Campuchia tái cơ cấu cho gần 1.4 tỷ USD khoản vay
Kể từ khi Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) ban hành Chỉ thị về tái cơ cấu khoản vay hồi tháng 3/2020, các thành viên của Hiệp hội Tổ chức tài chính vi mô Campuchia (CMA) đã thực hiện tái cơ cấu 1.397 tỷ USD cho 289,422 khách hàng vay, theo Phnom Penh Post.
Theo dữ liệu của CMA, trong giai đoạn 3/2020-2/2021, số lượng đơn xin tái cơ cấu tín dụng trong suốt giai đoạn kể trên là 307,875. Như vậy, tỷ lệ hồ sơ xin tái cơ cấu đã được duyệt đạt hơn 94%. CMA cũng chỉ ra số lượng đơn xin tái cơ cấu đã giảm đáng kể và đáng khích lệ, là dấu hiệu đặc biệt khả quan cho lĩnh vực tài chính.
Nhằm ứng phó với tác động của Covid-19, ngày 27/03/2020 NBC đã ban hành Chỉ thị về tái cơ cấu các khoản vay nhằm duy trì sự bình ổn tài chính, hỗ trợ hoạt động kinh tế và xoa dịu gánh nặng cho những khách hàng vay đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu do đại dịch Covid-19 gây ra. Chỉ thị được áp dụng đến giữa năm 2021.
Chỉ thị yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính xây dựng chính sách và thủ tục tái cơ cấu các khoản vay trong giai đoạn diễn ra đại dịch và trình lên Ban giám đốc để phê duyệt. Các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng cần quan tâm đến khách hàng vay, đặc biệt là những khách hàng hoạt động trong 4 lĩnh vực du lịch, dệt may, xây dựng và vận tải-hậu cần.
Chia sẻ trên trang Phnom Penh Post hôm 03/03, Kaing Tongngy, Trưởng Bộ phận truyền thông của CMA, cho rằng xu hướng giảm số lượng đơn xin tái cơ cấu khoản vay là dấu hiệu cho thấy tác động của Covid-19 đến lĩnh vực tài chính đã giảm bớt.
Ông Tongngy nói: “Với đợt bùng phát dịch trong cộng đồng gần đây, CMA kỳ vọng số lượng đơn xin tái cơ cấu sẽ gia tăng trong vài tháng tới do đa số khách hàng đều thực hiện thanh toán hàng tháng. Trong khi vẫn đang chờ xem tác động thật sự ra sao, chúng kỳ vọng sẽ không có cú sốc nào lớn như đã chứng kiến hồi đầu năm 2020 do đa số hoạt động kinh doanh, thương mại vẫn duy trì dù tốc độ chậm hơn”.
“Người dân có lẽ đã quen với những đợt bùng phát dịch và hiện họ đơn thuần chỉ là cẩn thận hơn trong cuộc sống hàng ngày”, ông nói.
Theo ông Tongngy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm tỷ lệ lớn hơn trong các khoản vay được tái cơ cấu. Vị chuyên này này nói thêm: “Những khách hàng bị tác động do Covid-19 vẫn đề nghị tái cơ cấu khoản vay đến tháng 6/2021. Với đợi bùng phát trong cộng đồng gần đây, chúng tôi dự đoán số đơn đề nghị sẽ tăng nhưng không nhiều như hồi đầu năm 2020”.
Say Sony, Phó Chủ tịch điều hành của Tổ chức tài chính vi mô Prasac, lưu ý đến xu hướng giảm trong hoạt động tái cơ cấu khoản dù rằng dịch vừa xuất hiện trong cộng đồng vào ngày 20/02.
Ông nói: “Năm nay chúng ta bắt đầu với đợt bùng phát dịch trong cộng đồng hôm 20/02 và chúng ta vẫn chưa biết mức độ tác động ra sao nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ về đợt bùng phát này. Có nhiều khách hàng của chúng tôi xin tái cơ cấu lần đầu chứ không phải có nhiều khách hàng xin tái cơ cấu lần hai. Nhưng có lẽ sau đợt bùng phát thứ ba này, số lượng khách hàng nộp đơn xin tái cơ cấu có thể tăng lên một chút ”.
Hôm 20/02 Thủ tướng Hun Sen công bố đợt bùng phát dịch thứ 3 trong cộng đồng sau khi Campuchia ghi nhận 32 ca dương tính Covid-19 chỉ trong vòng 10 giờ đồng hồ. Theo Bộ Y tế Vương quốc, tính đến ngày 10/03, cả nước ghi nhận tổng cộng 1,124 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 574 ca đang điều trị.
Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)
FILI
|