Loại bỏ những điểm mù trong tài chính để khỏi hối hận trong tương lai
“Có những quyết định liên quan đến tiền bạc, tôi hay bạn đều tự bản thân cảm thấy rất hợp lý nhưng lại có thể điên rồ trong mắt người khác”, Morgan Housel, tác giả của quyển sách “The Psychology of Money”, chia sẻ.
Hầu hết chúng ta đều không có đủ thông tin khi đưa ra các quyết định tài chính.
Bạn có thể duy trì được việc gầy dựng gia tài theo thời gian khi hiểu rằng những gì bản thân bạn muốn có thể sẽ khác đi, và khi bạn có thể khước từ sự thúc giục sống cho bằng người khác.
Khi đề cập đến việc quản lý tiền bạc, hầu hết mọi người vẫn hồ nghi không biết bản thân mình liệu có đang làm đúng cách hay không.
Có lẽ bạn sẽ nhẹ lòng hơn khi biết rằng chẳng ai đúng ai sai khi nói về tiền bạc, theo Morgan Housel, tác giả của quyển sách “The Psychology of Money”.
Điều này đúng đối với những người bạn biết đã tiết kiệm từng đồng xu một cho tới những người tiêu xài như quên cả ngày mai.
“Con người làm đủ mọi thứ điên rồ với tiền bạc của họ”, ông Housel chia sẻ. “Có những quyết định liên quan đến tiền bạc, tôi hay bạn tự bản thân cảm thấy rất hợp lý nhưng lại có thể là điên rồ trong mắt người khác”.
Thậm chí, hai người thông minh như nhau ắt hẳn cũng sẽ không nhất trí về cách quản lý tài sản của nhau hoặc đâu mới là kế hoạch tài chính tốt nhất.
Lý do nằm ở hoàn cảnh, thời điểm mỗi người sinh ra và trưởng thành, cùng với những trải nghiệm đã định hình nên mỗi người.
Morgan Housel, tác giả của quyển sách “The Psychology of Money”
|
Chẳng hạn, nếu như lớn lên tại Đức trong thập niên 1930, bạn sẽ có một cái nhìn khác về lạm phát, suy thoái kinh tế so với những người sinh sống tại Mỹ trong thập niên 1960. Nhưng bất kể bối cảnh có khác biệt ra sao, chúng ta đều có “điểm mù” của riêng mình.
Ông Housel viết rằng: “Trải nghiệm của bạn với tiền bạc có thể chỉ là 0.00000001% những gì xảy ra trên thế giới, nhưng có lẽ nó lại chi phối 80% cách suy nghĩ của bạn về sự vận hành của thế giới”.
Quyển sách của tác giả, được xuất bản vào tháng 9, đề cập chi tiết đến 20 đề mục chúng ta có thể ứng dụng vào cuộc sống để có được tình trạng tài chính tốt hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.com, Housel có trao đổi về một vài quan niệm mà chúng ta có thể học theo.
Bạn sẽ thay đổi, cũng như những mục tiêu của bạn
Ở các độ tuổi 20, 30 và 60, bạn sẽ có những mong muốn khác nhau. Sự thật này có thể làm khó cho việc lên kế hoạch tài chính dài hạn.
Một sự kiện quan trọng như có con có thể khiến bạn thay đổi mục đích sử dụng tiền. Khi bạn thay đổi, mục tiêu của bạn cũng đổi theo.
“Thực chất thì hầu hết các trường hợp không phải bạn bị ‘vỡ’ kế hoạch tài chính”, Housel chia sẻ. “Chỉ là bạn bây giờ đã khác đi so với 10 năm trước”.
Để đảm bảo bạn có thể thay đổi những thói quen tài chính khi hoàn cảnh của bạn thay đổi, điều quan trọng là hãy tái đánh giá việc tiết kiệm và chi tiêu của mình.
Để tránh những hối hận về sau, tốt nhất là nên tránh những cực đoan, như tiết kiệm không hợp lý, chúng có thể khiến bạn sau này phải dùng tới những biện pháp “khó nhằn” để bù đắp lại.
Tiêu tiền chính là cách nhanh nhất để có ít hơn
Trong khoảng thời gian 20 năm hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2, sự phân bố giàu nghèo ít kịch liệt hơn so với thời điểm hiện tại.
Khi đó, những người giàu và những người nghèo có lối sống giống nhau. Những ai giàu hơn vẫn lái những chiếc xe hơi đắt hơn. Nhưng TV thì giống nhau, mọi người xem và nghe những chương trình vô tuyến, radio giống nhau.
Theo ông Housel, “điều đó khiến tất cả nghĩ lối sống của mọi người gần như là giống nhau”.
Khoảng thập niên 1980, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi sự chênh lệch tài sản bắt đầu gia tăng. Nhưng kỳ vọng mọi người nên có được cuộc sống giống nhau phần lớn vẫn giữ nguyên.
Điều đó thúc đẩy mọi người vay nợ nhiều hơn để sở hữu những thứ mà họ nghĩ họ nên có như nhà to, xe xịn và cho con cái theo học các trường tư nhân.
Kỳ vọng về phong cách sống của con người bắt đầu leo thang, một phần được thúc đẩy bởi những phương tiện truyền thông đại chúng như Instagram.
“Các kỳ vọng được thổi phồng nhiều hơn so với trước đây khi các phương tiện truyền thông xã hội ra đời”, Housel nói. “Chu kỳ này đã kéo dài được 60 năm và càng ngày càng quá đà”.
Điều đó khiến mọi người cảm thấy họ bị tụt hậu. Nhưng khi cố tiêu dùng để bắt kịp thời đại, bạn không thể nào gầy dựng được những tài sản thực thụ.
Tiết kiệm sẽ mang lại tự do cho bạn
Hầu hết mọi người đều có lý do rõ ràng khi tiết kiệm. Nhưng theo ông Housel, mọi người thực sự nên để dành một khoản dự phòng những sự kiện không ngờ.
Sở hữu một khoản tiết kiệm vượt mức bình thường có thể giúp bạn cảm thấy linh hoạt và tự do hơn khi bạn thực sự cần đến chúng. Đó có thể là trường hợp bạn đang đợi một công việc thích hợp xuất hiện khi bạn nghỉ việc hay khi bạn muốn thôi không làm việc nữa.
“Đối với tôi, đó luôn là lợi ích lớn nhất, lãi tức cao nhất mà tiền bạc có thể mang lại, đó chính là khả năng cho bạn sự độc lập”, Housel bày tỏ.
Theo ông, có một cách để đánh giá bạn có quản lý tiền bạc đúng đắn hay không là xem bạn có thể ngủ ngon vào mỗi đêm hay không.
Thậm chí nếu như bạn đã vượt qua bài kiểm tra đó, tiếp theo hãy tự hỏi bản thân những quyết định tài chính hiện tại của bạn có ý nghĩa với người khác hay không. Nếu như không, hãy cố học hỏi để thay đổi, Housel đề xuất.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|