Chuyên gia cảnh báo quá nhiều gói kích thích ở Mỹ có thể khiến lạm phát tràn vào Trung Quốc
Khi Mỹ bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế sau đại dịch, các nhà kinh tế lo ngại về những tác động mà Trung Quốc có thể bị vạ lây, trong đó có nguy cơ “lạm phát từ bên ngoài tràn vào”.
Những lo lắng về lạm phát cao, hay giá cả tăng nhanh, đã ảnh hưởng đến các thị trường ở Mỹ vào tuần trước. Quốc hội Mỹ đang xem xét kế hoạch kích thích trị giá 1.9 nghìn tỷ USD mà các nhà phê bình cho rằng có thể khiến lạm phát tăng vọt và nợ càng nặng thêm sau gói kích thích 2 nghìn tỷ USD năm ngoái.
Tại Trung Quốc, các nhà kinh tế đang cảnh giác những rủi ro đối với tăng trưởng khi nước này cố gắng phục hồi hoàn toàn sau cú sốc của đại dịch.
“Việc phát hành trái phiếu Mỹ với quy mô lớn và sự mở rộng nhanh chóng bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã làm tăng tác động lan tỏa của các chính sách vĩ mô của Mỹ”, CNBC dẫn lời cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei.
Ông Lou cho biết tác động từ chính sách của những nước lớn sẽ ảnh hưởng đến các nước mới nổi về mặt kinh tế và tài chính. “Chúng tôi đang đối mặt những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ”, ông nói.
Chính sách tiền tệ của Trung Quốc
Trong cuộc họp Quốc hội vào thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trên 6% và cho biết Chính phủ sẽ giữ chính sách tiền tệ “ở mức hợp lý và phù hợp”.
Các nhà phân tích đang theo dõi cuộc họp kéo dài một tuần này để nắm bắt chi tiết về việc các nhà lãnh đạo có thể thay đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phục hồi sau cú sốc Covid-19 như thế nào.
Covid-19 lần đầu xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019. Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc đã cho phép nước này kiểm soát sự bùng phát trong nước trong vài tháng, nhưng không phải trước khi đại dịch lan ra khắp thế giới.
Theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 28.8 triệu ca nhiễm và 520,000 người tử vong.
Zhang Cheng, giám đốc tín dụng của Bluestone Asset Management, cho rằng Mỹ và châu Âu đã theo đuổi chính sách tiền tệ “bất thường” trong 2 năm qua, khi áp dụng lãi suất thấp ở mức lịch sử và các chính sách khác để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gây ra sự tăng giá hàng hóa và áp lực "lạm phát từ nước ngoài tràn vào" ở Trung Quốc.
Zhang nói thêm Trung Quốc nên tự bảo vệ khỏi rủi ro bằng cách tránh các tài sản tính bằng USD.
Hiện tại, Trung Quốc là nước nắm giữ lượng trái phiếu Mỹ lớn thứ hai thế giới và có nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 3.2 nghìn tỷ USD, trong đó chủ yếu là USD.
Khi tiến tới việc thắt chặt chính sách hơn, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ cần xem xét các rủi ro bên ngoài, chẳng hạn như tiềm năng “lạm phát từ nước ngoài tràn vào” và sự mất giá dài hạn của USD do những gói kích thích ở Mỹ gây ra, Shen Jianguang và Zhang Mingming, hai nhà kinh tế của JD Digits, viết trong bài bình luận của một hãng thông tấn Nhà nước vào tuần trước.
Cả hai cho rằng sự sụt giảm như vậy của USD sẽ ảnh hưởng đến an ninh dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, khiến nỗ lực tăng cường sử dụng Nhân dân tệ ở tầm quốc tế trở nên quan trọng hơn.
Với lo ngại về lạm phát trong ngắn hạn, các nhà phân tích đang theo dõi sự gia tăng giá của nhiều mặt hàng mà Trung Quốc đang tiêu thụ nhất thế giới. Tháng trước, giá đồng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Những đợt tăng giá này sẽ làm tăng chi phí sản xuất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích như Ma Yan, người phụ trách ngoại hối tại công ty môi giới Nanhua Futures có trụ sở ở Hàng Châu, hy vọng tác động từ “lạm phát từ nước ngoài tràn vào” cuối cùng sẽ không quá lớn.
Thay vào đó, Ma lo ngại hơn về việc Trung Quốc có thể kiểm soát bong bóng nhà đất và đang giám sát rủi ro tín dụng và thanh khoản của các công ty bất động sản như thế nào.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FILI
|