Tiền đâu tiêu Tết 'năm Covid': Có những người sẽ không biết Tết là gì…
Khi được hỏi: 'Tiền đâu tiêu Tết?', nhiều công nhân chỉ biết cười trừ. Với họ, Tết còn xa lắm khi suốt năm qua sống được qua ngày đã là may mắn, nói gì đến việc tích cóp cho năm mới tết đến…
Nhiều công nhân không dành dụm được tiền dù đi làm suốt một năm qua. Ảnh: Độc Lập
|
Hơn 17 giờ chiều, chúng tôi đến những xóm trọ ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM để tìm hiểu về cuộc sống những ngày cuối năm của những công nhân. Không khí ảm đạm bao trùm khi hầu hết những người gặp chung tôi đều tâm sự rằng năm nay là một năm buồn.
Loay hoay trong nợ cũ
Gần 10 năm làm công nhân cho một công ty giày da tại Q.Thủ Đức, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mạnh (33 tuổi, quê Trà Vinh) kể năm nay họ gặp “khủng hoảng” khi thu nhập giảm 70% so với năm trước.
“Đừng nói đến chuyện năm nay tích cóp được bao nhiêu vì tiền sinh hoạt hằng ngày tôi còn phải chạy vạy khắp nơi mới xoay xở được. Trong khi đó, công ty gặp khó khăn không có hàng nên tôi có muốn tăng ca kiếm thêm thu nhập cũng không được, đúng là khổ trăm bề”, chị Mạnh tâm sự.
Nhiều khu công nhân không khí ảm đạm vào những ngày cuối năm. Ảnh: Cao An Biên
|
Ở một xóm trọ khác gần cảng Tân Thuận, chị Quyết (quê Nghệ An) vừa đi làm về đã “ba đầu sáu tay” vừa chăm con vừa lo cơm nước cho cả nhà. Chị cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những tháng rồi vợ chồng chị thu nhập không quá 10 triệu đồng, trừ tiền thuê trọ, ăn uống, tiền sữa và tã cho hai con nhỏ thì không còn bao nhiêu.
Khi được hỏi năm nay gia đình ăn Tết như thế nào, chị Quyết cười nói: “Chúng tôi năm nay làm gì có Tết, không có tiền nên không có Tết đâu. Năm ngoái làm ăn không được bao nhiêu nên không về, năm nay lại càng khó khăn hơn nên việc về nhà ăn Tết là không thể”. Gia đình chị dự định sẽ làm thêm vài tháng, sau khi có đủ tiền sẽ về quê Nghệ An ở luôn. “Chứ ở đây làm mà không có dư thì ở làm gì”, chị thở dài.
Cùng nỗi lo “tiền đâu về quê ăn tết”, ông Trần Đình Thanh (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) hiện đang làm công nhân cho một công trình xây dựng tại Nhà Bè buồn bã: “Dù biết giá vé cận Tết rất đắt nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa đặt vì không biết khi nào thì xong việc”.
Ông Thanh cho biết, mình và vợ đi làm công nhân đến nay cũng trên 10 năm, hằng tháng đều ưu tiên gửi 4 – 5 triệu về cho hai con ăn học ở quê, còn lại bao nhiêu thì hai vợ chồng cố gắng xoay xở.
Bà Thúy cùng con trai và các cháu nội quây quần bên nhau sau buổi cơm tối. Ảnh: Lê Ngọc Thảo
|
Niềm vui đoàn tụ gia đình
Một chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 20 mét vuông nhưng có đến 6 người ở của gia đình bà Phùng Thị Thúy (54 tuổi, quê Hậu Giang), trong đó chồng bà, con trai và con đâu đều đang đi làm công nhân với lương cố định 4 - 5 triệu một người khi chưa tăng ca. Bà Thúy thì ở nhà cơm nước và đưa đón cho hai cháu nội đi học.
Đợt dịch vừa qua, công ty chị Nguyễn Thị Mỹ Điền (28 tuổi, con dâu bà Thúy) cho công nhân nghỉ nên chị bị mất lương, chồng chị cũng không được tăng ca nên chi tiêu 6 người trong nhà đều gói ghém trong khoảng 7 – 8 triệu đồng dẫn đến thiếu trước hụt sau.
“Đợt dịch đầu gia đình tôi phải chạy mượn bà con họ hàng khắp nơi mới đủ xoay xở các chi phí trong nhà, mấy tháng nay tình hình tạm ổn nên hai vợ chồng ráng tăng ca để trả lại phần đó”, chị Điền cho hay.
Chị Nguyễn Thị Mạnh làm cả năm vẫn không tích góp được tiền nên băn khoan không biết Tết này có nên về quê không. Ảnh: Cao An Biên
|
Nhắc đến khoảng tiền dành cho Tết sắp tới, bà Thúy ngồi kế bên lắc đầu: “Chưa có tiền dư nên tôi chưa nghĩ tới, giờ lo làm trả nợ bà con trước rồi tính sau. Tết về quê thì có gì ăn nấy nên tôi không lo lắm, quan trọng có tiền xe cộ về đoàn tụ với bà con dưới đấy là mừng lắm rồi”.
Khác với gia đình bà Thúy, gia đình chị Võ Thị Tiểu Phụng (35 tuổi, ngụ Nhà Bè) có phần “đỡ” hơn chút vì có nhà ở Sài Gòn nên không lo tiền xe đi lại. Tuy nhiên, là lao động chính trong một gia đình 4 người nên nhắc đến Tết chị cũng đau đầu không kém.
“Công ty tôi đang làm cuối năm không có thưởng hay lương “tháng 13” nhưng lương tháng trả 6 triệu nên tôi cũng ráng. Năm nay dịch bệnh khó khăn nên làm cả năm cũng chẳng dành dụm được đồng nào. Giờ chỉ có thể đi mượn nợ ăn Tết xong qua năm mới đi làm trả lại thôi, thà vậy mà sắm được cho con vài bộ quần áo mới, chưng vài chậu hoa cho vui nhà vui cửa”, chị Phụng cười.
Cùng niềm hi vọng có một cái tết không hoàng tráng nhưng đủ đầy, anh Đặng Lữ Quán (27 tuổi, quê Hậu Giang) cùng vợ lên TP.HCM làm công nhân được gần 6 năm cho biết dù bị dịch ảnh hưởng nhưng trong chi tiêu nên vợ chồng anh luôn tính toán cẩn thận nên cũng dành dụm được một số tiền.
“Tuy không nhiều nhưng đủ để gia đình tôi về quê ăn một cái Tết. Chắc chắn là không lớn như mọi năm, nhưng được đoàn tụ cùng gia đình sau một năm làm việc vất vả đã là hạnh phúc rồi”, anh Quán hi vọng.
Lê Ngọc Thảo
Thanh niên
|