Tranh cãi về ‘liên đới trách nhiệm’ của sàn thương mại điện tử nếu bán hàng giả, hàng gian
Quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử là điểm khiến cả ban soạn thảo lẫn các doanh nghiệp, luật sư còn băn khoăn khi cho ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử.
Quản lý thương mại điện tử đang là bài toán khó. Ảnh: Độc Lập
|
Quy định về việc sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm liên đới nếu phát hiện sàn có bán hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng là nội dung được thảo luận nhiều nhất tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hôm nay, 14.1.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng thương mại điện tử càng phát triển thì niềm tin của người tiêu dùng càng giảm với loại hình này, bởi có quá nhiều người bị lừa theo kiểu "quảng cáo trên mạng thì long lanh nhưng hàng giao thật lại rất vớ vẩn".
Do đó, theo ông Hùng, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử cũng phải thực hiện theo luật Bảo vệ người tiêu dùng, như việc phải thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm. “Cho nên rất cần phải bổ sung các quy định để giảm thiểu rủi với người tiêu dùng”, ông Hùng bày tỏ.
Tuy nhiên, bình luận về quy định này trong dự thảo, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển và truyền thông, cho rằng sẽ là bất công với các chủ sàn. “Nhìn sang chợ truyền thống, chúng ta đâu quy trách nhiệm cho chủ chợ hay ban quản lý chợ nếu có gian hàng hay ki ốt nào đó bán hàng lậu, hàng gian”, ông Đồng nói.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Công ty Luật SBLaw, cần làm rõ và tách biệt 2 loại trách nhiệm pháp lý cho từng đối tượng liên quan chứ không nên quy định trách nhiệm liên đới. “Trách nhiệm của sàn và người bán cần phải được xem xét một cách độc lập với nhau theo các quy định pháp luật hiện hành. Nếu người bán vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch thì tùy mức độ, hành vi vi phạm mà phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính theo quy định pháp luật có liên quan”, ông Hà nói.
Tương tự, bà Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đề nghị nên quy định rõ mức độ liên đới thế nào chứ không thể nói một cách mập mờ, chung chung. “Pháp luật thương mại coi sàn thương mại điện tử là trung gian thương mại và không quy định sàn phải bồi thường khi người tiêu dùng mua hàng gian, hàng giả”, bà Hoa thông tin.
Vị chuyên gia pháp lý này chia sẻ rằng, bà hiểu do sức ép bảo vệ người tiêu dùng nên dự thảo Nghị định xây dựng theo hướng “siết” và quản lý chặt hơn các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, nếu không khéo, điều này sẽ hạn chế việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số mà Chính phủ đang thúc đẩy.
“Hãy để sàn cạnh tranh với nhau, nếu không đủ uy tín thì sàn sẽ tự diệt theo quy luật thị trường”, bà Hoa nói thêm.
Không rõ cơ quan quản lý, doanh nghiệp dễ bị hành
Một bất cập khác cũng được các doanh nghiệp, chuyên gia chỉ ra là quy định các sàn thương mại điện tử phải “xác minh” danh tính của nhà bán hàng nước ngoài.
Theo luật sư Hà, đây là một yêu cầu không khả thi và nên thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước. Việc “xác minh” trong trường hợp cần thiết sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện với sự phối hợp của sàn thương mại điện tử”, ông Hà nói.
Ngoài ra, ông Hà cho rằng, dự thảo đang thiếu sót khi không quy định cụ thể cơ quan nào quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý sàn thương mại điện tử. “Sự phân vai không rõ này khiến cho doanh nghiệp dễ bị tất cả các cơ quan vào kiểm tra, gây khó dễ, mất thời gian, ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp cũng như bị mất tiền phạt không đáng có”, ông Hà nói.
Giải trình tại hội thảo, bà Lê Thị Hà, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho rằng do các hình thức phân phối hàng hóa đang phát triển rất nhanh và nhiều đơn vị đã lợi dụng những kẽ hở về luật pháp để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nên để vá các lỗ hổng này, ban soạn thảo đã đưa ra các quy định tăng trách nhiệm của chủ sàn cũng như phải có thông tin hàng hóa bắt buộc thể hiện trên website. Tuy nhiên, bà Hà thừa nhận đây đang là điểm mà ban soạn thảo còn băn khoăn.
Chí Hiếu
Thanh niên
|