3 tuyến đường sắt cao tốc: Bao giờ?
Đường sắt cao tốc được xem là cuộc cách mạng với hạ tầng đường sắt, nhưng sau hơn 10 năm vẫn ở dạng chủ trương và gây nhiều tranh cãi về tốc độ, phương án vốn.
Hiện có 3 tuyến đường sắt đang được nghiên cứu và đề xuất gồm đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam, đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ và ĐSTĐC Hà Nội - Lạng Sơn.
Mục tiêu "lạc quan hóa"
Báo cáo cuối kỳ của liên danh tư vấn CCTDI-TRICC - TEDI về Quy hoạch mạng lưới đường sắt 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đưa ra mục tiêu với phương án cao là đến năm 2030 sẽ phân kỳ đầu tư trước 2 tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang (tổng chiều dài 651 km) với tổng vốn tới 561.000 tỉ đồng (gần 20 tỷ USD); phương án thấp là khai thác 2 đoạn tuyến trên vào năm 2032, quy mô vốn ước tính 375.000 tỉ đồng (hơn 16 tỷ USD).
Tư vấn cũng dự báo, trường hợp tuyến khai thác năm 2032 thì mật độ vận chuyển cao nhất là 14 triệu khách/năm, còn tính bình quân khoảng 7,7 triệu khách/năm. Tới năm 2050, dự báo bình quân tới 44,7 triệu khách/năm với ĐSTĐC Bắc - Nam.
Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, mục tiêu này “lạc quan hóa” và thiếu khả thi, khi chỉ còn 10 năm nữa để tiến hành tất cả các khâu từ xin chủ trương dự án, phê duyệt dự án đến tìm nguồn vốn và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cuộc tranh cãi chưa hồi kết giữa lựa chọn phương án tốc độ 200 km/giờ (Bộ KH-ĐT và một số chuyên gia đề xuất) hay 350 km/giờ (Bộ GTVT và tư vấn đề xuất), có thể kéo dài thêm thời gian dự án được Quốc hội chấp thuận.
Giá vé cao hơn máy bay
TS Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, cho rằng nếu thực hiện dự án ĐSTĐC Bắc - Nam vận tốc 350 km/giờ, không chỉ nguồn vốn quá lớn mà khó hiệu quả do giá vé sẽ cao hơn vé máy bay. Theo ông Đông, phương án đầu tư tàu khách 150 km/giờ và tàu hàng 100 km/giờ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và giảm việc bù lỗ, trợ giá từ ngân sách.
Hiện Hội đồng thẩm định nhà nước cũng đang lựa chọn Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án ĐSTĐC Bắc - Nam. Ngoài phương án 350 km/giờ, Bộ GTVT được Bộ KH-ĐT (cơ quan chủ trì Hội đồng thẩm định nhà nước) đề nghị nghiên cứu thêm phương án chạy tàu từ 160 km/giờ đến 200 km/giờ.
Bên cạnh tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam đang vướng nhiều tranh cãi, mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề xuất quy hoạch và xây dựng ĐSTĐC Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) sau năm 2030. Theo tỉnh Lạng Sơn, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng cần được quy hoạch là ĐSTĐC để phát huy lợi thế của phương thức vận tải đường sắt giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, đồng thời kết nối với tuyến ĐSTĐC đã được phía Trung Quốc xây dựng đến Nam Ninh (Quảng Tây).
Với tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, đầu năm 2021, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (thời hạn từ năm 2021 - 2022). Trước đó, sau nhiều năm nghiên cứu, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đề xuất dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là ĐSTĐC, khổ đường đôi 1,435 m, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa. Tốc độ tối đa với tàu khách là 200 km/giờ và tàu hàng là 100 km/giờ, quy mô vốn khoảng 10 tỷ USD.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cần thiết, song còn nhiều vấn đề cần xem xét kỹ, như cự ly 150 km không phải cự ly lý tưởng của đường sắt. Bên cạnh đó, tốc độ như đề xuất với cả tàu hàng và tàu khách không thể cạnh tranh được với đường thủy và đường bộ hiện nay.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, cho rằng nếu bay từ Hà Nội vào TP.HCM mất 5 tiếng từ trung tâm nọ đến trung tâm kia, phải thay đổi phương thức vận tải nhiều lần. Nhưng nếu có đường sắt cao tốc với tốc độ 300 km/giờ, chỉ mất 6 tiếng để từ Hà Nội vào TP.HCM (1.540 km), kể cả dừng đỗ ở ga. “Với điều kiện tự nhiên, điều kiện địa chính trị của VN thì phát triển đường sắt cao tốc trong tương lai là hết sức cần thiết, nhưng phải là tương lai gần, vì chậm ngày nào thì chúng ta thiệt ngày đó, nhanh ngày nào thì chúng ta sẽ phát triển kinh tế - xã hội ngày đó”, ông Minh nói.
Mai Hà
Thanh niên
|