Eximbank ấn định thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên cho hai năm 2020-2021 vào ngày 27-4 tới đây, còn đại hội có diễn ra hay không và nếu diễn ra liệu có thành công lại là chuyện khác. Ngân hàng này là tổ chức tín dụng duy nhất trong toàn hệ thống ngân hàng hai năm không tổ chức đại hội đồng cổ đông, nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính.
Trong năm 2020, đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank liên tiếp hoãn nhiều lần. Ảnh: V.D.
|
Niêm yết trên sàn TPHCM (HOSE), nếu không phải ngân hàng, chịu sự quản lý đặc thù của ngành, mà là một doanh nghiệp bình thường, hẳn Eximbank đã bị hủy niêm yết bắt buộc và rời về UpCom. Không có công ty niêm yết nào hai năm không tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên mà vẫn hiện diện trên HOSE cả.
Vấn đề của Eximbank (EIB) là cơ cấu cổ đông và sự tranh chấp nắm quyền điều hành ngân hàng giữa các nhóm cổ đông quá phức tạp, kéo dài. Theo dữ liệu của HOSE, đến ngày 7-3-2021 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 29,82% cổ phần EIB, trong đó Sumitomo Mitsui Banking Corporation nắm 15%, Quỹ VOF 4,97%. Trong 70% cổ phần còn lại Vietcombank sở hữu 4,82%. Như vậy khoảng 65% cổ phần EIB thuộc về cổ đông bên ngoài.
Hai nhóm nhà đầu tư chủ yếu đang nắm giữ một tỷ lệ ngang ngửa trong số 65% cổ phần kia. Để có thể tạo ưu thế chi phối, hai nhóm đều “tranh thủ” sự ủng hộ của cổ đông nước ngoài và cổ đông tổ chức Vietcombank. Vietcombank không nghiêng về nhóm nào. Riêng Sumitomo, theo giới quan sát, lúc thì ủng hộ nhóm này, lúc lại “liên kết” với nhóm nọ.
Cả hai nhóm nhà đầu tư đều đề cập đến khả năng chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ để rút chân ra khỏi Eximbank và tạo điều kiện cho nhóm còn lại khôi phục vị thế ngân hàng. Mấu chốt là giá chuyển nhượng bao nhiêu.
Nhóm nhà đầu tư trước đây có liên quan đến một số cổ đông của Ngân hàng TMCP Nam Á đề xuất mức giá đồng ý chuyển nhượng cao hơn khoảng 60-65% so với thị giá EIB trên sàn hiện nay (thị giá EIB dao động 18.000-20.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 12 tháng qua). Lý do là giá gốc cổ phiếu EIB họ mua tương đương thị giá hiện hành. Tuy nhiên họ nắm giữ cổ phiếu đã 5-6 năm nên tính thêm lãi. Ngoài ra nhóm này muốn chuyển nhượng cả “cục”.
Nhóm nhận chuyển nhượng lại duy trì đề xuất giá giao dịch theo thị giá trên sàn, và họ có thể mua một tỷ lệ nhất định, đủ để đạt 51% cổ phần, không nhất thiết mua hết. Các lần thương lượng giữa hai bên cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả.
Có một giải pháp cho Eximbank, mà giải pháp này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường chứng khoán. Đó là nếu VN-Index tăng trưởng vượt bậc, cổ phiếu ngân hàng đi lên, thị giá Eximbank leo dốc tới 30.000 đồng, chắc chắn giao dịch EIB sẽ sôi động ngay trên sàn niêm yết.
Trên thị trường các cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng nhỏ, kể cả ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, đang nhộn nhịp với giá chuyển nhượng hầu hết quanh ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu. Những ngân hàng nhỏ thường có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Để sở hữu 51% một ngân hàng nhỏ, nhóm nhà đầu tư cần bỏ ra đâu đó hơn 3.000 tỉ đồng. Đây được xem là mức giá thuận mua vừa bán trong bối cảnh việc thành lập ngân hàng mới là không thể.
Nhóm nhà đầu tư có thể không cần phải có số tiền tươi thóc thật 3.000 tỉ đồng. Họ cần có một nửa số này, phần còn lại có thể thu xếp vốn với các tổ chức tài chính khi sử dụng chính số cổ phần 51% làm tài sản đảm bảo.
Nhiều tập đoàn bất động sản rất muốn sở hữu một ngân hàng dưới tên các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ cho việc kinh doanh. Hiện không ít doanh nghiệp bất động sản vay vốn ngân hàng không còn dễ dàng do đã sử dụng hết hạn mức, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được siết chặt, nên cũng không dễ huy động vốn từ kênh này.
Nếu có ngân hàng phía sau hỗ trợ, thì ngay cả trong trường hợp không thể vay vốn trực tiếp của ngân hàng phía sau này, các công ty bất động sản cũng có thể hy vọng sẽ được ngân hàng phía sau bảo lãnh.
Eximbank với vốn điều lệ 12.355 tỉ đồng, tổng tài sản và dư nợ những năm gần đây đều không tăng trưởng, tương ứng 160.000 tỉ đồng và gần 100.000 tỉ đồng, lại bị thất thoát “chất xám” mạnh do nhân viên chuyển việc, đang bị kéo lùi quy mô và lợi nhuận về phía các ngân hàng nhỏ. Một vài năm nữa khi các ngân hàng nhỏ bứt phá nhờ chuyển đổi thành ngân hàng số, Eximbank có thể gia nhập nhóm này. Khi đó vị thế của Eximbank sẽ càng yếu. Chưa thể biết ngân hàng sẽ đi về đâu.