UPCoM 2020: Quy mô tăng, khối ngoại bán ròng
Sàn UPCoM từ lâu đã được xem là “trạm trung chuyển” cần thiết cho các doanh nghiệp có dự định niêm yết lên 2 sàn giao dịch TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, không vì vậy mà sàn UPCoM nằm ngoài bữa tiệc thịnh soạn trên thị trường chứng khoán.
UPCoM-Index đi lên mạnh mẽ trong năm 2020
Chỉ số sàn UPCoM trong năm 2020 diễn biến tương đồng với thị trường chung. Chỉ số chịu đợt sụt giảm mạnh vào tháng 3 khi dịch Covid-19 bùng phát. Sau đó, cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát ở Việt Nam, chỉ số đi lên mạnh vào những tháng cuối năm. Tính đến cuối năm 2020, UPCoM-Index đạt 74.45 điểm, tăng hơn 31% so với đầu năm.
Biến động chỉ số UPCoM-Index trong năm 2020
|
Trên sàn UPCoM, có tổng cộng 398 cp tăng giá trong năm qua, 384 cp giảm và 108 cp đứng giá. Theo dữ liệu VietstockFinance, KSH, MTA và SBS là 3 mã tăng giá mạnh nhất và SPB, SGO và VTD là 3 mã giảm mạnh nhất.
Nguồn: VietstockFinance, người viết tự tổng hợp
|
* Danh sách các mã tăng, giảm giá nhiều nhất xét đến khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 10,000 đơn vị.
Giá trị vốn hóa cuối năm 2020 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, giảm hơn 69% so với đầu năm. Trong 12 tháng, tổng giá trị vốn hóa bình quân của sàn UPCoM đạt hơn 10 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn: HNX, người viết tự tổng hợp
|
Số chứng khoán đăng ký giao dịch tăng
Tính đến cuối tháng 12/2020, hiện đang có 909 mã đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên sàn UPCoM, tăng hơn 4% so với cùng thời điểm năm 2019. Trong năm 2020, đã có 70 mã chứng khoán gia nhập vào UPCoM đồng thời có 32 mã bị hủy giao dịch.
Nguồn: HNX, người viết tự tổng hợp
|
Thanh khoản sàn UPCoM nhìn chung tăng, đặc biệt là vào các tháng cuối năm. Giá trị giao dịch bình quân cả năm đạt 106 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tháng 6/2020 ghi nhận khối lượng giao dịch tăng đột biến khi đạt hơn 850 triệu cp, tăng gần 94% so với tháng trước đó. Đạt được tăng trưởng này là nhờ mã LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên VIệt trong tháng giao dịch hơn 180 triệu cp và mã BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn với hơn 133 triệu cp.
Nguồn: HNX, người viết tự tổng hợp
|
Tuy vậy, tính đến ngày 22/12, có đến 128 mã trong số các mã đang ĐKGD chưa thực hiện bất cứ giao dịch khớp lệnh nào trong năm 2020, theo dữ liệu từ VietstockFinance.
Tính riêng nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay đã giao dịch tổng cộng gần 422 triệu cp, đạt giá trị hơn 11 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị mua là hơn 5 ngàn tỷ đồng và tổng giá trị bán là hơn 6 ngàn tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 1 ngàn tỷ đồng.
Nguồn: HNX, người viết tự tổng hợp
|
Những dấu mốc quan trọng trong năm 2020
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đưa ra quy định tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức bao gồm HOSE, HNX, UPCoM đã làm các mã thuộc nhóm ngân hàng tích cực chuyển dịch giữa các sàn, trong đó có sàn UPCoM.
Theo đó, BaoVietBank với mã BVB là ngân hàng đầu tiên giao dịch trên UPCoM trong năm 2020. Tiếp đó là lần lượt mã SGB của Saigonbank và NAB của NamABank cũng lần lượt gia nhập. Tuy nhiên, NamABank lại nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE 2 tháng sau đó. Tiếp bước theo sau là Bac A Bank với mã BAB hiện đang giao dịch trên UPCoM nhưng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HNX. Mặt khác, trong tháng 12/2020, sàn UPCoM sẽ chào đón 2 “tân binh” lần lượt là ABBank với mã ABB và PG Bank với mã PGB.
Nhắc đến chuyện chuyển sàn liên quan đến sàn UPCoM thì không thể không nhắc đến pha “chuyển nhà” hơn 1 tỷ cp BCM của “ông lớn” ngành bất động sản khu công nghiệp Becamex.
Chưa đầy 1 năm sau khi nâng tổng số cổ phiếu giao dịch lên hơn 1 tỷ cp. Ngày 20/08/2020, BCM đã chính thức “chia tay” sàn UPCoM để đến với “sân chơi” lớn hơn mang tên HOSE.
Hà Lễ
FILI
|