Tiền đâu tiêu Tết: Tiếp viên hàng không ‘không 1.000 trong túi’, ăn ké gia đình
1 năm 12 tháng thì nghỉ hết 4 tháng, 5 tháng bay một chuyến quốc tế lại về cách ly nửa tháng,… nữ tiếp viên hàng không thu nhập 20 triệu/tháng nay phải trả nhà trọ những tháng nghỉ về quê ăn ké gia đình.
* Tiền đâu tiêu Tết 'năm Covid': Có những người sẽ không biết Tết là gì…
Tiếp viên hàng không đối mặt nhiều nỗi lo Tết. Ảnh: Diệu Mi
|
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của người lao động, hàng ngàn người mất việc, phải tìm tạm công việc mới mưu sinh qua ngày. Riêng nhóm nhân viên hàng không gồm: tiếp viên hàng không và nhân viên mặt đất cũng rơi vào cảnh khốn cùng vì nhiều tháng liền bị nghỉ không lương, những tháng được đi làm, thu nhập chỉ đủ trả tiền nhà trọ.
Nghỉ không lương, họ sống sao?
Trở thành tiếp viên hàng không là ước mơ của nhiều người, không chỉ vì được tung bay khắp nơi đến vùng đất mới, mà nghề này còn hấp dẫn vì mức thu nhập khá cao.
Chị Mai Hoài Hương (25 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) – nữ tiếp viên hàng không kể, 3 năm trước chị trúng tuyển nữ tiếp viên thời vụ, nhận lương theo giờ bay.
Thu nhập tiếp viên hàng không bị giảm vì cắt giảm giờ bay và tiền lương giờ bay giảm. Ảnh: Độc Lập
|
Ngày chưa có dịch, mỗi tháng chị được xếp bay 4 chuyến quốc tế, trung bình mỗi tháng 90 giờ bay với mức được trả cho hạng tiếp viên eco là 220.000 đồng/giờ. “Tổng thu nhập khoảng 20 triệu, tôi ở trọ một mình tại Sài Gòn, vẫn dư dả trả tiền nhà, lo cho bản thân và phụ giúp gia đình”, chị Hương chia sẻ.
Nhưng năm 2020, chị phải nghỉ không lương 4 tháng, 5 tháng được xếp bay đưa công dân về nước nên cứ bay về thì lại cách ly nửa tháng khiến thu nhập giảm. Những tháng đầu năm nhận báo lương, chị không tin vào mắt mình, mọi thứ đảo lộn vì hụt lương.
Vì thế, xong tiền nhà trọ khoảng 4,5 triệu đồng ở khu gần sân bay, trong túi chẳng còn lại bao nhiêu, chị đành phải trả nhà trọ, dọn đồ sang nhà người quen gửi để về quê ăn ké gia đình.
Sau mỗi chuyến bay quốc tế, theo quy định, tiếp viên hàng không đang phải cách ly 15 ngày. Ảnh: CTV
|
Chị Hương bộc bạch: “Bây giờ tháng nào kín lịch thì tôi được khoảng 60 giờ bay, nhưng chỉ còn 150.000 đồng/giờ bay, sang tháng 1.2021 thì lên được 165.000 đồng/giờ bay, tổng thu nhập chỉ còn khoảng 9 triệu. Là nữ tiếp viên, các khoản phấn son, đồ dưỡng da cũng “ngốn” kha khá tiền”.
Năm nay, tiếp viên như chị Hương cũng không được trợ cấp tiền đồng phục gồm nhiều khoản như giày, vali, vest… khoảng 20 triệu, thành ra chị và đồng nghiệp đa phần chỉ mua mình áo dài còn vali, đồ đạc khác cố gắng tận dụng lại. Chị Hương cũng vừa phải gọi thêm người vào ở ghép để chia đôi tiền trọ. Buổi nào bay thì tranh thủ ăn trên máy bay, ở nhà mới đi chợ. Cũng lâu rồi chị không phụ giúp được đồng nào cho gia đình.
“Mọi năm Tết tôi mua áo quần mới cho gia đình, đồ đạc trang trí nhà cửa, trái cây cúng, còn năm nay nghĩ đến tiền chi tiêu hàng tháng đã oải rồi, tôi thật sự không dám nghĩ đến tiền tiêu Tết, sợ quá”, nữ tiếp viên hàng không tâm sự.
Không nghĩ có ngày khốn cùng như vậy!
Chị Dương Minh Trang (30 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – nhân viên mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất mở đầu câu chuyện: “Không nghĩ có ngày khốn cùng như vậy, không một ngàn trong túi, phải xin tiền gia đình để chi tiêu hằng ngày”.
Nhân viên mặt đất cũng gặp khó vì giảm lương. Ảnh: Hà Mai
|
Theo lời chị Trang, khi còn mở đường bay quốc tế thương mại thông thường, mỗi chuyến chị làm 4 tiếng được trả hơn 300.000 đồng. Giờ đây, nhân viên mặt đất ở bay quốc tế dồn với quốc nội, chia việc cho nhau, chị cũng không được trả lương theo chuyến nữa mà chỉ nhận mức lương cào bằng.
“Ngày trước một chuyến bay tôi làm 4 tiếng gồm có tiền ăn, phụ phí, tiền năng suất, tiền an toàn tổng là được 330.000 đồng. Mỗi ngày làm 2-3 chuyến như vậy, thu nhập trung bình gần 20 triệu đồng. Đợt dịch này tôi chỉ nhận được lương 4,3 triệu đồng, đồng đều hết mọi người chứ không tính giờ, tính chuyến nữa”, chị Trang ngao ngán.
Nghỉ 4 tháng không lương khiến nhiều nhân viên mặt đất điêu đứng. Ảnh: Độc Lập
|
Cả năm qua, chị Trang phải nghỉ 4 tháng không lương, không biết tìm việc gì làm tạm, mà xin việc làm trong thời gian ngắn thì không chỗ nào nhận chị nên về quê phụ bán hàng với gia đình.
Xác định thời gian nghỉ dài, công ty tổ chức cho nhân viên mặt đất đi học nâng cao nghiệp vụ với lời hứa đi học được trả lương. Nghe vậy, chị Trang và đồng nghiệp động viên nhau cùng cố gắng xem như “vớt vát” đỡ. Nào ngờ, học gần xong công ty báo tình hình khó khăn nên không trả lương đi học được khiến ai nấy đều ngỡ ngàng, nhưng cũng không biết làm gì khác.
Chị Trang tâm sự: “Tôi đã phải sống bằng tiền tiết kiệm của mấy tháng trước đó. Lương giờ có khi còn thua các bạn phục vụ quán cà phê. Nhiều bạn bè tôi xin tạm hoãn hợp đồng 6 tháng nhưng tôi thì không, vì hoãn biết lấy gì ăn. Năm nay áo dài cũng không được phát, phát được chiếc áo mưa là may rồi”.
Tới tháng cuối năm 2020, lương của chị Trang được đổi sang tính theo ngày công 8 tiếng, mỗi tháng đủ 23 công trở lên thì được nhận 7 triệu, dưới 23 công thì nhận 4,7 triệu. Dù không thấm vào đâu so với mức thu nhập cũ của nhân viên hàng không nhưng cũng được xem là mức an ủi khi vẫn còn việc làm trong mùa dịch. Ước mơ dồn tiền mua nhà Sài Gòn của chị Trang tạm thời bị gác lại, Tết này cũng chẳng dám sắm sửa gì cho mình và gia đình vì một năm bết bát, không biết khi nào mọi thứ mới quay lại vào quỹ đạo.
Vũ Phượng
Thanh niên
|