Cuộc đua 'đốt tiền' kéo khách, hết khuyến mại thẳng tay xoá bỏ
Các ứng dụng mua sắm trực tuyến đua nhau đốt tiền khuyến mại để giữ người dùng khỏi tình trạng "cả thèm chóng chán", thẳng tay xoá ứng dụng trên điện thoại sau khi dùng thử.
Gỡ bỏ ứng dụng cao nhất khu vực
Để mua một chai sữa dưỡng thể có mức giá rẻ hơn từ chương trình khuyến mại, chị Trần Thanh Trúc (Ba Đình, Hà Nội) đã cài một ứng dụng mua sắm để đặt mua. Nếu mua qua ứng dụng này, chị Trúc sẽ được giảm 50.000 đồng mà không mất phí vận chuyển từ chương trình thành viên mới. Nhận xong sản phẩm, chị Trúc không còn nhu cầu mua sắm trên ứng dụng này. Chỉ một tháng sau, chị gỡ bỏ ứng dụng mua sắm này trên điện thoại di động.
Cuộc đua giữa các ứng dụng mua sắm liên tục tìm cách thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là những khách hàng mới. Những khách hàng như chị Trúc luôn lựa chọn ứng dụng nào có mức giá rẻ nhất để mua. Chị sẵn sàng chuyển sang ứng dụng mua sắm khác nếu mức giá hấp dẫn hơn. “Có mới nới cũ”, chị sẵn sàng xoá khỏi máy ứng dụng nào không còn nhiều ưu đãi.
Chị Nguyễn Thị Hoài, một bà mẹ bỉm sữa khác ở Hà Nội, cũng liên tục cài ứng dụng mua sắm mới. Chị Hoài chia sẻ, các chương trình khuyến mại thường ưu tiên khách hàng mới hơn là những người mua trung thành nên chị thường xuyên đổi ứng dụng mua sắm sau vài lần mua bán online.
Tỷ lệ gỡ ứng dụng mua sắm cao trong khu vực (Ảnh minh hoạ)
|
“Mình là người quản lý chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm vài đồng cũng quý nên trước khi mua hàng, mình thường so sánh qua các nhiều ứng dụng. Ứng dụng nào hết khuyến mãi, mất phí vận chuyển cao là mình bỏ luôn”, chị Hoài chia sẻ.
Với thói quen tiết kiệm từng đồng như vậy, người tiêu dùng Việt còn chuộng hình thức giao hàng thu tiền đúng kiểu “tiền trao cháo múc” mặc dù các kênh thanh toán online khá thuận tiện. Chị Hoài cho hay, chị chỉ dùng thanh toán online khi có khuyến mại từ các ví điện tử, hoặc thẻ visa. Còn không, chị toàn để chế độ thanh toán sau khi nhận hàng.
Khi được hỏi, đâu là ứng dụng mua sắm “ruột”, chị Hoài không ngần ngại trả lời: “Không có cái nào”. Một vài sản phẩm như bỉm sữa chị sẽ mua trên ứng dụng mua sắm này nhờ giá tốt hơn. Khi mua sách hay đồ điện tử, chị lại chọn ứng dụng khác.
Ngoài việc hết giảm giá, khuyến mại, khách hàng gỡ bỏ ứng dụng còn do chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Ông Đỗ Quang Thắng (trú tại Hà Nội) vừa xoá bỏ hai ứng dụng mua sắm sau khi thấy chất lượng sản phẩm không như kỳ vọng. “Tôi mua 1 cái ốp điện thoại, quảng cáo giá rẻ nhưng khi nhận hàng rất tệ. Tôi chấm 1 sao rồi bỏ luôn ứng dụng đó”, ông Thắng cho hay.
Trên nhiều diễn đàn, người mua phàn nàn về chất lượng sản phẩm được bán trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến không đúng như quảng cáo. Dịch vụ bán hàng không chuyên nghiệp, tình trạng lừa đảo trên sàn thương mại điện tử diễn ra thường xuyên gây hoang mang cho khách hàng.
Đại diện một ứng dụng mua sắm thừa nhận, người tiêu dùng sẽ xoá ứng dụng không phù hợp sau khi dùng thử. Họ sẽ cài khi có ưu đãi, khuyến mại nhưng khi thu phí giao hàng, xử lý đơn hàng chậm, họ sẽ từ bỏ ngay lập tức.
Bản đồ thương mại điện tử (TMĐT) trong khu vực Đông Nam Á của iPrice Group cho thấy, tỷ lệ gỡ ứng dụng tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, lên đến 49% trong quý 2/2020, dù Việt Nam là thị trường lớn thứ hai khu vực, chỉ sau Indonesia tính theo lưu lượng truy cập. Lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần với Thái Lan.
Cuộc đua đốt tiền lấy lòng khách hàng
Có được những khách hàng như chị Trúc hay chị Hoài, các ứng dụng mua sắm đã chi hàng tỷ đồng quảng cáo để khách hàng biết tới và cài ứng dụng. Để giữ chân họ, các ứng dụng mua sắm liên tục chi tiền để quảng cáo, cạnh tranh nhau từng phút.
Chỉ tính những ứng dụng mua sắm lớn như Lazada, Shopee, Tiki hay Sendo,... trong năm 2020 đã có hàng loạt chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Đơn cử như ngày Lễ độc thân (11/11), Black Friday (27/11), Cyber Monday (30/11), giảm giá 12/12,... các sàn này đều cạnh tranh nhau về giá cả, phí giao hàng để kéo người dùng về phía mình. Các ứng dụng còn kết hợp với những người nổi tiếng trong lĩnh vực làm đẹp để quảng bá thương hiệu.
Các ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động tại Việt Nam
|
Theo các nhà phân tích thị trường, một trong những lý do giúp tăng trưởng trong tiêu dùng online là tâm lý mua hàng. Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, tâm lý tiêu dùng tích cực trở lại và vì thế người ta chi tiêu nhiều hơn.
Đại diện iPrice cho rằng, bên cạnh việc tập trung vào các chiến dịch thu hút khách hàng, các doanh nghiệp TMĐT cần cân nhắc đến việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng mới hơn nữa.
Các sàn lớn cũng quan tâm tới việc xây dựng hệ sinh thái của mình, bao gồm nhiều lĩnh vực có thể giúp hỗ trợ cho hoạt động mua sắm trên mạng tốt hơn. Các sàn sẽ có lợi nhiều khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào hệ thống xử lý của mình. Hệ thống giờ đây có thể nhận diện tốt khách hàng, phân tích và hiểu được khách hàng để có những gợi ý, quảng cáo sản phẩm phù hợp với sở thích của từng khách hàng.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành tại Shopee Việt Nam, khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí. Do đó, các ứng dụng thương mại điện tử phải tích hợp nhiều yếu tố tương tác như trò chơi và livestream để gia tăng kết nối với người dùng.
Không kém cạnh, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam - cho biết, Lazada sẽ tiếp tục đẩy mạnh các tiềm lực về công nghệ và các sáng kiến để tối ưu hoá những trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, nâng cao sức mạnh logistics bằng việc tăng cường hoạt động để đẩy nhanh thời gian giao hàng giữa trục Bắc - Nam, hướng đến mục tiêu giao hàng trong ngày với chi phí thấp nhất.
Các sàn thương mại điện tử chấp nhận thua lỗ để đi đường dài bởi họ kỳ vọng rất lớn vào thị trường Việt Nam. Theo các báo cáo gần đây, TMĐT Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước tiến tới dự báo đạt quy mô thị trường 29 tỷ USD vào năm 2025. Google dự đoán, TMĐT Việt Nam đến 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực là 34%.
“Miếng bánh” TMĐT trị giá hàng tỷ USD chỉ có một, doanh nghiệp nào sớm có sự chuẩn bị, đón đầu thị trường và thực thi chiến lược nhanh chóng sẽ giành lấy phần lớn hơn. Tuy vậy, việc chắp bút vẽ lại thị phần của thị trường mua sắm online không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được. Điều người tiêu dùng mong mỏi vẫn là có cơ chế bảo vệ khách mua hàng online, chứ không thể phải mua hàng bằng niềm tin.
Duy Anh
Vietnamnet
|