Doanh nghiệp Nhà nước "sắp chết" lại được hà hơi, thổi ngạt?
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại.
Chia sẻ tại Hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường” diễn ra tại Hà Nội ngày 29/1, các chuyên gia kinh tế thẳng thắn nêu thực tế: Rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thua lỗ, yếu kém. Nhiều DNNN thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại.
Các đại biểu tại Hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức.
|
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng, "đối xử công bằng" với DNNN như một yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường, cùng với tiến trình triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong 35 năm đổi mới, pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung để DNNN ngày càng được trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM cho hay, Việt Nam vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường.
Để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, theo ông Trung, chính sách sở hữu nhà nước phải có tính ổn định lâu dài theo thời gian. Hệ thống các chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá đối với từng DNNN và bộ máy quản lý DNNN cần được xây dựng, ban hành và công bố công khai. Bộ máy quản lý, hội đồng quản trị và cơ quan tương đương trong bộ máy quản lý DNNN phải có cơ cấu hợp lý, có năng lực để thực hiện tốt trách nhiệm của họ.
Ông Trung cũng thẳng thắn chỉ rõ: Rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải DNNN thua lỗ, yếu kém. Nhiều DNNN thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, lãnh đạo DNNN cũng có thể được bảo vệ khỏi 2 yếu tố trừng phạt được coi là thiết yếu đối với lãnh đạo điều hành trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đó là khả năng bị thâu tóm và khả năng phá sản.
Hiện, cơ quan nhà nước quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như: quyết định quỹ tiền lương, thù lao hằng năm của người quản lý; phê duyệt việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc, Giám đốc; phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định... Ông Phạm Đức Trung cho rằng, chuyển DNNN thành Công ty cổ phần là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong thời gian tới, yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của DNNN. DNNN cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp Nhà nước phải được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn chất lượng cao, ông Trung chỉ rõ.
Nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất: Nhà nước cần tổ chức DNNN dưới các hình thức công ty và tạo lập cơ chế để hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của DNNN tương đồng với công ty khu vực tư nhân; chủ động giao cho DNNN các mục tiêu, nhiệm vụ và quyền chủ động điều hành DNNN; không nên giao cho DNNN các mục tiêu, nhiệm vụ không rõ ràng.
Quyền chủ sở hữu nhà nước đối với một DNNN nên tập trung tại một cơ quan chủ sở hữu hoặc ít nhất phải có một cơ quan đầu mối điều phối việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan nhà nước khác. Cơ quan chủ sở hữu nên có năng lực và thẩm quyền để thực hiện hiệu quả các quyền của mình./.
Trần Ngọc
VOV
|