Thứ Năm, 04/03/2021 19:40

Nông dân trở thành 'cò' đất

Khi cơn sốt đất xuất hiện tại vùng quê nghèo Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, nhiều nông dân bỗng chốc trở thành cò đất.

* Nhiều người ôm nợ vì 'lướt sóng đất' khu sân bay ở Bình Phước

* Sân bay còn 'trên giấy', cò đất đã thổi giá

* Cảnh báo rủi ro khi đổ xô mua bán đất sau thông tin quy hoạch sân bay

Náo loạn vùng quê nghèo

Đầu năm 2021, khi thông tin đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Phước có buổi khảo sát vị trí để lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản, ngay lập tức sốt đất theo đó bùng phát ở các xã thuộc huyện Hớn Quản.

Cơn sốt đất đã “kéo” dòng người từ khắp nơi đổ về đây “săn” đất cũng như tò mò tìm hiểu thông tin, nhất là khu vực xã An Khương và xã Tân Lợi. Dòng người đổ về ngày càng đông, bất kể ngày đêm, trong đó có những đoàn xe mang biển số từ Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nối đuôi nhau chạy khắp các con đường trong xã đông như đi trẩy hội.

Theo những người dân nơi đây, chưa bao giờ vùng quê nghèo này lại trở nên náo loạn đến như vậy ở khắp các hang cùng ngõ hẻm. Lượng người, xe đổ về quá đông đã làm cho các tuyến đường ở đây có lúc trở nên quá tải và cảnh sát giao thông, công an cũng đã được cử đến để bảo vệ an ninh, trật tự.

Xe ô tô chạy kín đường làng. Ảnh: Đình Sơn

Sốt đất đã kéo theo một lượng lớn các nhân viên môi giới, cò đất từ các nơi đổ về đây “kiếm ăn”, thậm chí nhiều cò đất còn nhanh tay về đây gom đất để phân lô bán nền. Mỗi lô nền được phân với diện tích từ 200 đến hơn 500 m2.

Theo chị Huyền, chủ một quán cà phê ở xã An Khương, mấy ngày qua, quán cà phê của chị hoạt động hết công suất nhưng vẫn không kịp bán. Để đáp ứng nhu cầu của khách, chị Huyền đã thuê người về nấu thêm cơm phần để bán. “Khách đông đến nỗi tôi bán mỏi tay, không kịp ăn. Đã mấy ngày nay rồi tôi gần như không kịp ăn, đây là bữa ăn đàng hoàng nhất”, chị Huyền chỉ vào đĩa cơm trứng chiên nói với chúng tôi như vậy.

9 tuổi đã đi làm cò đất

Trong cơn say đất tại Hớn Quản, hình ảnh ấn tượng, đập vào mắt mọi người là từng tốp người kê chiếc bàn với tấm bảng bán đất bày la liệt khắp nơi. Xe ô tô cũng được trưng dụng để treo bảng bán đất. Nhiều chủ đất địa phương, thay vì bán đất qua môi giới đã trực tiếp xuống đường lập “chốt” làm cò bán đất của mình và anh em, người thân. Những hộ dân trước đây chỉ quen với công việc nông nghiệp, trồng cao su, thì nay cũng đồng loạt treo biển bán đất, trở thành cò đất của chính mình.

Từng nhóm người tụ tập tại các “điểm môi giới” hai bên đường, việc giao dịch diễn ra sôi động và ai cũng muốn mua các thửa đất càng gần sân bay Técníc Hớn Quản càng tốt. Cò đất địa phương hễ thấy xe ô tô nào dừng lại là lập tức xuất hiện để chào mời, thậm chí chạy xe máy theo xe ô tô để “cò” đất.

Từng tốp người tụ tập bên đường chào bán đất chính chủ .Ảnh: Đình Sơn

Khi đi vào vùng tâm cơn sốt đất Hớn Quản, chúng tôi khá bất ngờ khi một cậu bé mặc quần đùi, áo cộc, người đen nhẻm chạy theo xe chúng tôi chào mời mua đất. Cậu bé tên Minh, người dân tộc Stieng, nói với chúng tôi năm nay 9 tuổi, học đến lớp 3 thì nghỉ học. Thấy mọi người làm cò đất kiếm được tiền nên cậu cũng lân la thử việc để kiếm tiền giúp mẹ. “Nhà cháu có miếng đất đẹp lắm, chú có mua thì theo cháu”, cậu bé nói và dẫn chúng tôi vào sâu bên trong một con đường nhỏ, hai bên bạt ngàn cây cao su.

Khi chúng tôi hỏi đất giá bao nhiêu, diện tích thế nào, có gần sân bay Técníc Hớn Quản không thì cậu bé ấp úng chỉ tay về hướng rừng cao su nói sân bay hướng đồi đó đó, nếu muốn mua thì chú gọi điện cho mẹ cháu.

Cậu bé 9 tuổi cũng trở thành cò đất. Ảnh: Đình Sơn

Anh Nguyễn Thành Trung, người dân ở tổ 1, Bà Lành, Tân Lợi, Hớn Quản kê chiếc bàn, hai chiếc ghế nhựa ra tuyến đường liên xã làm “văn phòng môi giới”. Trên bàn, anh Trung bày sẵn tấm sổ hồng khu đất anh đang bán lên bàn. Anh Trung cho biết, đất anh bán là đất chính chủ, không qua cò đất vì khi qua cò đất họ kê giá rất cao. Anh Trung bán hai miếng đất của mình và của bố mẹ. Miếng anh bán khoảng 8.000 m2 gần sân bay với giá 14 tỉ đồng.

“Nếu anh thấy được thì mua, em bớt chút đỉnh chứ không giảm nhiều vì mấy nay giá tăng từng ngày, cũng không qua cò đất nên anh yên tâm”, anh Trung nói. Để chứng minh người thật việc thật, anh còn rút chứng minh nhân dân từ trong ví ra so sánh với tên chủ đất ghi trên sổ hồng: “Anh thấy không, em đâu nói gian. Tên em trên chứng minh nhân dân và sổ hồng là một. Anh mua chính chủ nên yên tâm về giá và sổ sách”.

Anh Đức, một chủ đất cũng đồng thời là cò cho biết, chưa bao giờ nghĩ đất ở đây lại có giá khủng khiếp như vậy. Trước đây mấy ngày, giá đất mỗi mét ngang khoảng 150 triệu đồng thì nay có nơi đã tăng lên 300 triệu đồng. Tôi có 4 lô đất vườn cao su thì đã bán được 3 lô. Mấy ngày nay tôi không có thời gian để ăn luôn vì khách hỏi mua đất quá nhiều.

Không chỉ anh Đức, anh Trung hay bé Minh, gần như người dân có đất ở các xã gần sân bay Hớn Quản đều trở thành cò đất. Người dân ở đây đang quay cuồng trong cơn sốt đất.

Đình Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   [Infographics] Bức tranh kinh doanh toàn cảnh ngành bất động sản niêm yết 2020 (04/03/2021)

>   Phân khúc bất động sản nào sẽ sinh lợi ổn định năm 2021? (03/03/2021)

>   Nhiều người ôm nợ vì 'lướt sóng đất' khu sân bay ở Bình Phước (03/03/2021)

>   Đất sốt chỉ ở miệng 'cò' (03/03/2021)

>   Sân bay còn 'trên giấy', cò đất đã thổi giá (01/03/2021)

>   Rộ bán cắt lỗ căn hộ chung cư ở Hà Nội (25/02/2021)

>   Giá chung cư Hà Nội và Tp.HCM nhích nhẹ trong tháng 1/2021 (26/02/2021)

>   Văn phòng giá rẻ hút khách trở lại (24/02/2021)

>   Nhà đất Hong Kong 11 năm đắt đỏ nhất thế giới (23/02/2021)

>   Bất động sản công nghiệp "cứu" thị trường (22/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật