Thứ Bảy, 20/02/2021 10:06

Thủ tướng ra chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và kiên định thực hiện "mục tiêu kép"

Chỉ thị nêu rõ, trước những khó khăn, thách thức lớn của năm 2020, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều mặt của đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung, nhưng với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất cao và biểu dương tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, cơ quan, địa phương, các lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội, các tình nguyện viên và các địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai kịp thời Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 trong phòng, chống dịch COVID-19.

Để phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt nghiêm túc, tập trung triển khai ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết các nhiệm vụ, công việc.

Dập triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khoanh vùng nhanh nhất các ổ dịch, truy vết thần tốc, xác định các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên diện rộng; quản lý chặt chẽ các khu cách ly, phong tỏa, không để lây nhiễm chéo; kịp thời tổ chức giãn cách xã hội khi phát hiệm ca nhiễm mới với phạm vi phù hợp; tăng cường khai báo y tế tại các cơ sở lưu trú; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; dập triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu cách tiếp cận mới phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 của nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin COVID-19 trong nước; sớm ban hành quy trình nhập khẩu và tiêm chủng vắc-xin COVID-19.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trong đó, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, xử lý hài hòa, có hiệu quả các cân đối lớn trong phát triển đất nước để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó chú trọng việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; phát triển nhanh nền kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; phát huy cả nội lực và ngoại lực; vừa xác định mục tiêu ngắn hạn, vừa tính đến mục tiêu dài hạn, bền vững; bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia và các cân đối vĩ mô khác.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu, tạo đà cho khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến mới của dịch COVID-19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng mới, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.

Tháo gỡ khó khăn sản xuất

Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hiện hành hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; kịp thời đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành chính sách hỗ trợ mới và kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả, khả thi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tập trung triển khai ngay việc tháo gỡ khó khăn của các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp vướng mắc, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng tại các Nghị quyết của Chính phủ; triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng, tiến độ giải ngân thực hiện các dự án ngay từ đầu năm.

Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý 5 cân đối lớn trong phát triển (18/02/2021)

>   VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế (15/02/2021)

>   Những động lực cho giai đoạn phát triển mới của TPHCM (15/02/2021)

>   Nhận diện lực cản với tăng trưởng kinh tế 2021 (14/02/2021)

>   Lời chúc Tết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (12/02/2021)

>   Động lực kinh tế năm 2021 (11/02/2021)

>   Giảm ‘rừng thủ tục’ gây phiền hà cho doanh nghiệp (10/02/2021)

>   Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8-9% GDP (09/02/2021)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2021: Cơ hội trước thách thức lớn COVID-19 (09/02/2021)

>   Chấp nhận lạm phát để cứu vãn thị trường lao động? (03/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật