Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Nikkei Asia, ông Young Liu, Chủ tịch kiêm CEO của hãng lắp ráp công nghệ theo hợp đồng Foxconn, đã chia sẻ quan điểm về xe điện cũng như những định hướng tương lai của công ty xoay quanh phương tiện này.
Foxconn được biết đến là nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới. iPhone là một trong những động lực tăng trưởng lớn nhất cho công ty này suốt hơn một thập kỷ qua. Hiện tại, ông Liu cho rằng xe điện chính là "sản phẩm lớn tiếp theo" của Foxconn tương tự như iPhone vào cuối những năm 2000.
"Với Foxconn, sản xuất xe điện chắc chắn sẽ phát triển trở thành mảng kinh doanh lớn hơn nhiều so với điện thoại di động", ông Liu nhận xét.
CEO Foxcoon cho biết công ty này đang cân nhắc kế hoạch sản xuất xe điện tại Trung Quốc và Mỹ. Động thái này nhằm lấn sân sang phân khúc phát triển bùng nổ của thị trường ôtô toàn cầu khi mà hàng loạt hãng công nghệ đua nhau cạnh tranh với các nhà sản xuất ôtô truyền thống.
"Với xe điện, chúng tôi có cơ hội cạnh tranh bởi sẽ không cần động cơ trong ôtô nữa. Khi đó, những thành phần quan trọng nhất của ôtô sẽ là ổ đĩa phần mềm cùng nhiều con chíp", ông Liu cho biết.
Foxconn, còn được biết đến với tên gọi Hon Hai Precision Industry, lần đầu công bố kế hoạch lắp ráp xe điện cho các hãng ôtô vào tháng 10 năm ngoái. Công ty này đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần ôtô điện toàn cầu vào khoảng năm 2025-2027.
Tuy nhiên, với xe điện, nhà lắp ráp đồ điện tử Đài Loan không muốn lặp lại mô hình kinh doanh giống với điện thoại thông minh hay các thiết bị khác. Với mặt hàng điện tử, Foxconn chủ yếu tập trung vào các nhà máy tại Đài Loan và Trung Quốc đại lục, sau đó xuất khẩu đi khắp thế giới.
Ông Young Liu, Chủ tịch kiêm CEO của Foxconn phát biểu trước báo giới tại Đài Loan ngày 16/3. Ảnh: Reuters
|
"Chúng tôi cho rằng mô hình sản xuất tập trung như vậy sẽ không hiệu quả với xe điện", Liu chia sẻ. "Mô hình sản xuất theo từng khu vực hoặc phi tập trung sẽ hiệu quả hơn". Ông Liu từng điều hành mảng sản xuất thiết bị bán dẫn của Foxconn trước khi thay ông Terry Gou đảm nhiệm vị trí CEO vào năm 2019.
Theo ông Liu, ôtô là sản phẩm có kích thước lớn và khó vận chuyển, do đó, chi phí giao hàng sẽ cao hơn nhiều so với điện thoại di động. Vì vậy, Foxconn dự kiến tập trung sản xuất các bộ phận chính của ôtô tại một số địa điểm nhất định, trong đó có Đài Loan. Những bộ phận này sau đó sẽ được vận chuyển tới trung tâm lắp ráp đặt tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Ông Liu tiết lộ Foxconn sẽ sản xuất xe điện cho thương hiệu startup Byton, lắp ráp tại Trung Quốc đại lục, dự kiến bắt đầu vào năm sau. Tiếp đến, công ty này sẽ lắp ráp xe điện cho thương hiệu Mỹ Fisker và có thể sẽ sản xuất tại Mỹ. Đầu tuần trước, CEO Foxconn cũng chia sẻ với báo giới rằng công ty này có thể sẽ chọn Mexico là địa điểm sản xuất xe điện.
Mùa thu năm ngoái, Foxconn ra mắt nền tảng xe điện mở riêng, có tên MIH, phục vụ cho cả các hãng phát triển xe điện và công ty bán xe điện.
"Với nền tảng mở này, chúng tôi có thể cung cấp tới 80% phần cứng của xe điện", ông Liu cho biết.
Nền tảng MIH sẽ giúp giảm bớt rào cản của các startup xe điện non trẻ cũng như các công ty quy mô từ nhỏ tới trung bình muốn gia nhập thị trường. Với việc mở rộng phạm vi kinh doanh xe điện bên cạnh việc lắp ráp, Foxconn muốn tìm kiếm thêm cơ hội để gia tăng giá trị chuỗi cung ứng ôtô của mình.
Hiện tại, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang nắm giữ gần 30% thị phần ôtô toàn cầu. Tuy nhiên, những công ty này chủ yếu tập trung vào ôtô sử dụng động cơ tiết kiệm nhiên liệu và ít khí thải cũng như xe lai. Trong khi đó, một số công ty đang xem xu hướng chuyển sang ôtô điện trên toàn cầu là mối đe dọa.
"Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất ôtô truyền thống đang theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi tin rằng một khi chúng tôi bắt đầu giao sản phẩm từ MIH, họ sẽ bắt đầu nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn", ông Liu nhận định.