Thứ Bảy, 20/02/2021 18:00

Tổng cục Thuế giữ nguyên quyết định phạt Coca-Cola Việt Nam 821 tỉ đồng tiền thuế

Cơ quan thuế đã xác minh và không chấp thuận nội dung khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam và giữ nguyên quyết định xử phạt với doanh nghiệp này.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này đã ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam). Theo đó, cơ quan thuế không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với doanh nghiệp (DN) này.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối Coca-Cola, tổng tiền phạt hơn 821 tỉ đồng.

Sau quyết định này, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỉ đồng dù bày tỏ quan điểm không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế. Cùng với đó, Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế về một số nội dung liên quan đến kết luận của cơ quan thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, cơ quan này đã gửi kết luận giải quyết khiếu nại đến Coca-Cola Việt Nam. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định này Coca-Cola Việt Nam có quyền khiếu nại đến Bộ Tài chính hoặc khởi kiện ra tòa.

Tổng cục Thuế bác khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam về 821 tỉ đồng tiền thuế - Ảnh 1.
Tổng cục Thuế bác khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam về 821 tỉ đồng tiền thuế

Nội dung khiếu nại lần 1 của Coca-Cola tập trung vào một số vấn đề như cơ quan thuế không chấp nhận cho công ty này được đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai, trong đó có sản phẩm, vật phẩm khuyến mại; tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng; tài sản cố định như vỏ chai, két nhựa, tiền đặt cọc vỏ chai; một số chi phí mà công ty chưa cung cấp được tài liệu chứng từ...

Tổng cục Thuế đã xác minh các nội dung liên quan và có kết luận rõ ràng. Theo kết quả xác minh, từ năm 2007 - 2015, Coca-Cola Việt Nam đã dùng các sản phẩm do công ty sản xuất và vật phẩm mua ngoài để thực hiện các chương trình khuyến mãi.

Công ty có xuất hóa đơn thể hiện giá trị, số lượng các hàng hóa do Coca-Cola Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, công ty này không xuất hóa đơn cho khách hàng đối với các chương trình khuyến mãi bằng các vật phẩm mua ngoài, chỉ có phiếu xuất kho. Trong khi những vật phẩm và những sản phẩm do công ty mua ngoài được đặt tại các điểm bán hàng của nhà phân phối (dù, ghế...) và dùng để khuyến mãi được Coca-Cola Việt Nam hạch toán vào chi phí lên đến 744 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, công ty này thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi trong suốt những năm 2007 - 2015 và đây chính là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, Coca-Cola Việt Nam lại có rất ít thông báo khuyến mãi gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành nơi thực hiện khuyến mãi. Chính vì vậy, không đủ căn cứ để đối chiếu, rà soát, xác định chi phí khuyến mãi hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập DN. Do đó, cơ quan thuế đã loại các chi phí khuyến mãi mà Coca-Cola Việt Nam không thông báo với Sở Công Thương hoặc thông báo không hợp lệ.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đã kết luận một số nội dung liên quan đến việc Coca-Cola Việt Nam mua nhiều tủ lạnh để đặt tại các điểm bán hàng.

Việc truy thu thuế đối với Coca-Cola Việt Nam được dư luận quan tâm từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi Tổng cục Thuế có quyết định chính thức. Dù hoạt động tại Việt Nam từ lâu, nhưng Coca-Cola thường xuyên báo lỗ trong một giai đoạn dài. Việc DN này liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.

Liên quan đến việc DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường xuyên báo lỗ, báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các DN FDI cũng cho thấy, hàng loạt DN báo lỗ nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Theo báo cáo, có tới 55% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước đã báo lỗ trong năm 2019. Đáng chú ý, doanh thu của những DN này được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Những nhóm ngành 2 năm liền có số DN FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.

Công bố của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết năm 2019, có 14.822 DN lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, với tổng giá trị lỗ lũy kế là 520.742 tỉ đồng, bằng 41% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Ngoài ra, số DN FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 DN, tăng 24,2% so với năm 2018 và doanh thu của 2.160 DN trong đó vẫn tăng trưởng.

Theo Bộ Tài chính, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn còn diễn ra ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN báo lỗ, thậm chí là lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - băn khoăn về số lượng DN FDI báo lỗ ngày càng tăng. Ông Doanh cho rằng DN lỗ một vài năm đã khó duy trì hoạt động, trong khi có quá nhiều DN FDI báo lỗ liên tục mà vẫn mở rộng kinh doanh.

"Tình trạng chuyển giá diễn ra rất phức tạp, tinh vi. Cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát, chống chuyển giá và làm rõ một vài DN lớn thường xuyên báo lỗ, từ đó xác định lỗ thật hay lỗ giả. Chúng ta cần có đội ngũ giám sát chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, hợp tác với các tổ chức kiểm toán độc lập để chứng minh được việc chuyển giá và có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nên xem xét lại các ưu đãi cho DN FDI phù hợp hơn, tránh tình trạng các DN lợi dụng chính sách để thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế" - TS Lê Đăng Doanh đề xuất.

Trước đó, phản hồi về thông tin thanh tra thuế, Coca-Cola Việt Nam cho biết, từ tháng 3-2017 đến tháng 12-2019, Tổng Cục Thuế đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại DN này, thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, từ năm 2007 - 2015. Coca-Cola Việt Nam đã tích cực hợp tác với Tổng Cục Thuế, cung cấp những thông tin được yêu cầu và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán.

Trong quá trình thanh tra, DN nhận ra đã mắc phải những sai sót nhỏ, và công ty đã thông báo với Tổng Cục Thuế sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu. Coca-Cola Việt Nam luôn cam kết bảo đảm tuân thủ đầy đủ mọi yêu cầu và nghĩa vụ thuế tại địa phương.

Coca-Cola Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng Cục Thuế, đồng thời giữ nguyên quan điểm của mình rằng hoạt động công ty luôn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình và tài liệu đã được nộp lên Tổng Cục Thuế theo định kỳ cũng như trong đợt thanh tra.

DN sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan chính phủ có liên quan cho vấn đề này, để phù hợp với cam kết phát triển bền vững của công ty trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần minh bạch và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Minh Chiến

Người lao động

Các tin tức khác

>   Nhẫn trơn, vàng trang sức tăng giá, khách vẫn rủ nhau mua trước ngày Thần Tài (20/02/2021)

>   Thủ tướng: ‘Không nên chỉ chú trọng đại bàng mà cần có hình dung rõ ràng về chiếc tổ’ (20/02/2021)

>   Coi chừng bị mất nhãn hiệu ở nước ngoài (20/02/2021)

>   Đường sắt chờ cuộc 'đại phẫu' (20/02/2021)

>   ''Điểm mặt'' sở ngành ''ngâm'' hồ sơ của doanh nghiệp (20/02/2021)

>   Thành viên đường dây xăng giả là 'đàn em' của Trịnh Sướng (20/02/2021)

>   Du lịch còn gì sau 1 năm Covid-19? (20/02/2021)

>   Điện mặt trời có đủ sức 'gánh' cả hệ thống? (19/02/2021)

>   Đường dây làm giả 200 triệu lít xăng bị triệt phá ra sao? (19/02/2021)

>   Miền Tây lo hạn, mặn: Chủ động tìm cách thích nghi (19/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật