Người lao động 'ngóng' thưởng tết
Thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã công bố báo cáo thưởng tết trong các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn thấp thỏm, chưa biết mức thưởng năm nay là bao nhiêu.
Nhiều công nhân nóng lòng chờ thưởng tết ẢNH: NGỌC THẮNG
|
“Hai nửa mừng lo”
Chị Trịnh Thị Lệ Hằng, 46 tuổi, quê Bình Định, công nhân ngành giày da tại KCX Linh Trung 1, Q.Thủ Đức (TP.HCM), không giấu được sung sướng khi biết năm nay công ty chị có thưởng tết. “Hồi đầu tháng 5.2020, công ty thông báo nhiều khả năng là năm nay không có thưởng, buồn lắm. Nhưng cuối năm, công ty có hàng trở lại nên thưởng như mọi năm, không giảm gì. Tôi làm đã chục năm rồi nên tiền thưởng của tôi tính ra hơn chục triệu đồng, mừng vì có tiền về quê lì xì nhiều cho ba mẹ, đoàn tụ với con gái”, chị Hằng kể.
Còn chị Nguyễn Thị Nga (51 tuổi, đầu bếp tại một công ty sản xuất giày trong KCX Linh Trung 1) cho hay chị đang sốt ruột. “Năm rồi tầm này đã có thông báo rồi, chế độ thưởng theo chấm, mình làm càng lâu năm thì được ưu tiên, năm rồi tôi lấy tiền thưởng mua được chiếc xe trả góp cho thằng con út. Nhưng tới giờ vẫn chưa nghe thấy gì, phải chuẩn bị tinh thần để không buồn khi nghe tin không có thưởng tết. Dự trù lấy lương tháng 1 này để dành xài tết. Tôi còn nhắn cho mấy đứa con nếu năm nay mẹ không được thưởng thì các con lì xì cho mẹ”, chị Nga nói.
Trong không khí có phần ảm đạm hơn, anh Trường Giang (36 tuổi, quê Hậu Giang, công nhân cơ khí tại Q.Thủ Đức) lo dù có tiền thưởng vẫn không đủ chi tiêu cho tết năm nay. “Trước tôi phụ hồ, do dịch Covid-19 bị mất việc nên xin vào công ty này hồi tháng 2.2020, lương 6 triệu đồng/tháng. Năm nay không biết có được thưởng gì không. Nếu không có thưởng, lấy lương tháng 1 ăn tết không đủ, bởi nhà tôi đang lo cho 2 đứa con học trên này, còn thiếu tiền bán trú của trường chưa trả xong”, anh Giang thở dài. Vợ anh, chị Hải Yến (33 tuổi, quê Đồng Nai, công nhân một công ty chuyên làm thú nhồi bông, đồ chơi...) cũng đang bồn chồn chờ tin thưởng tết từ công ty: “Tôi cũng chuẩn bị tâm lý rồi, nếu như không được thưởng cũng ráng xoay xở, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, đành lòng cho hai đứa con chịu một năm không có đồ mới”.
Bằng giờ này năm ngoái, chị Phương Loan, nhân viên một công ty bảo hiểm có trụ sở tại Q.Đống Đa (Hà Nội) đã rủng rỉnh tiền thưởng tết, đi sắm tết tưng bừng. “Năm nay, đến giờ này tình hình thưởng tết vẫn kín như bưng. Anh chị em nhân viên trong công ty cũng chỉ dám bàn ra tán vào, chẳng ai dám hỏi sếp, thôi thì mình cứ hy vọng được thưởng bao nhiêu tốt bây nhiêu”, chị Loan chia sẻ.
Thông tin về thưởng tết ở các KCN, KCX tại Hà Nội cũng không mấy sáng sủa. Trên Facebook hội công nhân KCN Bắc Thăng Long với hơn 130.000 thành viên, nhiều người lao động (NLĐ) cho biết lãnh đạo công ty vẫn chưa công bố thưởng tết. Ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor VN (KCN Nội Bài), bày tỏ: “Tình hình thưởng tết năm nay nói chung hơi buồn. Mọi năm, công ty công bố thưởng rất sớm. Năm nay, NLĐ mong ngóng lắm, dù đã qua vài vòng đàm phán thưởng tết nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ”.
Theo ông Dương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020 việc làm của NLĐ giảm 20 - 30%, nhiều lao động phải nghỉ việc không lương. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho thưởng tết năm nay không được như mong muốn. “Năm 2020, thưởng tết của công ty là 2,2 tháng lương. Năm nay, phía công đoàn mong muốn thưởng cho NLĐ 2 tháng lương, nhưng xem ra trong bối cảnh này là rất khó. Công ty có hơn 40.000 lao động, lãnh đạo cũng phải căn cứ kết quả sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm rồi mới quyết định. Chúng tôi dự đoán thưởng tết sẽ bằng nửa năm ngoái”, ông Dương chia sẻ.
Mặc dù tình hình chung là khá ảm đạm, song vẫn có những doanh nghiệp (DN) đảm bảo thưởng tết cho NLĐ. Bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto VN (KCN Thăng Long, Hà Nội), thông tin mức thưởng năm nay của công ty vẫn duy trì như năm 2020 nên nhiều NLĐ rất phấn khởi. Dù không tiết lộ mức thưởng nhưng theo báo cáo từ Công đoàn các KCN - KCX Hà Nội, mức thưởng của công ty này trong năm 2020 là 2,2 tháng lương.
Công nhân xếp hàng rút tiền tại ATM khu vực KCN Bắc Thăng Long (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Dự báo nhiều khó khăn
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động VN, cho biết hầu hết các DN đảm bảo được việc làm thì vẫn duy trì tiền thưởng tết 2021 theo mức trung bình. Dù không tăng nhưng DN sẽ cố gắng ít nhất là 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc tiền lương cơ bản. “Dự kiến giữa tháng 12 âm lịch mới có thể công bố lương, thưởng tết chính thức. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu chúng tôi nhận thấy mức thưởng tết năm 2021 sẽ khó khăn hơn nhiều so với các năm trước, khả năng để có tiền thưởng cao hơn năm ngoái là rất khó…”, bà Ngân chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo yêu cầu các địa phương phải báo cáo tình hình lương, thưởng tết chậm nhất vào ngày 27.12.2020. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 và năm nay Tết dương lịch và Tết Nguyên đán cách xa nhau, nên các DN gửi báo cáo muộn. “Hiện mới chỉ có hơn 10 địa phương gửi báo cáo, những tỉnh, thành lớn, tập trung các KCN trọng điểm vẫn chưa có báo cáo. Qua số liệu chưa đầy đủ, tình hình thưởng tết năm nay không bằng năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể đưa ra bức tranh so sánh toàn cảnh, bởi những địa phương báo cáo đều là các tỉnh miền núi và không có nhiều DN. Có thể cuối tháng 1 chúng tôi mới thông tin đầy đủ để công bố”.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhìn nhận thưởng tết năm 2021 có sự phân loại. Đối với những DN năm 2020 không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, vẫn có công ăn việc làm cho NLĐ, có lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thì vẫn sẽ có thưởng tết, đơn cử như ngành viễn thông, ngân hàng, điện lực... Đối với các DN năm 2020 làm ăn kém hơn, nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm, tích lũy từ quỹ lương, thì cũng sẽ thưởng tháng lương thứ 13 cho NLĐ, như điện tử, sản xuất chế tạo, thủy sản... Số lao động được thưởng ít và không được thưởng cũng có nhưng sẽ không nhiều, thường rơi vào các ngành dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ... “Nhìn chung, thưởng tết năm nay kém hơn nhiều năm trở lại đây. Những năm trước, chỉ số GDP tăng 6 - 7%, năm 2020 giảm còn khoảng 3%, số lao động mất việc trong năm 2020 là 1,3 triệu người là rất lớn. Bản thân NLĐ đều mong muốn có thưởng tết, nhưng tình hình chung là như vậy, cả thế giới cũng bị ảnh hưởng nên chúng ta cũng phải chia sẻ khó khăn với các DN”, ông Huân nói.
Để có được bức tranh toàn cảnh về thưởng tết, theo ông Huân, ngoài công bố số liệu về mức thưởng cao nhất, thưởng thấp nhất và mức thưởng bình quân, Bộ LĐ-TB-XH nên yêu cầu các địa phương thống kê số DN không thưởng và thưởng ít hơn những năm trước.
Thu Hằng
Thanh niên
|