Sản xuất bùng nổ tại Trung Quốc, nhưng vì sao các nhà xuất khẩu lại cảm thấy phiền lòng?
Clark Feng chứng kiến số đơn đặt hàng xuất khẩu nội thất, xích đu và lều cho sân vườn đã tăng 70% trong năm 2020 giữa lúc các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội thổi bùng nhu cầu. Thế nhưng, ông lại cảm thấy phiền lòng.
“Càng bán nhiều thì lại càng lỗ, vậy bán làm gì?”, Feng – chủ sở hữu công ty thương mại Vita Leisure tại Linhai (Trung Quốc) – cho biết. “Không biết là ai đã nói chúng tôi hưởng lợi. Chúng tôi là nạn nhân thì đúng hơn!”.
Một nhân viên đang làm việc tại nhà máy Dicheng Technology. Nguồn: Bloomberg.
|
Với doanh thu hàng năm quanh mức 5 triệu USD, công ty của Feng là một trong hàng triệu nhà sản xuất và doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ đã hình thành xương sống của hoạt động xuất khẩu Trung Quốc. Thế nhưng, khi đơn hàng ập đến giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc gượng dậy nhanh chóng từ đại dịch Covid-19, Feng và những người khác lại lao đao vì đà tăng vọt của đồng Nhân dân tệ, cước phí vận tải biển và thiếu hụt lao động. Những yếu tố này đã bào mòn biên lợi nhuận vốn đã rất mỏng của những công ty vừa và nhỏ này.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc
|
Hậu quả có thể thật sự nghiêm trọng đối với tăng trưởng của Trung Quốc và gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Khi mà một số nhà máy đang kinh doanh thua lỗ, chủ sở hữu của chúng có thể buộc phải nâng giá hàng hóa – một điều mà họ lưỡng lự không muốn làm trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, ngay cả khi chi phí nhân công và thuê đất gia tăng. Ngoài ra, họ cũng chẳng có lý do để đầu tư mở rộng công suất.
Sự trở lại nhanh chóng của Trung Quốc đi kèm với hàng loạt vấn đề dành cho các nhà sản xuất tại nơi này. Cú bùng nổ của hoạt động sản xuất đã gây áp lực lên nguồn cung điện ở một số khu vực, buộc các nhà máy phải mua máy phát điện riêng. Ngành vận tải biển toàn cầu vẫn đang rối rắm vì đại dịch, cùng với đó tình trạng thiếu hụt container gây ra sự trì hoãn và đẩy chi phí tăng mạnh. Thêm vào đó, nguồn cung lao động cũng bị suy giảm trầm trọng – lượng người lao động nhập cư của Trung Quốc đã giảm hơn 5 triệu người trong năm 2020 sau các lệnh phong tỏa hồi quý 1.
“Các nhà máy đang tranh nhau tìm kiếm người lao động lành nghề”, Feng cho biết, đồng thời nói thêm tiền lương cho thợ hàn nhôm đã tăng gần gấp 3 lần. “Thật khó cho những nhà quản lý trong những ngày này. Chúng tôi không thể kiểm soát người lao động”.
Thế nhưng, thủ phạm thực sự là tỷ giá. Đồng Nhân dân tệ đã tăng hơn 10% so với USD kể từ tháng 6/2020 và hiện đang dao động quanh mức 6.48 đổi 1 USD. Đà tăng giá của Nhân dân tệ đã bào mòn lợi nhuận khi phần lớn nhà xuất khẩu nhận thanh toán bằng USD, nhưng sau đó phải trả bằng Nhân dân tệ cho nhà cung ứng và nhân viên.
Với khoảng chênh tới 3 tháng giữa thời điểm lập hóa đơn cho tới thời điểm thanh toán, nhiều nhà xuất khẩu chứng kiến lợi nhuận biến mất như mây khói khi mà giá USD suy giảm.
“Tôi thật sự lo ngại”, Feng cho biết. “Tôi vui cho đất nước khi kinh tế phục hồi mạnh mẽ, nhưng đồng Nhân dân tệ mạnh thật sự là thảm họa với nhà xuất khẩu”. Ông hiện đang phải bán lỗ một số sản phẩm và dự định nâng giá trong năm nay.
Tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp thường sẽ chậm lại khi đồng Nhân dân tệ tăng giá hơn 6.5% so với USD, theo một nghiên cứu của Standard Chartered Plc.
Tỷ giá Nhân dân tệ so với USD
|
Nếu các nhà xuất khẩu nâng giá hàng hóa bằng USD để đối phó với đà tăng của Nhân dân tệ thì có thể kéo giảm nhu cầu đối với hàng hóa của họ. Tuy vậy, nếu chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, họ sẽ không có tiền để mở rộng công suất. Một thước đo về khoản đầu tư của các nhà sản xuất tại Trung Quốc đã giảm hơn 2% trong năm 2020.
Trong bối cảnh Bắc Kinh kìm hãm các khoản đầu tư bất động sản trong năm nay, họ cần phải thúc đẩy các nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Càng làm tình hình thêm tệ, các đợt giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ trong năm 2020 sắp hết hạn trong vài tháng nữa.
Tuy vậy, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có một lợi thế. Thậm chí, nếu họ nâng giá hàng hóa, những người mua hàng có thể buộc phải chấp nhận khoản tăng giá vì họ gần như chẳng có phương án thay thế.
“Không như Trung Quốc, các quốc gia khác vẫn đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch”, Antony Hung, Giám đốc kinh doanh tại Dicheng Technology ở Hàng Châu – vốn xuất khẩu tủ phòng tắm tới Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Trung Đông, cho hay. “Đại dịch có tác động tích cực đối với Trung Quốc trong dài hạn, vì chúng tôi đã cho thấy sự đáng tin cậy hơn so với các quốc gia đối thủ như Ấn Độ”.
Nhân viên tại nhà máy Dicheng Technology
|
Sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ hỗ trợ nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu điều đó tiếp tục làm gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc, Nhân dân tệ sẽ giữ giá ở mức cao hoặc thậm chí tăng giá và “lạm phát sẽ được chuyển sang phần còn lại của thế giới”, theo các chuyên viên phân tích tại Pantheon Macroeconomics. “Áp lực lạm phát trong vài năm tới nhiều khả năng sẽ rất lớn”.
Bất chấp áp lực từ tỷ giá, tăng trưởng xuất khẩu nhiều khả năng vẫn mạnh giữa lúc việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ giúp củng cố sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu.
“Đà hồi phục về nhu cầu toàn cầu có thể lấn át tác động từ đồng tiền mạnh”, Qu Hongbin, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại HSBC Holdings, nhận định. Ông dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Trung Quốc sẽ tăng 7.9% so với cùng kỳ.
Yếu tố cần nhiều thời gian hơn để giải quyết là những rắc rối trong ngành logistic toàn cầu, trong đó các nhà xuất khẩu dự báo sẽ kéo dài tới hết năm 2021. Các doanh nghiệp không thể tiếp cận tới container đủ nhanh và tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng ở các cảng biển quan trọng trên thế giới vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
“Container mà chúng tôi sử dụng để xuất khẩu đã bị kẹt ở nơi khác và không thể trở về kịp lúc, vì đại dịch đang rất trầm trọng ở nước ngoài và các thủ tục cần thiết từ thông qua hải quan và logistics cho tới lưu trữ đang rất kém hiệu quả”, Mark Ma, Chủ sở hữu của Seabay International Freight Forwarding có trụ sở ở Thâm Quyến – một công ty vận chuyển hàng hóa được bán trên các nền tảng như Amazon.com, cho hay.
Tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu
|
Mặc dù chi phí vận tải biển thường do nhà nhập khẩu chi trả, nhưng tình trạng hỗn loạn hiện tại đã buộc một số nhà máy Trung Quốc phải cắt giảm giá để duy trì tính cạnh tranh.
“Tại thời điểm này, chi phí vận chuyển chiếm hơn 20% tổng chi phí”, Alex Li, Giám đốc kinh doanh tại một công ty ở Hàng Châu, cho hay.
Và nếu những yếu tố kể trên chưa đủ làm nản lòng các nhà xuất khẩu, thì vẫn còn đó những rủi ro liên quan tới tình hình chính trị toàn cầu.
Tại quê nhà, Bắc Kinh báo hiệu muốn giảm sự lệ thuộc vào hoạt động xuất khẩu như một phần của chiến lược “lưu thông kép” (dual circulation). Điều này cho thấy họ có thể không hỗ trợ các nhà xuất khẩu có công nghệ thấp. Ở thị trường thế giới, cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng đã gây tác động tới niềm tin của các nhà sản xuất và chính quyền mới của Joe Biden báo hiệu sẽ mang cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc so với thời của Barack Obama.
“Bạn không biết các chính sách quốc tế sẽ thay đổi ra sao”, Hung cho biết. “Sau kỷ nguyên điên rồ của Donald Trump, chúng tôi rút ra bài học rằng các chính sách nước ngoài có thể thay đổi nhanh chóng”.
Trong khi đó, ông Hung sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tác động tới tất cả ngành công nghiệp của Trung Quốc, đó là dịp lễ Tết Nguyên Đán. Đây là giai đoạn người lao động thường trở về quê nhà để ăn tết. Giữa lúc ca nhiễm Covid-19 nổi lên ở một số khu vực của Trung Quốc, các chủ nhà máy lo ngại người lao động có thể không sẵn lòng hoặc không thể trở lại sau dịp lễ, từ đó gây ra sự trì hoãn trong việc thực hiện đơn hàng.
“Nếu người lao động bị phong tỏa, họ chỉ có thể trở lại sau đó”, Hung cho biết. Công ty của Hung đã quyết định tuyển dụng lao động tạm thời từ các nhà máy khác với mức tiền lương cao hơn và phải cho họ ở khách sạn để duy trì dây chuyền sản xuất.
“Tuyển dụng người lao động tạm thời có chi phí cao hơn nhiều, nhưng nếu có thể xuất khẩu hàng hóa trước và không bị tác động bởi tỷ giá, chúng tôi sẽ kiếm được lợi nhuận cao hơn”, ông nói. “Chúng tôi đang chạy đua với tỷ giá”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|