Thu hồi tài sản tham nhũng như 'hốt lại bát nước đổ đi'
Nhìn nhận việc thu hồi tài sản tham nhũng giống như “hốt bát nước đã đổ đi, không thể đầy lại như cũ”, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị cần có luật Đăng ký tài sản để có cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả công tác này.
Ông Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp sáng 12.1 Ảnh: Gia Hân
|
Xử 7.463 vụ án, thu hồi gần 80.000 tỉ đồng tài sản tham nhũng
Ngày 12.1, tiếp tục phiên họp 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TAND tối cao và Viện KSND tối cao. Trình bày báo cáo, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí thông tin, trong nhiệm kỳ vừa qua Viện tối cao đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỉ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Trong khi đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo. Bên cạnh đó, tòa án đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỉ đồng.
Hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật Đăng ký tài sản, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay. Như thế, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao
|
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về báo cáo của TAND tối cao và Viện KSND tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao tăng qua các năm. TAND tối cao đã chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản như 100% vụ án và bị cáo bị áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, truy tố tiếp tục được tòa án giữ nguyên việc áp dụng các biện pháp này trong giai đoạn xét xử.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ hơn nội dung liên quan kết quả thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng vì những kết quả đạt được trong công tác này rất tốt, với số tiền thu hồi lên tới gần 80.000 tỉ đồng. “Hôm qua chúng ta vừa nghe đầu tư công thêm 2 đoạn dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam, QH ra 2 nghị quyết mới bố trí được 79.000 tỉ cho cả dự án. 80.000 tỉ đồng thu hồi tài sản tham nhũng này sẽ tạo sự phát triển hạ tầng”, ông Thanh nói.
Có người 20 - 30 tuổi đã đứng tên tài sản ngàn tỉ đồng
Giải trình thêm, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho hay trước đây cơ quan tố tụng chỉ lo việc tuyên án chứ không tính đến việc thu hồi tài sản. “Đó là thói quen của chúng ta ở nhiệm kỳ trước, cứ tuyên án còn thu hồi được hay không là việc của thi hành án”, ông Trí nói và cho biết trong nhiệm kỳ này, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng yêu cầu ngay từ khi khởi tố vụ án, điều tra là phải quan tâm vấn đề thu hồi tài sản. Do đó, ngay từ khâu điều tra, tới truy tố và đến tòa đều quan tâm vấn đề này. Cạnh đó, một điểm mới trong thu hồi tài sản tham nhũng, theo ông Trí, là có nhiều thủ tục được tháo gỡ. “Trước đây tính phối hợp trong công tác này không cao. Tới nhiệm kỳ này nhiệm vụ chính trị đặt ra nên có sự phối hợp ngay từ đầu. Chúng ta đã ban hành hàng loạt thủ tục hỗ trợ cho việc này”, ông Trí thông tin.
Thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao
Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã thông qua các nghị quyết về việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc H.Phù Cát (Bình Định), phường Quỳnh Lâm và Trung Minh thuộc TP.Hòa Bình (Hòa Bình), 5 phường thuộc TX.Từ Sơn (Bắc Ninh); điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông, theo đề nghị của Chính phủ. UBTVQH cũng đã phê chuẩn quyết định của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.
Cũng trong sáng 12.1, UBTVQH đã bế mạc phiên họp thứ 52.
|
Ông Trí cũng đề nghị để thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn, cần sớm ban hành luật Đăng ký tài sản. Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, hiện việc kê khai tài sản chỉ trong hệ thống chính trị, nhưng những người tham nhũng thì không bao giờ tự đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên. “Hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên tài sản cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay. Như thế, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng”, ông Trí phân tích và cho rằng nếu không sớm có luật này thì việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đến ngưỡng nào đó rồi dừng lại, không thể đạt được 100%.
“Bát nước đổ đi, khi hốt lại không bao giờ đầy được nữa”, ông Trí nói và nhìn nhận tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ này tăng lên 4 - 5 lần so với nhiệm kỳ trước, nhưng bảo đạt tới 100% thì không thể được.
Lê Hiệp
Thanh niên
|