Tại sao giới trẻ châu Á làm việc đến chết vì văn hóa '996'
Khi làm việc ngày đêm được coi là biểu hiện của chăm chỉ và thành công lâu dài tại châu Á, những cái chết vì công việc vẫn xuất hiện bất chấp các nỗ lực tẩy chay, thay đổi.
“Ngày 29/12, một người bạn tốt của tôi, nữ nhân viên tại Pinduoduo, đột ngột qua đời trên đường đi làm về lúc 1h30. Cô ấy mới 22 tuổi. Công ty không chịu giải thích một lời", một người dùng viết trên Maimai, mạng xã hội việc làm tại Trung Quốc, vào ngày 3/1.
Tin tức về cái chết của nữ nhân viên họ Zhang làm việc tại tập đoàn thương mại điện tử lớn nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội quốc gia này. Sau khi nhiều giờ liền tăng ca vào ban đêm, Zhang đã kiệt sức và ngã quỵ trên đường về nhà. Cô không qua khỏi sau 6 tiếng cấp cứu.
Nhiều người tin rằng sự ra đi của Zhang có liên quan đến tình trạng làm việc quá sức, hay còn gọi là văn hóa 996, cụm từ miêu tả cảnh người lao động Trung Quốc làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần.
Tại châu Á nhiều thập niên qua, thời gian làm việc kéo dài, tăng ca, làm thêm giờ không còn xa lạ gì với người lao động. Ảnh: SCMP.
|
Không riêng gì Trung Quốc, chuyện làm việc đến kiệt quệ, ảnh hưởng tới sức khỏe và mất cân bằng cuộc sống đã là vấn đề nhức nhối từ lâu của dân công sở châu Á.
Khi làm việc ngày đêm được coi là dấu hiệu của chăm chỉ, cống hiến và tạo đà cho thành công lâu dài, những cái chết vì công việc vẫn xuất hiện bất chấp nhiều người cố thay đổi, tẩy chay chúng.
Nỗi lo tụt lại phía sau
“Chăm chỉ là đức tính tốt. Trong môi trường công việc đầy tính cạnh tranh, con người cần phải lao vào làm việc chăm chỉ để bắt kịp”, Erman Tan, cựu chủ tịch của Viện nghiên cứu Nhân sự Singapore, lý giải tại sao số thời gian lao động lại được đề cao hơn năng suất tại châu Á.
Nói ngắn gọn, chăm chỉ là giá trị truyền thống trong mọi môi trường làm việc. Phần lớn nhân lực trẻ nghĩ làm thêm giờ là cách duy nhất để giữ việc, cũng như chứng tỏ giá trị bản thân tại cơ quan.
Những thành phố "nghiện việc" chủ yếu nằm tại châu Á. Ảnh: Japan Times.
|
“Nhân viên không được phép đến trễ, cần tham gia nhiều cuộc họp, phải đảm bảo bàn làm việc gọn gàng và ngăn nắp. Cần nhớ, ông chủ luôn luôn đúng và nhân viên không được phép ra về sớm hơn sếp của mình”, Betty Ho, từng làm việc tại một công ty Nhật Bản, cho biết.
Tại Trung Quốc và Nhật Bản, áp lực được coi động lực lớn nhất với người lao động. Môi trường làm việc hóa thành "đấu trường sinh tử" khi chỉ những người sẵn sàng làm việc "thâu đêm suốt sáng" mới thuyết phục được công ty mình xứng đáng được ở lại.
Với những quốc gia có bước nhảy vọt thần kỳ về kinh tế như Singapore hay Hàn Quốc, làm việc quên thân được coi như di sản, là điều các thế hệ tiếp theo cần tiếp nối để duy trì sự thịnh vượng của đất nước.
“Sự phát triển đáng kinh ngạc của Hàn Quốc chắc chắn sẽ không thể xảy ra nếu người Hàn không lao động nhiều giờ và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của đất nước”, Scott Shepherd, giáo sư người Anh giảng dạy tại Đại học Chungsin (Seoul), đánh giá.
Đổi lại sự phát triển về đời sống là những yêu cầu việc làm ở Hàn Quốc khắt khe hơn các nước khác. Chuyện làm quá giờ, đi làm về muộn, rời cơ quan lúc tối mịt là điều bình thường ở xứ kim chi.
Các công chức, nhân viên văn phòng thường nhìn nhau để lao động chăm chỉ và hiếm khi chịu về nhà khi chưa hoàn thành công việc.
Văn hóa "nhanh chóng, tiết kiệm thời gian" được khắc họa rõ nét nhất ở Hàn Quốc, khi nó len lỏi trong mọi ngành nghề xã hội và in đậm trong ý thức của mỗi người dân. Ảnh: Reuters.
|
"Không được đối xử như con người"
Ngoài áp lực không để mình tụt lại phía sau, nhiều công ty cũng ra sức ép nhân viên thành nô lệ, cỗ máy làm việc.
Nhiều tỷ phú, doanh nhân luôn đề cao “996” như một giá trị tuyệt vời. Tỷ phú Jack Ma ca ngợi văn hóa làm việc 12 tiếng/ngày là “một phước lành”.
“Còn trẻ mà không làm theo lịch 996 thì bao giờ mới làm? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công”, ông Jack Ma nói trong một cuộc họp nội bộ của Alibaba.
Theo giải thích của vị tỷ phú, thời gian đó không chỉ là để làm việc mà còn là để học hỏi, phát triển bản thân.
Tuy nhiên, thực tế văn hóa làm việc này chỉ khiến nhân viên cảm thấy áp lực, tù túng và trong trường hợp xấu nhất, nhiều người đánh đổi bằng tính mạng.
Trong khi các tỷ phú, doanh nhân như Jack Ma ca ngợi văn hóa "996" là giá trị cần phát huy, nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều. Ảnh: Reuters.
|
Ngày 25/12/2015, nữ nhân viên văn phòng Matsuri Takahashi nhảy xuống từ khu ký túc xá dành cho nhân viên của Dentsu - công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản. Theo thỏa thuận, cô gái 24 tuổi làm 70 giờ/tuần. Song thực tế, cô bị buộc làm tới 100 giờ/tuần.
Tháng 12/2019, một người đàn ông Trung Quốc đột tử vì lên cơn đau tim khi đang phỏng vấn công việc mới. Trước đó, nam ứng viên bỏ công việc cũ vì quá mệt mỏi khi phải làm đêm liên tục.
Sau cái chết của Zhang, một cựu nhân viên Pinduoduo giấu tên nói với Sixth Tone rằng làm việc quá giờ là một thực tế phổ biến. Các nhân viên được yêu cầu làm việc ít nhất 300 giờ/tháng, tức gần 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần.
Một cựu nhân viên khác của Pinduoduo tên Xiaojin cũng nói điều tương tự. Theo cô, tăng ca không chỉ là tiêu chuẩn ở Pinduoduo mà còn là yêu cầu bắt buộc.
“Công ty quan tâm rất nhiều đến giờ làm việc của chúng tôi. Nó đã trở thành văn hóa mà đôi khi, ngay cả khi nhân viên làm việc xong, họ vẫn ở lại văn phòng. Tôi vẫn may mắn hơn số đông khi chỉ phải làm việc từ 11h đến 22h và người quản lý đối xử tốt với tôi”, Xiaojin kể lại.
Hai người đều có suy nghĩ chung là các công ty lớn dường như không quan tâm đến sức khỏe của nhân viên.
“Có cảm giác như chúng tôi không được đối xử như con người. Nhiều lần, tôi bước vào văn phòng và bắt đầu khóc ở bàn làm việc”, Xiaojin tiết lộ.
Dân châu Á cuồng việc vì nỗi lo bị sa thải, người khác vươn lên trước. Ảnh: Nikkei.
|
Xu hướng rút ngắn thời gian lao động
Dù nhiều người cảm thấy bị kiệt sức, suy nhược cơ thể khi phải lao động liên tục, việc lao đầu vào làm việc vẫn khó có thể bị loại bỏ hoàn toàn dù vô số lời cảnh báo và nỗ lực thay đổi được đưa ra.
Trên hết, không phải cứ vắt kiệt sức lực vào công việc lúc nào cũng đem đến kết quả tốt đẹp như mong muốn.
“Nếu bạn thường xuyên tuân thủ lịch trình làm việc 996, bạn có nguy cơ phải đi vào đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU)”, thông tin trên kho lưu trữ 996.ICU, nơi chỉ trích lịch trình làm việc không hợp lý của các công ty công nghệ tại Trung Quốc, chỉ ra.
Nhiều nghiên cứu từng được thực hiện để chứng minh rằng nhân viên làm việc quá sức vừa gây hại cho bản thân vừa không giúp ích gì cho doanh nghiệp.
Dưới áp lực của các công ty đặt lên người lao động, giới trẻ xứ Trung đang phản kháng bằng nhiều cách riêng để làm chậm tiến độ công việc. Ảnh: SCMP.
|
Năm 2014, khảo sát do Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy nhân viên làm việc trên 48 giờ/tuần sẽ khiến năng suất lao động giảm mạnh. Nếu tình trạng này kéo dài và không có dấu hiệu chấm dứt, doanh nghiệp có thể phải chịu lỗ hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Trên thực tế, số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2017 từng chỉ ra sự khập khiễng giữa hai thái cực làm việc vừa đủ và làm việc quên ngày đêm.
Theo đó, trung bình mỗi giờ một công nhân Nhật Bản đóng góp 46,1 USD cho GDP nước này, trong khi đó người Phần Lan tạo ra tới 64,6 USD. Dù thời gian làm việc dài hơn, mỗi nhân viên Nhật Bản lại đóng góp ít hơn cho nền kinh tế so với đồng nghiệp ở Bắc Âu.
Trên thực tế, xu hướng trên toàn thế giới là rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày.
Năm 2017, Thụy Điển đã thử nghiệm cho công dân làm việc 30 giờ/tuần. Kết quả ban đầu cho thấy người lao động hạnh phúc hơn và ít căng thằng hơn. Một công ty tại New Zealand cũng cho biết nhân viên của họ sáng tạo hơn khi làm việc 4 ngày/tuần.
Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng việc rút ngắn thời gian làm việc sẽ dẫn đến năng suất cao hơn vì người lao động gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc trong hàng giờ liền.
"Chúng tôi dành cả cuối tuần trong văn phòng. Cơ thể của chúng tôi đã ở trong tình trạng quá tải trong thời gian dài", một nhân viên khiếu nại lên giám đốc cấp cao của Tập đoàn Tencent Holdings.
Hiền Thy
ZING
|