Kênh chứng khoán giúp ngân hàng cải thiện nguồn thu ngoài lãi trong năm Covid
Khi nguồn thu chính gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các ngân hàng đã đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi nhằm cải thiện thu nhập trong năm qua, nhất là thu từ kinh doanh chứng khoán.
Thu ngoài lãi tăng nhưng thu nhập vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong năm 2020, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hơn thu nhập ngoài lãi.
Hoạt động chính đem về mức thu nhập lãi thuần của các ngân hàng tăng trưởng bình quân từ 10-30%. Trong đó, MSB (+57%) là nhà băng tăng mạnh nhất, sau đó là VIB (+37%) và Techcombank (TCB, +32%). Tuy nhiên, có 5 nhà băng báo thu nhập lãi thuần giảm so với năm trước là Vietbank (VBB, -53%), SGB (-19%), KLB (-5.5%), ABB (-4%) và BIDV (BID, -0.5%).
Hoạt động chính tăng trưởng thấp khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh các nguồn thu khác bù vào lợi nhuận, đẩy thu nhập ngoài lãi của 28 ngân hàng tăng 16% so với năm trước. Một số nhà băng có thu nhập phi tín dụng tính bằng lần như NCB (NVB, 2.7 lần), LPB (2.3 lần), Nam A Bank (NAB, 2.1 lần)…
Ở chiều ngược lại, một số nhà băng dù thu nhập lãi thuần gần như đi ngang so với năm trước nhưng thu nhập ngoài lãi lại báo giảm như PGBank (PGB, -29%), Eximbank (EIB, -11%)…
Cơ cấu thu nhập của các ngân hàng trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Dù nguồn thu ngoài lãi đang được đẩy mạnh, nhưng khi nhìn vào cơ cấu thu nhập của các ngân hàng có thể thấy các nhà băng vẫn còn quá phụ thuộc vào tín dụng khi nguồn thu từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm từ 60-90% thu nhập hoạt động. Trừ trường hợp của Vietbank thu nhập ngoài lãi chỉ chiếm 34% thu nhập hoạt động, phần còn lại là thu nhập ngoài lãi và chiếm tỷ trọng cao nhất là lãi từ chứng khoán đầu tư.
Thị trường chứng khoán giúp các ngân hàng thắng lớn trong năm qua
Nhìn sâu vào cơ cấu thu nhập phi tín dụng của các ngân hàng trong năm qua, có thể thấy nguồn thu từ chứng khoán đầu tư (+86%) tăng mạnh nhất, sau đó là kinh doanh ngoại hối (+28%) rồi mới đến thu từ dịch vụ (+23%).
Trong năm Covid, thị trường chứng khoán giúp cho nhà đầu tư “ấm no” đi kèm với một lượng lớn nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường được cho là nhân tố góp phần đẩy thanh khoản của thị trường.
Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán được nhận định là do mặt bằng lãi suất huy động liên tục hạ thấp và các kênh đầu tư truyền thống khác như vàng, ngoại tệ hay bất động sản đều đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Kết thúc năm 2020, VN-Index dừng ở 1,103.87, tăng gần 15%; HNX-Index dừng ở 203.12, tăng hơn 98% so với đầu năm. Thanh khoản bình quân trên hai sàn niêm yết đạt gần 7,145 tỷ đồng/phiên. Trên hai sàn này có 555 mã tăng giá và 195 mã giảm giá. Vốn hóa toàn thị trường cuối năm đạt hơn 5.3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm.
Và các nhà băng cũng không thể bỏ qua cơ hội này, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, việc các ngân hàng tăng thu từ chứng khoán trong năm qua là hết sức bình thường, vì năm vừa rồi thị trường chứng khoán phát triển rất sôi động, đặc biệt là thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng gấp đôi so với năm trước. Do đó, nhu cầu về giao dịch, tư vấn, vay margin (cho vay ký quỹ) cũng tăng lên, cộng với những dịch vụ khác. Và bản thân hệ thống ngân hàng cũng có bộ phận kinh doanh vốn, tham gia kinh doanh mua bán trái phiếu trên thị trường. Đó là những nguồn thu hoàn toàn phù hợp, cho nên các ngân hàng cũng nhanh chóng điều chỉnh để đa dạng hóa nguồn thu.
Nhìn sâu vào cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, trong 28 ngân hàng VietstockFinance thống kê, ACB là nhà băng thu lãi từ chứng khoán đầu tư nhiều nhất, gấp 14 lần năm trước với 732 tỷ đồng.
Những nhà băng có nguồn thu từ chứng khoán trên nghìn tỷ như OCB (1,752 tỷ đồng), BIDV (BID, 1,515 tỷ đồng, Techcombank (TCB, 1,497 tỷ đồng)…
Tuy nguồn thu từ chứng khoán thường chiếm tỷ trọng không nhiều trong tổng thu nhập hoạt động, chỉ dưới 10%, nhưng vẫn có những ngân hàng trong năm qua đẩy mạnh tỷ trọng lên cao như VBB (50%), ABB (20%), OCB (22%)…
TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng thêm năm nay, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục sôi động, có thể ở mức tương đương năm ngoái, tăng trưởng 15-20%, do đó nguồn thu từ mảng này được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Cơ cấu thu nhập phi tín dụng của các ngân hàng trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Một khoản thu nhập phi tín dụng khác cũng được đẩy mạnh trong năm qua là thu nhập từ kinh doanh ngoại hối. TPBank (TPB) là ngân hàng có tỷ trọng thu từ ngoại hối tăng cao nhất, gấp 9 lần năm trước (408 tỷ đồng, kế đến là SeABank (SSB, gấp 7 lần), VBB (gấp 5 lần)….
Mặc dù lãi từ hoạt động dịch vụ thường chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nguồn thu ngoài lãi, từ khoảng 10-20%, nhưng tốc độ tăng trưởng của nguồn thu này trong năm qua lại không cao. Trong đó, Nam A Bank tăng cao nhất (+60%), kế đến là LPB (+59%) và BVB (+58%)…
Cát Lam
FILI
|