Ngành gạo không chờ "ăn may"
Năm 2021, ngành gạo tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực nhưng để nâng vị thế của gạo Việt cần phải đầu tư sản xuất bền vững.
Giữa bối cảnh nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều thị trường vẫn cao, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ghi nhận đà tăng sau một năm 2020 thành công với giá trị xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD, giảm nhẹ về sản lượng (3%) nhưng tăng đáng kể về giá trị (10%). Đây là cơ hội để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển theo chiều sâu, đầu tư nâng chất lượng và thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Hợp đồng nối tiếp hợp đồng
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), năm 2020, ngành gạo "toàn thắng" khi cả doanh nghiệp (DN) và nông dân đều có lãi. "Trong đó, nông dân lãi ít nhất 40% do cả 3 vụ lúa đều được mùa, được giá. Năm 2021 dự báo tình hình vẫn khả quan, hiện giá gạo trắng thường 5% tấm giá xuất khẩu hơn 510 USD/tấn, gạo thơm 620 - 650 USD/tấn, trong khi giá gạo trung bình của năm 2020 gần 500 USD/tấn. Công ty chúng tôi đã có đủ hợp đồng giao tháng 1 và đang ký tiếp các hợp đồng giao trong tháng 2" - ông Đôn thông tin.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng đánh giá 2020 là năm thành công chưa từng có của ngành lúa gạo. "Hiện giá gạo thường xuất khẩu của Việt Nam đã lên hơn 510 USD/tấn, mức cao nhất trong 10 năm qua. Trước mắt, ngành gạo Việt Nam vẫn tranh thủ thời cơ để sản xuất, xuất khẩu với sản lượng 6-7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tương lai sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm vì nhìn chung, hiệu quả canh tác lúa gạo không bằng những cây trồng khác. Nhiều diện tích canh tác lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang cây màu hoặc cây ăn trái" - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), dự báo giá gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục ở mức cao do các thị trường mua chính như Philippines, Malaysia, châu Phi vẫn chưa đủ cho nhu cầu. "Những thị trường này người tiêu dùng đòi hỏi gạo chất lượng cao hơn, là loại gạo mà Việt Nam đang cung ứng. Trong khi đó, gạo Ấn Độ, Pakistan còn tồn kho lớn, giá rẻ (gạo 25% tấm giá chỉ 400 USD/tấn, gạo 5% tấm 470 USD/tấn) nhưng không phải phân khúc cạnh tranh với gạo Việt Nam. Một số thương nhân Việt Nam nhập loại gạo này để dùng cho chế biến bột gạo, bún, bánh, phở…" - ông Thành phân tích.
Theo kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Liên minh châu Âu (EU), gạo thuộc nhóm sản phẩm dự báo có nhu cầu lớn. Nguyên nhân là vào cuối năm 2020, một số quốc gia ở EU như Pháp, Đức, Anh, Bỉ… bắt đầu tiến hành phong tỏa nên nhu cầu mua lương thực để nấu tại nhà tăng lên. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng bão lũ từ các quốc gia sản xuất lúa gạo nhiều và nhu cầu tăng lên khi người tiêu dùng tăng mua có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu gạo của khu vực này trong thời gian tới. Do đó, các DN cần tận dụng để khai thác lợi thế kép từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và bối cảnh thị trường mới.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch vụ lúa cuối năm khi giá lúa khá cao. Ảnh: CA LINH
|
Tăng gạo "ngàn đô"
Là DN đã xuất khẩu được gạo sang EU, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) tiếp tục gia tăng sản lượng sang thị trường này bằng việc mở rộng vùng nguyên liệu. "Nhờ thuế quan trong hạn ngạch dỡ bỏ, gạo Việt có thêm lợi thế tại EU. Đầu năm, chúng tôi đã có những hợp đồng xuất khẩu gạo chất lượng cao với giá 1.050 USD/tấn, riêng gạo có dược tính như tím thơm, có giá hơn 1.500 USD/tấn. Vụ lúa đông xuân này, chúng tôi liên kết với nông dân trồng 1.400 ha lúa tại Kiên Giang và Cần Thơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất để bảo đảm gạo không có dư lượng thuốc. Như vậy, Công ty Trung An sẽ có nguyên liệu gạo sạch, đáp ứng cho các thị trường cao cấp, không chỉ riêng EU. Chúng tôi cam kết năng suất tối thiểu cho nông dân là 8 tấn lúa/ha, với chi phí đầu tư khoảng 22 triệu đồng/ha và giá lúa hiện nay 6.000 đồng/kg, nông dân có thể lãi hơn 100%. Không chỉ hiệu quả kinh tế cao, việc 1.400 ha lúa không dùng thuốc bảo vệ thực vật góp phần gìn giữ sức khỏe cho nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái tại đây" - ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết.
Theo ông Phạm Thái Bình, cần nhìn nhận sự thành công của ngành gạo trong năm qua có yếu tố chủ quan là do Việt Nam đã từng bước tái cơ cấu theo hướng nâng chất lượng và tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác. "Trong thành công đó vẫn có phần lớn từ yếu tố khách quan, nhu cầu thị trường tăng cao bởi tác động của dịch Covid-19. Sang năm 2021, dịch Covid-19 vẫn còn nhưng các thị trường đã có sự chuẩn bị ứng phó. Do đó, các DN cần tiếp tục đầu tư tập trung theo hướng bền vững từ vùng nguyên liệu gắn với chế biến và theo tín hiệu thị trường để không quay lại cảnh bấp bênh như những năm trước" - ông Bình đề xuất.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Viện phó Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
"Chúng ta nên hình thành CLB "ngàn đô" (1.000 USD/tấn) cho những loại gạo ngon Việt Nam đã có giải thưởng quốc tế để xây dựng thương hiệu gạo cho quốc gia. Hiện chúng ta đã có gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 (năm 2020 giải nhì), gạo Lộc Trời 28 (tên thương mại Thiên Vương) giải nhất phân khúc gạo thơm năm 2018 trong Hội nghị Thương mại Gạo đại lục được tổ chức tại Trung Quốc. Đây là những giống thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu do khả năng phát triển tốt trên đất luân canh lúa - tôm nước lợ, cho ra gạo ngon cơm hơn gạo trồng trên đất phù sa. Khi ĐBSCL xâm nhập mặn nhiều, diện tích đất phù hợp cho những giống lúa ngon này ngày càng mở rộng. Mỗi năm, Thái Lan xuất khẩu cả triệu tấn gạo đặc sản Hom Mali với giá xấp xỉ 1.000 USD/tấn. Hai giống gạo trên của Việt Nam đều từng thắng gạo Hom Mali Thái Lan trong cuộc thi nên có thể thay thế, đặc biệt với nhóm người tiêu dùng là người Việt ở nước ngoài" - PGS-TS Dương Văn Chín nói.
Kỳ vọng 40% gạo Việt xuất khẩu có thương hiệu
Theo dự thảo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ đi theo hướng giảm diện tích canh tác nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Dự kiến năm 2030, Việt Nam chỉ còn 3,5 triệu ha đất lúa (hiện nay là 3,8 ha), xuất khẩu gạo tập trung vào phân khúc chất lượng cao và giá trị cao nên sản lượng dự kiến 4 triệu tấn/năm. Trong đó, hơn 40% gạo Việt Nam sẽ có thương hiệu (gắn logo Vietnam Rice) từ thực trạng chưa có lô gạo nào được gắn logo này của năm 2020. Theo các DN, ngoài logo chung của quốc gia, các DN đang từng bước xây dựng thương hiệu riêng. Nhiều DN đã xuất khẩu gạo túi nhỏ (1 kg, 2 kg, 5 kg) để đưa thẳng lên kệ siêu thị nước ngoài thay cho việc gạo đóng bao lớn 50 kg dạng xá. Để xây dựng thương hiệu, các DN bắt buộc phải đầu tư vùng nguyên liệu để kiểm soát được chất lượng. Hiện ĐBSCL tỉ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất đến tiêu thụ chỉ mới đạt 10%, mục tiêu của Việt Nam vào năm 2030 là nâng tỉ lệ này lên 50%.
|
NGỌC ÁNH
Người lao động
|