Thứ Tư, 13/01/2021 08:29

Vụ án Trịnh Sướng cùng đồng phạm: Thủ thuật pha chế xăng giả

Phiên tòa liên quan vụ án sản xuất, mua bán xăng giả lớn nhất cả nước phải hoãn, dời lịch xét xử sang sau Tết Nguyên đán 2021 do vắng mặt 3 bị cáo và nhiều luật sư, người làm chứng.

* Hàng trăm cửa hàng bán hơn 133 triệu lít xăng giả ra thị trường

* Phát hiện đường dây pha chế xăng giả tại TP.Vũng Tàu

Trịnh Sướng (trước bục khai báo, bìa phải) cùng các bị cáo tại phiên tòa sáng 12.1. ẢNH: Hoàng Bình

Liên quan vụ án sản xuất, mua bán xăng giả lớn nhất cả nước, ngày 12.1, TAND tỉnh Đắk Nông đưa Trịnh Sướng (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) cùng 38 bị cáo ra xét xử sơ thẩm về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, phiên tòa sau đó bị hoãn.

Hoãn phiên tòa do có bị cáo “động kinh”

Dự kiến phiên xét xử sẽ diễn ra trong 18 ngày (từ 12 - 29.1). Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn, dời lịch xét xử sang thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021 do vắng mặt 3 bị cáo và nhiều luật sư, người làm chứng. Trong đó, bị cáo Lê Ngọc Lý (mới sinh con, có đơn xin xét xử vắng mặt); bị cáo Nguyễn Lê Minh Hưng (vắng mặt không lý do); bị cáo Lê Châu Phước Hưng (có giấy chứng nhận bị động kinh, có đơn xin hoãn xử).

Thủ đoạn tinh vi

Theo cáo trạng, để che giấu hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả, Trịnh Sướng thuê người chỉnh đồng hồ đếm tổng của trụ bơm nhằm cân đối đầu vào, đầu ra. Đối với hệ thống đại lý phân phối, Trịnh Sướng bán hàng nhưng không xuất hóa đơn mà thanh toán bằng hình thức trả tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Ngoài ra, những đối tượng khác trong vụ án này cũng tìm cách để hợp thức hóa quá trình xuất - nhập dung môi, hóa chất nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng. Điển hình, Hồ Xuân Cường đã mua bán dung môi giúp cho Trịnh Sướng và hợp thức hóa số tiền giao dịch bằng việc chuyển tiền mua bán xăng dầu. Cường còn ký 38 hóa đơn giá trị gia tăng để xuất khống cho Công ty TNHH Mỹ Hưng của Trịnh Sướng hơn 17 triệu lít xăng các loại trị giá gần 350 tỉ đồng...

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả tại Đắk Nông, Sóc Trăng, Cần Thơ, TP.HCM… Tổng cộng, có 39 bị cáo ở 18 tỉnh, thành bị cơ quan tố tụng tại Đắk Nông truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Các bị cáo trong vụ án trên đã pha chế, bán ra thị trường 167 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 136 tỉ đồng. Riêng Trịnh Sướng được xác định tổ chức sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả các loại, thu lợi bất chính hơn 102 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can là do hám lợi. Tuy nhiên, một phần cũng do sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, hóa chất.

Xăng giả gây ảnh hưởng đến an toàn của động cơ xe

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2017, Trịnh Sướng biết cách pha chế dung môi (Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro) với xăng nền, hóa chất tăng RON (Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol) và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 nên đã tiến hành pha chế xăng giả bán ra thị trường để trục lợi. Cụ thể, nhóm Trịnh Sướng pha chế xăng A95 giả theo công thức: “Xăng A95 thật 30%, dung môi, Toluene, MTBE 70%, cộng với bột màu vàng Azo”. Xăng A92 giả được pha chế theo công thức: “Xăng A95 thật 25%, dung môi, Toluene, MTBE 75%, cộng với bột màu vàng Azo”. Xăng E5 Ron 92 được pha chế bằng công thức: “Xăng A95 thật 20%, dung môi, MTBE, Toluene 75%, Etanol 5% với dung dịch Azo màu xanh”.

Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã gửi hơn 100 mẫu vật chứng đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Phân viện Khoa học hình sự thành phố Đà Nẵng thuộc Viện Khoa học hình sự để giám định. Kết quả giám định cho thấy nhiều mẫu xăng giả có thành phần là hydrocarbon (nguồn gốc từ dầu mỏ và phụ gia), có chất lượng không phù hợp quy định đối với xăng E5 RON 92. Bên cạnh đó, kết quả giám định còn xác định nhiều mẫu vật chứng là hợp chất màu Azo (hóa chất công nghiệp), thường được sử dụng trong ngành công nghiệp nhuộm. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn lít dung dịch trong vụ án được xác định là hỗn hợp của sản phẩm dầu mỏ phân đoạn dầu nhẹ pha với dung môi MTBE (Metyl Tert - Butyl Ether), không phải là xăng nên không thể sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu cho động cơ.

Theo một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Nông, xăng giả sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất, an toàn của động cơ các loại xe cơ giới. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc xăng giả trong vụ án của Trịnh Sướng và đồng phạm gây ra cháy nổ ở động cơ các loại xe cơ giới.

Hoàng Bình

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Công bố con số 'giật mình' về mức độ vi phạm của ông Tất Thành Cang (13/01/2021)

>   Thu hồi tài sản tham nhũng như 'hốt lại bát nước đổ đi' (13/01/2021)

>   Vì sao bị can Phạm Nhật Vinh, Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim bị truy nã? (12/01/2021)

>   Cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo năm 2021 (12/01/2021)

>   Ông Tất Thành Cang cố ý làm trái như thế nào? (12/01/2021)

>   Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và đồng phạm (12/01/2021)

>   'Có người hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên tài sản trăm tỉ, nghìn tỉ' (12/01/2021)

>   Loại bỏ doanh nghiệp 'đi đêm', doanh nghiệp 'ma' (12/01/2021)

>   Thêm robot đào hầm dự án Metro về đến Việt Nam (11/01/2021)

>   Kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam sẽ còn vươn tới mốc 1.000 tỷ USD (11/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật