồn sức vào Quảng Ninh? Tại sao ai cũng "happy" khi đến Quảng Ninh?"
Trả lời những câu hỏi này, theo ông Vũ Tiến Lộc, đó là do Quảng Ninh là nơi rộng mở, nó xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, từ trái tim của những người lãnh đạo Quảng Ninh, sẵn sàng đưa ra những quyết định mang tính sống còn cho nền kinh tế.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
|
“Quảng Ninh là cái nôi của những ý tưởng cải cách, mô hình cải cách. Như mô hình thu hút đầu tư, Quảng Ninh thành lập hẳn một ban xúc tiến đầu tư, cơ quan thành lập đầu tiên ở nước ta, do Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách.
Tất cả các nhà đầu tư chỉ cần gặp cơ quan này là lập tức được giải quyết các vấn đề chứ không cần phải vất vả đến các sở ban ngành khác. Phương châm của tỉnh Quảng Ninh là theo sát bước chân của nhà đầu tư”, ông Lộc nói và kể thêm, có doanh nghiệp cho biết, giữa đêm Bí thư Tỉnh ủy gọi điện trao đổi cả tiếng đồng hồ để giới thiệu, tư vấn, mời gọi.
Chính sự thân tình đó, cộng với thể chế, môi trường tốt, là động lực cho doanh nghiệp có niềm tin khi đến Quảng Ninh đầu tư. Các tỉnh, thành phố trong cả nước cần tổ chức “du lịch thể chế” để về đây học tập Quảng Ninh.
Thông tin chi tiết hơn về cách thức tạo dựng môi trường đầu tư của chính quyền, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là địa phương đi đầu triển khai có hiệu quả hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, cũng như hình thành phát triển các quần thể du lịch tiêu chuẩn quốc tế.
“Những thành tựu Quảng Ninh đạt được trong 5 năm qua là kết tinh của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh, đặc biệt là có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp đầu tư chiến lược, ví dụ như Tập đoàn FLC…Những doanh nghiệp này đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua”, Phó Chủ tịch Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh.
Điều kiện tiên quyết
Phát biểu tại sự kiện, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực của FLC cho biết, có 3 yếu tố quan trọng khi FLC cân nhắc, quyết định đầu tư vào địa phương là quy hoạch của địa phương; cơ sở hạ tầng và thị trường lao động.
Đây là các yếu tố cần nhưng còn có các yếu tố tiên quyết. Đầu tiên là tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu nhận được sự chào đón chân thành của chính quyền thì sẽ cảm thấy có thiện cảm và yên tâm khi đầu tư. “Có một thực tế khi các địa phương thu hút đầu tư FDI, họ cam kết giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt nếu không hoàn thành kịp tiến độ vì nhà đầu tư nước ngoài đưa ra yêu cầu rất cao. Tuy nhiên với doanh nghiệp trong nước thậm chí quy mô lớn hơn công ty nước ngoài thì lại sự không có sự cam kết đó”, bà Dung nói.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực của FLC
|
Môi trường chính trị, sự đoàn kết thống nhất trong chủ trương, chỉ đạo của các địa phương cũng được FLC coi trọng. Doanh nghiệp khi đầu tư vào một địa phương thì luôn mong muốn đầu tư lâu dài. "Doanh nghiệp quan tâm cả quá trình đầu tư sẽ được địa phương ứng xử ra sao. Điều đó lại phụ thuộc vào môi trường chính trị, sự xuyên suốt trong chỉ đạo của mỗi tỉnh", bà Dung cho hay.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương có điểm hoàn thiện bổ sung để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, ví dụ như cải cách thủ tục hành chính, sự vào cuộc của các cấp sở ngành trong địa phương.
Cũng theo bà Dung, Quảng Ninh đang là địa phương hội tụ 3 yếu tố cần kể trên cũng như các yếu tố tiên quyết về môi trường đầu tư. Vì vậy cũng như FLC, không ít nhà đầu tư lớn đang hội tụ về đây.
Liên quan đến vấn đề có nên tạo lập chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn, lãnh đạo FLC cho rằng không cần chính sách riêng cho doanh nghiệp nhưng cần chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn cho những ngành được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế.
“Ví dụ trong lĩnh vực du lịch, đây là ngành được xác định là mũi nhọn song hầu như chưa có các cơ chế ưu tiên thu hút và hấp dẫn, trong khi đây cũng là lĩnh vực hoàn vốn khá lâu. Điều này có thể ảnh hưởng đến mong muốn mở rộng và tăng cường đầu tư của doanh nghiệp trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế”, đại diện FLC cho hay.
FILI
|