Trung Quốc loay hoay với bài toán nợ phình to
Chính phủ Trung Quốc khẳng định xóa nợ là một trong 5 nhiệm vụ chính của năm 2021. Nhưng giới chuyên gia cho rằng không dễ để vừa giảm nợ, vừa vực dậy nền kinh tế từ khủng hoảng.
Trung Quốc chuẩn bị quay lại chiến dịch xóa nợ vào năm nay. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, tốc độ vẫn sẽ khiêm tốn do nền kinh tế đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết xóa nợ là một trong "5 nhiệm vụ chính của chính phủ" trong năm 2021. Mục tiêu là giữ đòn bẩy tổng thể - tỷ lệ nợ trên GDP - "nhìn chung ổn định".
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Mỹ và Trung Quốc đã "tháo van" tài chính nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, đẩy nợ lên cao. Để đối phó với dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc một lần nữa nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến gánh nặng nợ của cả hai quốc gia đạt mức kỷ lục.
Gánh nặng nợ của Trung Quốc đạt mức kỷ lục sau cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
|
Nợ cao kỷ lục
Hồi tuần trước, ông Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc - đã cảnh báo về áp lực từ đòn bẩy tài chính cao trong hệ thống tài chính. Một số lượng đáng kể công ty Trung Quốc có khả năng phá sản sau đại dịch.
Khi các hoạt động bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ. Điều đó sẽ dẫn đến sự gia tăng nợ ngân hàng. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), kể từ khi đại dịch bùng nổ, gánh nặng nợ của Trung Quốc đã tăng khoảng 30%, trở thành quốc gia nợ nần nhiều thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Tổng nợ của các khu vực phi tài chính, bao gồm các tập đoàn, hộ gia đình và chính phủ Trung Quốc - đã tăng lên 41.600 tỷ USD trong quý III/2020. Gánh nặng nợ của Mỹ ở cùng thời kỳ là 60.900 tỷ USD.
Đáng nói, khu vực vay nợ cao nhất ở Trung Quốc là các doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính trên GDP của Trung Quốc đạt 163,1% trong quý III/2020, gần gấp đôi mức 83,5% của Mỹ.
Từ năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chiến dịch xóa nợ nhằm hạn chế vay nợ quá mức thông qua những ngân hàng hoạt động yếu kém.
Vào thời điểm đó, một số chỉ số kinh tế của Trung Quốc cho thấy "quả bom nợ" có thể gây ra rủi ro hệ thống và thậm chí là khủng hoảng tài chính. Chính quyền Bắc Kinh gấp rút thúc đẩy chiến dịch cắt giảm nợ của chính quyền địa phương, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Trung Quốc đã "tháo van" tài chính nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với cuộc khủng hoảng. Ảnh: Reuters.
|
Sau nhiều năm nỗ lực xóa nợ, tổng nợ của Trung Quốc vẫn chiếm tới 250% GDP vào năm 2018, không thay đổi đáng kể so với năm 2017.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã thu hẹp chiến dịch xóa nợ hồi giữa năm 2018. Chiến dịch bị chỉ trích rằng khiến nền kinh tế sa sút trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Do đó, tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng trở lại lên 258% trong năm 2019. Đến quý III/2020, tỷ lệ này đạt kỷ lục 285% sau khi Trung Quốc bơm tiền nhằm giúp nền kinh tế đối phó với đại dịch.
Những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vực dậy sau đại dịch. Tuy nên, khi bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc vốn đã có các điều kiện tín dụng không thuận lợi. Những lỗ hổng này càng thêm lở loét sau cú sốc đại dịch.
Giới phân tích nhận định gánh nặng nợ của Trung Quốc là mối quan tâm quốc tế. Bởi Trung Quốc chiếm đến 20% tổng nợ toàn cầu. Theo ông Erik Norland - chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty CME Group, từ năm 2017 đến năm 2019, các tập đoàn phi tài chính đang giảm nợ, trong khi nợ chính phủ và nợ hộ gia đình tăng nhanh hơn GDP.
"Nó giống như việc chuyển nợ từ khu vực này sang khu vực khác. Trên thực tế, rất khó để giảm tỷ lệ nợ (tổng thể)", ông nhận định.
Bài toán nan giải
Khi các cơ quan chức năng cam kết hạn chế rủi ro hệ thống và ổn định đòn bẩy, câu hỏi đặt ra là làm sao để vừa đạt mục tiêu, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Như vậy, Bắc Kinh cần đảm bảo nhu cầu trong nước tiếp tục tăng trưởng nhằm bù đắp thiệt hại kinh tế từ chiến dịch xóa nợ.
"Các cơ quan quản lý thừa nhận tầm quan trọng của việc giảm đòn bẩy, cũng như tính dễ tổn thương của nhiều nhà băng", Phó giám đốc Elaine Xu tại Fitch Ratings bình luận.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những thay đổi về quy định có thể làm suy yếu các nỗ lực cải cách trong vài năm qua. Ngân hàng vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ những chỉ thị kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, chính phủ Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng ở mức trên 6% cho năm 2021, thấp hơn dự kiến của các nhà phân tích (hơn 8%).
Giống với dự kiến, chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm kích thích tài khóa và hạ mục tiêu thâm hụt ngân sáng trung ương từ 3,6% GDP năm 2020 xuống 3,2% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn mức trung bình 3% trong những năm trước đại dịch.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang tìm cách rút các gói kích thích kinh tế một cách từ tốn.
Vấn đề của Trung Quốc là quá chú trọng quy mô của khu vực tài chính thay vì tập trung nhiều hơn vào cấu trúc và chất lượng của ngành.
- Ông Liu Qiao tại Đại học Bắc Kinh
|
Đặc biệt, theo chính phủ Trung Quốc, chính sách tiền tệ thận trọng cần linh hoạt, có mục tiêu, phù hợp, đảm bảo thanh khoản đầy đủ, hợp lý và giữ ổn định đòn bẩy vĩ mô.
“Sự phục hồi kinh tế trong năm nay có thể cải thiện doanh thu của doanh nghiệp và giảm bớt áp lực nợ. Nhưng vẫn khó nói liệu tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc có giảm hay không, đặc biệt là với những bất ổn từ cuộc chiến công nghệ và sự bùng phát trở lại của đại dịch", ông Iris Pang tại ING Bank, nhận xét.
Rủi ro trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đang gia tăng, nhất là khi các khoản nợ xấu tăng mạnh, khiến nhiều nhà băng không thể đáp ứng yêu cầu vốn dự trữ.
Theo ông Liu Qiao - Hiệu trưởng Trường Quản lý Quảng Hoa của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đã quá chú trọng quy mô của khu vực tài chính thay vì tập trung nhiều hơn vào cấu trúc và chất lượng của ngành.
"Nền kinh tế thực không hưởng lợi từ điều này", ông Liu nhận xét. "Từ khía cạnh hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế thực và hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua tài chính, hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước", ông nhấn mạnh.
Thảo Cao
ZING
|