Thứ Năm, 25/03/2021 20:22

Ai là chủ cây xăng bị phong tỏa ở TP.HCM?

Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình quản lý cây xăng mới bị phong tỏa trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp (TP.HCM). Doanh nghiệp này bắt đầu hoạt động từ năm 2013.

* TP.HCM: Phong tỏa một cây xăng trên đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp

* Bình Phước: Phong tỏa cây xăng Phúc Lộc Thọ trên QL 14 liên quan đường dây xăng giả

* Đường dây làm giả 200 triệu lít xăng: Tại sao phong tỏa cây xăng ở Gò Vấp?

Ngày 25/3, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an phong tỏa, kiểm tra cửa hàng xăng dầu số 1, số 679 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM. Động thái này liên quan đến hoạt động điều tra đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả đang được Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an mở rộng điều tra.

Cây xăng trên đường Nguyễn Kiệm thuộc sở hữu của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình. Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bà Phạm Thị Hương giữ chức danh giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Dầu khí Thanh Bình đã hoạt động hơn 8 năm (thành lập vào tháng 6/2013) trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan, cụ thể là bán buôn dầu thô, xăng dầu và các sản phẩm liên quan (trừ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LPG và dầu nhớt cặn).

Ai là chủ cây xăng bị phong tỏa ở TP.HCM? ảnh 1
Cây xăng tại số 679 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình. Ảnh: Chí Hùng.

Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký thêm làm đại lý, môi giới, đấu giá; bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; bốc xếp hàng hóa; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải; bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên doanh và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên.

Giai đoạn 2016-2019, nguồn thu của Dầu khí Thanh Bình tăng trưởng ổn định. Năm 2016, doanh thu thuần ở mức 23 tỷ đồng, lãi gộp 1,7 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp khoảng 7,3% (khá thấp so với các doanh nghiệp cùng kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu). Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 282 triệu đồng.

Đến năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của chủ cửa hàng xăng dầu số 1, số 679 Nguyễn Kiệm cải thiện dần lên 48 tỷ đồng rồi 56 tỷ, lợi nhuận gộp của hai năm này cùng ở mức 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng năm 2017 chỉ nhích nhẹ lên 297 triệu đồng rồi lại rớt xuống 53 triệu đồng ngay trong năm 2018.

Chưa dừng lại ở đó, Dầu khí Thanh Bình phải báo lỗ 455 triệu đồng vào năm 2019, dù doanh thu tăng 10%, lên hơn 61 tỷ. Thời điểm này chưa có dịch Covid-19.

Tại thời điểm 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này đạt 31 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 20 tỷ, chiếm 65%.

Dầu khí Thanh Bình là công ty con của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2002, địa chỉ tại 383-385 Nguyễn Công Trứ, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM. Ông Nguyễn Công Thuận (sinh năm 1964) là tổng giám đốc kiêm người đại diện công ty.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm, cụ thể là mua bán thực phẩm, sữa, bánh kẹo. Kinh doanh xăng dầu, chất đốt, nhiên liệu, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng chỉ là đăng ký thêm, cùng với 24 ngành nghề khác.

Công ty mẹ của Dầu khí Thanh Bình đang có một kho hàng bán buôn xăng dầu và các sản phẩm liên quan đem về doanh thu 7.354 tỷ đồng năm 2019 tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có nhà máy chế biến hải sản khô ở huyện Cần Giờ, hàng chục cây xăng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Tương tự Dầu khí Thanh Bình, trong những năm qua, doanh thu của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ tăng đáng kể. Nếu như năm 2016, doanh nghiệp này thu về 2.688 tỷ đồng thì con số của năm 2018 đã là 6.357 tỷ đồng, gấp gần 2,4 lần.

Mức tăng lợi nhuận sau thuế thậm chí còn ấn tượng hơn. Từ lãi 17 tỷ đồng trong năm 2016, Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ báo tăng lên lần lượt hơn 20 tỷ đồng trong năm 2017 rồi chạm 62 tỷ vào năm 2018.

Tổng tài sản của công ty mẹ Dầu khí Thanh Bình tại thời điểm 31/12/2018 là 262 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 119 tỷ đồng, nợ phải trả là 143 tỷ đồng. Vào tháng 1/2019, công ty nâng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ còn được biết đến là công ty liên kết với Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA). Hồi năm 2018, hai cây xăng của Cần Giờ tại TP.HCM bị Petrolimex cáo buộc xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex được pháp luật bảo hộ, sau đó, doanh nghiệp này đã phải thực hiện tháo dỡ.

Văn Hưng

ZING

Các tin tức khác

>   Đề nghị truy tố nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý dược tiếp tay cho thuốc giả (25/03/2021)

>   Bình Phước: Phong tỏa cây xăng Phúc Lộc Thọ trên QL 14 liên quan đường dây xăng giả (25/03/2021)

>   Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành gỗ giảm 36% (25/03/2021)

>   TPHCM muốn hiện thực hóa khát vọng thành trung tâm tài chính quốc tế (25/03/2021)

>   Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chính thức có lãnh đạo (25/03/2021)

>   Đường dây làm giả 200 triệu lít xăng: Tại sao phong tỏa cây xăng ở Gò Vấp? (25/03/2021)

>   TP.HCM: Phong tỏa một cây xăng trên đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp (25/03/2021)

>   Nguy cơ điện gió, chưa ra hàng đã đối mặt cảnh báo đáng sợ (25/03/2021)

>   Doanh nhân Tp.HCM hiến kế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (25/03/2021)

>   Tìm hướng giải tỏa áp lực lưới điện truyền tải (24/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật