Kênh bơm tiền qua Kho bạc sắp "thông"?
Kho bạc Nhà nước sẽ mở rộng chức năng hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua Kho bạc Nhà nước bổ sung một số nghiệp vụ về hoán đổi, mua lại trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu Chính phủ hỗ trợ thanh khoản.
Bắt đầu từ ngày 1/4 tới đây, Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện thí điểm mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bằng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi. Đây là một trong 4 nghiệp vụ về quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ- CP của Chính phủ.
Cụ thể, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo thứ tự ưu tiên: tạm ứng cho NSTW; tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước (trong đó ưu tiên gửi tại ngân hàng thương mại có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn); mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, 3 nghiệp vụ gồm tạm ứng cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại đã được Kho bạc Nhà nước triển khai đồng loạt trong thời gian qua.
Riêng nghiệp vụ về mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ là một nghiệp vụ khá phức tạp, cần phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, ngày 21/12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2020/TT-BTC Hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước, có hiệu lực từ 1/4/2020.
Được biết, kỳ hạn mua lại trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước bao gồm kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.
Song, không phải ngân hàng nào cũng được quyền giao dịch với Kho bạc Nhà nước. Các ngân hàng thương mại muốn được mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ đáp ứng đồng thời ba tiêu chí. Thứ nhất, trong danh sách các ngân hàng thương mại được xếp hạng theo mức độ an toàn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 24/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, đang là thành viên giao dịch trên thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Thứ ba, không vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ với Kho bạc Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này trong vòng một năm (tính theo ngày) liền kề trước tính đến ngày Kho bạc Nhà nước thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
Mặt khác, trái phiếu Chính phủ được Kho bạc Nhà nước chấp nhận sử dụng trong giao dịch mua lại có kỳ hạn cũng phải đảm bảo hai điều kiện. Trong đó, trái phiếu Chính phủ đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán, có kỳ hạn còn lại tối đa không quá 1 năm.
Đồng thời, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và được phép chuyển nhượng; không bị ràng buộc trong các quan hệ về giao dịch đảm bảo trong thời gian mua lại có kỳ hạn, kể từ ngày thanh toán giao dịch lần 1.
Dữ liệu rà soát cho thấy, hiện có khoảng 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thuộc diện trên (có kỳ hạn còn lại trong phạm vi 1 năm). Quy mô này chỉ tương đối khi mỗi tuần vẫn có một lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn (như tuần vừa qua có 6.150 tỷ đồng đáo hạn).
Theo các chuyên gia, hoạt động này sẽ không tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vì nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ của Kho bạc là tiền trong lưu thông, tương tự như nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, do Kho bạc Nhà nước có mục tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, chủ yếu ở kỳ hạn dài 10 – 15 năm, giảm phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm, lượng trái phiếu có kỳ hạn còn lại tối đa 1 năm trong tương lai sẽ cũng không có nhiều.
Hơn nữa, không hẳn toàn bộ số tiền trên sẽ được bơm ra thị trường. Bởi lẽ, ngoài những yếu tố nêu trên, vẫn còn một rào cản đó là hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ hàng quý tối đa 10% tồn ngân quỹ nhà nước ước tính trong quý.
Dù vậy, nguồn tiền mới bơm ra dự kiến sẽ vẫn tạo tác động nhất định. Còn lại là vấn đề lợi ích và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại tham gia kênh này; nếu có lợi và hấp dẫn thì họ tham gia.
Đào Hưng
VnEconomy
|