Hồi kết của đặc quyền USD và lối thoát cho kẻ nghiện
“Đặc quyền tối thượng” là tên gọi mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard d’Estaing (sau trở thành Tổng thống) đặt ra về vị thế của đồng đô la vào thập niên 1960. Nước Mỹ đã tận dụng vị trí đặc quyền đôla như đồng tiền dự trữ thống trị, được chu chuyển tự do phần còn lại của thế giới để mở rộng cuộc sống ngày càng nâng cao của người dân Mỹ với cái giá phải trả của các quốc gia.
Mối quan hệ giữa sự sụp đổ tiết kiệm và thâm hụt tài khoản vãng lai
Nhưng Stephen Roach của Yale University và nguyên là chủ tịch Châu Á của Morgan Stanley, vừa có bài phân tích trên tờ Financial Times khi đặt câu hỏi về khả năng dẫn đến sự chấm dứt đặc quyền của đồng đô la. Một vụ đổ vỡ của đồng đô la có khả năng xảy ra và nó có thể giảm giá tới 35% vào cuối năm 2021, theo Stephen Roach.
Vị thế thống trị của đồng USD ngày càng bị đe dọa
|
Lý do, đó là do tương tác qua lại giữa sự sụp đổ nhanh chóng trong tiết kiệm nội địa (ròng) và thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng mở rộng. Chẳng hạn, trong quý II-2020, tiết kiệm nội địa lần đầu tiên rơi vào vùng âm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tiết kiệm nội địa trên GDP ở mức âm 1,2% trong quý II, giảm thêm 4,1 phần trăm so với quý đầu tiên, mức giảm kỷ lục cao nhất hàng quý kể từ năm 1947. Thiếu hụt tiết kiệm tất nhiên dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai.
Thiếu hụt tiết kiệm, trong khi lại đặt tham vọng phát triển với các khoản đầu tư khổng lồ, nước Mỹ phải sử dụng tối đa đặc quyền đồng đô la để vay mượn các khoản tiết kiệm thặng dư từ nước ngoài. Nó đã đẩy thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới mức âm 3,5% GDP trong quý II, giảm thêm 1,4% so với quý đầu và cũng là sự xấu đi mạnh nhất tính theo quý như đã từng thấy vài thời điểm trước đây.
Một sự bùng nổ trong thâm hụt ngân sách liên bang mà nước Mỹ sử dụng để tài trợ cho hậu quả của đại dịch Covid-19, kết hợp với mối quan hệ ngày càng xấu giữa đổ vỡ trong tiết kiệm nội địa và thâm hụt cán cân vãng lai khiến cho tình hình ngày càng xấu đi.
Ngân sách Mỹ bùng nổ quá mạnh giai đoạn đại dịch khiến tỷ lệ tiết kiệm nội địa trung bình giai đoạn 2011-2019 chỉ đạt 2,9% GDP, chưa đến một nửa mức trung bình 7% giai đoạn 1960-2005. Mức tiết kiệm quá mỏng này càng khiến nước Mỹ dễ bị tổn thương bởi bất kỳ cú sốc nào, đặc biệt là Covid-19.
Thâm hụt ngân sách với các khoản nợ nần chồng chất đến hạn trả nợ trong những năm tới càng làm cho tình hình tệ hơn, với cái giá phải trả là mức sụt giảm mạnh hơn nữa trong tiết kiệm nội địa và tài khoản vãng lai. Ước tính mới nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho thấy thâm hụt ngân sách liên bang có thể đạt mức 16% GDP năm 2020.
Một điều chắc chắn rằng đà thâm hụt này khó lòng giảm bớt trong những năm sắp tới. Và tất nhiên nó sẽ tạo sức ép đẩy tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Mỹ đi sâu hơn nữa vào vùng âm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau khi dành phần khấu hao để tái đầu tư cho tài sản dài hạn và cơ sở hạ tầng, nước Mỹ xem như không còn bao nhiêu tiết kiệm nội địa để đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.
Không tiếp tục vay mượn tiết kiệm thặng dư từ nước ngoài là một nhiệm vụ bất khả thi. Thâm hụt tài khoản vãng lai vì vậy chỉ ngày càng thêm mở rộng như là một hệ lụy tất yếu. Khi đó đồng đô la ắt hẳn sẽ mất dần đi đặc quyền tối thượng.
Đặc quyền tối thượng của đồng đô la đến hồi kết?
Với việc vị thế đồng đô la trong tư cách đồng tiền dự trữ của thế giới ngày càng bị xói mòn kể từ năm 2008, các nhà tài trợ nước ngoài đòi hỏi một “phần thưởng” xứng đáng để họ có thể tài trợ cho các khoản thâm hụt khổng lồ của nước Mỹ.
Hai kênh lãi suất và tỷ giá đóng vai trò lớn trong quá trình điều chỉnh để dẫn đến sự cân bằng này. Đối với lãi suất, điều không may cho các nhà đầu tư nước ngoài là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt mục tiêu lạm phát trung bình thay vì một con số cụ thể (2%) như trước. Lãi suất đồng đô la vì vậy hầu như ở mức cận 0% trong nhiều năm nữa.
Điều này cũng có nghĩa việc điều chỉnh qua kênh lãi suất xem như đóng lại. Vậy thì chỉ còn cách đồng đô la tiếp tục yếu đi để hỗ trợ cho thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai ngày càng thêm mở rộng.
Nhưng điều chỉnh qua kênh tỷ giá hầu như bất khả thi. Lý do bởi vì giá trị cao chót vót của đồng đô la càng khiến nó dễ bị tổn thương. Bất chấp những đợt giảm giá gần đây, tỷ giá thực hiệu lực (REER) đồng đô la vẫn ở mức cao khoảng 27% so với đỉnh thấp gần nhất vào tháng 7-2011.
Tổng thống Trump muốn một đồng đô la yếu đi thì nó lại mạnh lên; trong khi ông muốn đồng nhân dân tệ mạnh lên thì nó lại có xu hướng yếu đi. Thất bại trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc càng khiến cho nước Mỹ rơi vào vòng xoáy thâm hụt tài khoản vãng lai chưa từng có (lối thoát).
Nước Mỹ muốn phình to vô giới hạn thâm hụt nợ công, trong khi mối quan hệ xấu đi giữa tiết kiệm nội địa và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng trầm trọng. Điều gì sẽ xảy ra? Cái gì không thể đi tiếp, nó sẽ phải dừng lại.
Quá trình này đang diễn ra trong bối cảnh một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy với vị thế đồng nhân dân tệ đang ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế. Chưa hết, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ rơi vào vùng âm càng làm cho vàng và các đồng tiền kỹ thuật số đang trở thành một tài sản an toàn thay thế. Nước Mỹ xem ra ngày càng khó sử dụng đặc quyền đô la để vay nợ nước ngoài.
Đề xuất cho những ai lỡ “nghiện” đô la
Đồng đô la luôn được hưởng lợi từ sự hấp dẫn bởi nét đẹp quyến rũ khó cưỡng. Nhưng giờ nó đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Chỉ số đô la (dollar index) giảm hai lần ở mức 33% theo giá trị thực trong thập niên 1970 và giữa thập niên 1980 và giảm lần thứ ba 28% trong giai đoạn 2002-2011.
Trong suốt ba giai đoạn đó, tỷ lệ tiết kiệm nội địa trung bình vẫn là 4,9%, (so với mức âm 1,2% hiện tại) và thâm hụt tài khoản vãng lai âm 2,5% GDP (so với mức âm 3,5% hiện tại). Việc Mỹ sử dụng quá đáng đặc quyền đồng đô la, càng khiến cho nó dễ bị tổn thương trước bất kỳ một sự điều chỉnh mạnh nào trong tương lai.
Vị thế đặc quyền của đồng đô la liệu kết thúc? Có thể lắm. Nhưng khi nào? Bởi những cảnh báo trên đã xuất hiện từ lâu nhưng vị thế của đồng đô la đến giờ vẫn còn đứng vững. Trong bối cảnh siêu bất định của thế giới ngày nay, khi mà các quốc gia đang phải đương đầu với cuộc đại khủng hoảng y tế-kinh tế chưa từng có, đồng đô la Mỹ và các tài sản an toàn bằng đô la là trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn được xem như chiếc áo ít lấm lem mực nhất.
Tấm hoàng bào của vị vua đô la tuy vấy chút ít bẩn nhưng vẫn sáng lung linh và nguy nga. Vị thế đặc quyền tối thượng của đồng đô la liệu đến hồi kết? Câu trả lời vẫn còn bất định.
Trong bối cảnh bất định, trong khi vẫn giữ tỷ giá USD/VNĐ ổn định để tránh những xáo trộn tâm lý thị trường, Việt Nam vẫn cần phải dần hướng đến một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn nữa. Đặc biệt cần phải thoát dần khỏi những bất ổn đến từ việc một nước Mỹ sử dụng đặc quyền quá mức đồng đô la (thị trường vàng trong nước nổi sóng vì những bất ổn của đồng đô la là một ví dụ).
Đó cũng là cách để thoát khỏi việc nước Mỹ có thêm đặc quyền quy chụp các nước thao túng tiền tệ theo những tiêu chuẩn cực kỳ mơ hồ.
TRẦN QUỐC BẢO, Chuyên gia Kinh tế
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|