Thứ Hai, 01/02/2021 21:12

Bộ trưởng Bộ Y tế: Hà Nội có thể tính đến giãn cách xã hội một số khu vực

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh khi làm việc với Uỷ ban nhân dân Tp Hà Nội về công tác chống dịch Covid-19, chiều 1/2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp với Hà Nội chiều 1/2. Ảnh - Trần Minh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp Hà cho biết, tính từ ngày 27/1 đến nay, sau khi xuất hiện 2 ổ dịch ở Tp Chí Linh (Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trên địa bàn Hà Nội đã có 19 ca dương tính (trong đó Quận Nam Từ Liêm có 9 ca, huyện Đông Anh có 4 ca, huyện Mê Linh có 3 ca, quận Cầu Giấy có 2 ca và quận Hai Bà Trưng có 1 ca).

“Các trường hợp này đều có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch về, trong đó 18 ca liên quan đến ổ dịch Tp Chí Linh, có 1 ca liên quan đến ổ dịch Quảng Ninh”, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết.

Trên thực tế, dịch bệnh ở Hà Nội xuất hiện nhanh, trong vòng 5 ngày tính từ ngày 27/1 đến nay đã ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh và chu kỳ lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4. 

Hà Nội đã rà soát gần 16.000 trường hợp đi về từ vùng dịch kể từ 15/01/2021 và truy vết 412 trường hợp F1, đã lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung các trường hợp này. Qua rà soát cũng có trên 2.000 trường hợp F2, hiện đang được cách ly tại nhà.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế rất "quan ngại" về tình hình dịch của Hà Nội. “Bộ Y tế và Hà Nội thống nhất quan điểm phải giữ bình yên cho Thủ đô để người dân được đón Tết an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Sở dĩ Bộ Y tế quan ngại về tình hình dịch ở Hà Nội, bởi đợt dịch lần này sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn so với đợt dịch bùng phát trước tại Đà Nẵng, do chủng biến thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn.

Theo Bộ trưởng, Hà Nội cần chống dịch quyết liệt hơn. “Những nguy cơ này đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, nếu không thì tốc độ lây nhiễm của virus sẽ nhanh hơn chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, đồng thời nhấn mạnh Hà Nội phải thay đổi chiến lược đối phó và nâng ứng phó dịch lên 1 mức so với đợt dịch lần trước.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng Hà Nội vừa thực hiện truy vết, nhưng cũng không chờ truy vết mà phải khoanh vùng ngay. “Khoanh vùng càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu toàn bộ người dân ở đó. Khi khu vực đó tất cả các mẫu có kết quả âm tính thì mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn”, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

Sở dĩ Hà Nội phải nâng ứng phó dịch lên 1 mức so với đợt dịch lần trước là vì cư dân của Hà Nội có mối quan hệ mật thiết với các tỉnh có ổ dịch và có hành trình đi lại hết sức phức tạp. “Chúng ta phải chặn nguồn lây. Nếu không, tốc độ lây nhiễm sẽ gia tăng”, Bộ trưởng khuyến cáo.

Theo Bộ trưởng lần này phải coi các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh. Từ đó truy ra F2 và coi F2 gần như F1. “Chúng tôi đồng ý cách ly F2 ở nhà, nhưng phải thực hiện cách ly F2 tại nhà nghiêm ngặt và phải có giám sát. Đó là sự thay đổi trong cách thức ứng phó dịch”, Bộ trưởng nhắc lại.

Hà Nội phải ra khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các tỉnh, thậm chí có thể tính đến giãn cách xã hội ở một số khu vực...

Về xét nghiệm, Hà Nội phải xây dựng các tổ đội để lấy mẫu thật nhanh tại một số khu vực trọng điểm, khu vực nghi ngờ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ huy động sinh viên các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng hỗ trợ lấy mẫu. Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn việc lấy mẫu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế dành công suất xét nghiệm của các đơn vị thuộc Bộ để hỗ trợ Hà Nội. “Hà Nội lấy mẫu bao nhiêu thì chúng tôi đáp ứng xét nghiệm từng đó, chứ không chỉ là con số 40.000 mẫu như Hà Nội nêu”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. 

Bộ Y tế đã điều 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm 40.000 mẫu, trong đó Đại học Y Hà Nội 5.000 mẫu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 5.000 mẫu; Bệnh viện Nhi Trung ương 5.000 mẫu; Bệnh viện Phổi Trung ương 5.000 mẫu; Trường Đại học Y tế công cộng 3.000 mẫu...

Về điều trị, trước mắt, Bộ Y tế bố trí Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ điều trị cho Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội cần khởi động ngay việc thiết lập bệnh viện dã chiến, để hình thành mạng lưới điều trị, phòng trường hợp cần thiết. Hà Nội cũng cần đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, cho người thực hiện chống dịch.

“Quan điểm của chúng tôi Hà Nội cần gì cho chống dịch, cần bao nhiêu người cứ trao đổi với Bộ, Bộ sẵn sàng hỗ trợ tối đa. Bộ sẽ cùng Hà Nội chống dịch thành công”, Bộ trưởng nói. 

Nhật Dương

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Việt Nam mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca (01/02/2021)

>   Tổng công ty Đường sắt Việt Nam muốn tái cơ cấu (01/02/2021)

>   Việt Nam cấp phép lưu hành vaccine Covid-19 đầu tiên (30/01/2021)

>   Việt Nam đặt mục tiêu có 500 doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao (30/01/2021)

>   Doanh nghiệp Nhà nước "sắp chết" lại được hà hơi, thổi ngạt? (30/01/2021)

>   Vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam (30/01/2021)

>   ‘Cú hích’ giúp nền nông nghiệp vươn mạnh ra thị trường thế giới (29/01/2021)

>   Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2021 (29/01/2021)

>   Tổng vốn FDI vào Việt Nam tháng 1/2021 giảm 62.2% so với cùng kỳ (29/01/2021)

>   Hơn 395 ngàn tỷ vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong tháng 1/2021 (29/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật