Thứ Sáu, 05/02/2021 13:14

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ gỗ nội thất lớn nhất cho Hoa Kỳ

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2020, đạt 6,26 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhà ở Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ gỗ nội thất, trong đó có Việt Nam.

Thị trường nhà ở Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ gỗ nội thất, trong đó có Việt Nam

Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu đồ gỗ nội thất nhà bếp và phòng ngủ từ Việt Nam

Cục Xuất Nhập khẩu dẫn số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ trong tháng 11/2020 đạt 2,04 tỷ USD, tăng 34,4% so với tháng 11/2019. Trong 11 tháng năm 2020, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 16,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2020, đạt 6,26 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 37,2% tổng trị giá nhập khẩu, tăng 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.

Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ, tuy nhiên do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nên trị giá nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc đạt 3,84 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 11,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.

Ghế khung gỗ và đồ nội thất dùng trong phòng khách và phòng ăn là mặt hàng chính Hoa Kỳ nhập khẩu trong 11 tháng năm 2020. Trị giá nhập khẩu 2 mặt hàng này chiếm 66,2% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu cả hai mặt hàng này đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu, Hoa Kỳ chỉ tăng nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất nhà bếp trong 11 tháng năm 2020. Trong đó, nhập khẩu đồ nội thất phòng ngủ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ gỗ nội thất phòng ngủ lớn nhất cho Hoa Kỳ với trị giá chiếm 49,7% tổng trị giá nhập khẩu. Tiếp theo là thị trường Malaysia, Trung Quốc, Indonesia. Nhập khẩu đồ nội thất nhà bếp của Hoa Kỳ đạt 1,64 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu đồ gỗ nội thất nhà bếp từ Việt Nam và Malaysia, đạt 410,8 triệu USD và 350 triệu USD, tăng tương ứng 450,8% và 696,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu từ Canada và Trung Quốc đạt 276,3 triệu USD và 108,5 triệu USD, giảm tương ứng 11,5% và 87,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Cơ hội thị trường trong năm 2021

Theo dự báo từ Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA) Hoa Kỳ, năm 2021 thị trường nhà ở gia đình tại Hoa Kỳ đạt khoảng 1,134 triệu ngôi nhà, trong năm 2022 đạt 1,165 triệu ngôi nhà; năm 2023 đạt 1,210 triệu ngôi nhà. Thị trường nhà ở Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có Việt Nam.

Là doanh nghiệp có lượng xuất khẩu gỗ chiếm 35% sang thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT công ty CP Lâm Việt - nhận định, dịch Covid-19 làm ngành gỗ tăng trưởng, nhất là các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm. Bởi dịch Covid-19 khiến người dân Hoa Kỳ ở trong nhà nhiều hơn, và họ có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới thay thế đồ gỗ nội thất trong nhà. Đặc biệt, với thói quen tiêu dùng đồng bộ, đây là lý do vì sao tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng lên.

Cũng theo ông Nguyễn Liêm, trong thời gian qua, thương hiệu gỗ của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đã được cải thiện rõ rệt và có chỗ đứng nhất định tại thị trường này. Người dân Hoa Kỳ sẵn sàng mua sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam, thậm chí giá cả có đắt hơn so với sản phẩm tương tự của thị trường Trung Quốc.

Mặc dù ngành gỗ Việt đang có rất nhiều thuận lợi để vào thị trường Hoa Kỳ, cơ hội là rất lớn, tuy nhiên, ông Nguyễn Liêm cho rằng, nguy cơ cũng khá cao nếu chúng ta không làm đàng hoàng. Bởi đây là thị trường lớn và rất nghiêm khắc trong chuyện lẩn tránh thuế, gian lận thương mại. “Mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư vào Hoa Kỳ và sản phẩm đã xuất khẩu vào thị trường này rất nhiều lần, tuy nhiên, chỉ 1 lần kiểm tra mà có gì đó không rõ ràng thì họ sẽ cấm cửa anh rất lâu”, ông Nguyễn Liêm nêu ví dụ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,55 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2019. Trong đó, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam, với tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này chiếm 57,9% tổng trị giá xuất khẩu, tăng 7,6 điểm phần trăm so với năm 2019.

Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, thành công của ngành gỗ trong năm 2020 là nhờ sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết để mở rộng giao thương quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ có xuất xứ Việt Nam đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh và giúp ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường nhập khẩu.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh trong năm 2020, ông Đỗ Xuân Lập- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- nhận định, sản phẩm chiến lược cho sự bứt phá của ngành gỗ trong thời gian tới tại thị trường Hoa Kỳ sẽ là tủ bếp, tủ nhà tắm (chưa kể ván trang trí). Tuy nhiên, sự vận động của các doanh nghiệp vẫn thiếu sự ăn nhịp. Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần nhận thức lại về vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm, tạo ra khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng. “Thay vì trước đây các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào làm nhiều mặt hàng thì nay nên tập trung vào một số sản phẩm. Các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng 70% các thiết bị đang có để sản xuất tìm giải pháp xử lý bề mặt và xử lý khâu hoàn thiện khâu sơn sản phẩm”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Nguyễn Hạnh

Báo Công Thương

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu dệt may, da giày tăng tốc tháng đầu năm (05/02/2021)

>   Khởi tố thêm cán bộ Bệnh viện Bạch Mai (05/02/2021)

>   Đợt dịch mới giáng thêm đòn mạnh vào du lịch khách sạn (05/02/2021)

>   Bộ Công an khởi tố vụ án tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (04/02/2021)

>   Khởi tố phó phòng tài chính kế toán BV Bạch Mai tiếp tay lừa đảo người bệnh (04/02/2021)

>   Sản xuất công nghiệp TPHCM tăng 34,5% (04/02/2021)

>   Hải Dương 'cầu cứu' vì tồn 128.000 tấn rau quả, thực phẩm do dịch Covid-19 (04/02/2021)

>   Công ty của UBND TP HCM bị 'rút ruột' hơn 44 tỷ đồng (04/02/2021)

>   Đầu tư tư nhân tại Việt Nam gia tăng bất chấp Covid (04/02/2021)

>   Khởi tố vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (04/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật