Metro số 1: Kiến nghị sử dụng vật liệu trong nước để gỡ khó
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết khó khăn cho dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
COVID-19 tác động đến toàn dự án
Theo MAUR, ngay từ tháng 2-2020, JICA đã thông báo đến MAUR những lưu ý liên quan với việc ảnh hưởng, kéo dài của dịch COVID-19. Theo đó, dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án và các nhà thầu sẽ xem xét gửi các khiếu nại liên quan (do thiếu hụt trong thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng).
Đồng thời, Tư vấn chung NJPT đã nhiều lần thông báo đến chủ đầu tư về những ảnh hưởng sẽ tác động của dịch COVID-19 đến tiến độ tổng thể của toàn dự án.
Theo đó, Tư vấn chung NJPT báo cáo, dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng và chậm trễ đáng kể đối với kế hoạch thi công của các gói thầu.
Cụ thể, đối với các gói thầu xây lắp (Gói thầu CPla, Gói thầu CP1b và CP2) đã làm chậm trễ công tác thi công, ngày hoàn thành các kết cấu và các tiện ích dọc tuyến do các nhà thầu xây lắp thực hiện.
MAUR đề xuất nhiều phương án gỡ khó cho metro số 1. Ảnh: MAUR.
|
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đối với gói thầu thiết bị (Gói thầu CP3). Trong đó, đã làm chậm trễ công tác mua sắm, sản xuất, vận chuyển từ nước ngoài, các công tác lắp đặt tiếp theo dọc tuyến số 1 và công tác thử nghiệm, vận hành thử cho nhà thầu thực hiện.
Hiện nay, công việc của các nhà thầu xây lắp có khối lượng sản phẩm, hạng mục công việc được thực hiện (sản xuất, chế tạo, thử nghiệm...) ở nước ngoài tương đối thấp.
Đặc biệt, công việc liên quan đến gói thầu CP3 thì chủ yếu tập trung ở nước ngoài như mua sắm, sản xuất, kiểm tra vận chuyển, điều động chuyên gia nước ngoài để thực hiện công tác thủ nghiệm và vận hành thử... Do đó, nhà thầu của gói thầu CP3 dễ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 hơn các nhà thầu của gói thầu xây lắp.
Tư vấn chung NJPT báo cáo về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với tiến độ triển khai thực hiện dự án (chủ yếu là ảnh hưởng đến tiến độ triển khai gói thầu CP3). Từ đó, cảnh báo khả năng, tiến độ thực tế hoàn thành dự án sau năm 2021.
Hiện nay, MAUR đang tăng cường điều phối các nhà thầu để kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công và kiểm soát tiến độ dự án, linh hoạt để đẩy nhanh tối đa các công tác có thể tiến hành thực hiện trong nước.
Sử dụng nguồn vật tư trong nước
Trước thực trạng trên, MAUR kiến nghị UBND TP tiếp tục duy trì cơ chế họp giao ban kiểm điểm tiến độ và kiểm tra công trình định kỳ (ít nhất 2 tuần/ lần).
Trong đó, MAUR sẽ trong vai trò chủ đầu tư làm việc và phối hợp với các nhà thầu, Tư vấn thuê bên thứ ba độc lập tham gia các cuộc thử nghiệm, kiểm tra nhà máy và sử dụng nhân sự của bên thứ ba này tại các nước sở tại để hạn chế tối đa việc di chuyển trong mùa dịch.
MAUR sẽ yêu cầu nhà thầu xem xét các phương án sử dụng nguồn vật tư, thiết bị, nhân sự tại chỗ trong nước hoặc sử dụng các nhà thầu phụ trong nước đạt các tiêu chí kỹ thuật của dự án và của các hợp đồng để có thể tạm thay thế phần nào việc phụ thuộc vào vật tư, thiết bị từ nước ngoài (nhất là các nước Châu Âu).
MAUR yêu cầu nhà thầu xem xét phương án thử nghiệm, sử dụng, nhập khẩu thiết bị cung cấp từ các chi nhánh ở các nước mà tình hình dịch bệnh được phần nào kiểm soát để cung cấp cho dự án. Ví dụ chi nhánh của các tập đoàn, công ty tại các nước Châu Á, Đông Nam Á...
Đồng thời, MAUR liên tục kiểm tra, đôn đốc tình hình thi công tại công trường nhằm giảm thiểu thấp nhất việc giảm tiến độ của dự án; Liên tục theo dõi tình hình di chuyển của toàn bộ nhân sự dự án (bao gồm cả nhà thầu và tư vấn) nhằm đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch.
MAUR sẽ làm việc với Tư vấn và các nhà thầu để đánh giá tình hình và các ảnh hưởng đến dự án. Trong đó xem xét khả năng dịch COVID-19 là tình trạng bất khả kháng cho cả chủ đầu tư và nhà thầu nên các bên phải cùng cộng tác và chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
ĐÀO TRANG
Pháp luật TPHCM
|