Thị trường tài chính "thắt dây an toàn"
Như thường lệ, vào tháng cuối cùng của năm là thời điểm các ngân hàng đầu tư lớn, trung tâm nghiên cứu chiến lược công bố những nhận định của mình về sức khỏe của nền kinh tế và thị trường tài chính trong năm tới. Vậy năm 2021 có gì đặc biệt?
TTCK định giá quá cao
Trải qua năm 2020 quá đặc biệt, các tổ chức này đều lạc quan ở sự phục hồi nền kinh tế theo quy luật “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Có điều, lời khuyên chung từ các báo cáo là nhà đầu tư cần thắt dây an toàn vì thị trường đang chạy ở tốc độ cao, rất có thể nguy hiểm khi vận tốc thay đổi đột ngột.
Thị trường chứng khoán (TTCK) thường được dùng để phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Khi đại dịch bùng phát, 2 chỉ số quan trọng của TTCK Mỹ là SP500 và Nasdaq đã giảm lần lượt 33% và 30% trong giai đoạn 19-2 đến 23-3. Nhưng điều kỳ lạ là sau đó thị trường dường như đường ai nấy đi với nền kinh tế.
Cụ thể, so với thời điểm đáy ngày 23-3, SP500 đã tăng 60%, Nasdaq tăng 85% và cả 2 cùng liên tục lập đỉnh mới.
Lý giải cho điều này là do chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) đã mạnh tay hào phóng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ và EU. Bảng cân đối tài sản của các NHTW tăng kỷ lục, nhiều chính phủ không dè chừng thâm hụt ngân sách để nhằm mục đích vực dậy nền kinh tế.
Thêm vào đó, nhiều hộ gia đình, nhất là nhóm có thu nhập cao ổn định, không chi tiêu nhiều do phong tỏa, đã gia tăng đáng kể số tiền tiết kiệm.
Bên cạnh lượng tiền bơm ào ạt, lãi suất quá thấp cũng khiến các quỹ đầu tư phải cân đối lại danh mục, giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu để chuyển sang các loại tài sản khác, trong đó có cổ phiếu, hay thậm chí là tiền mã hóa. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ phong tỏa tăng mạnh, chiếm tỷ trọng khá lớn trong các chỉ số cũng đã phần nào lý giải hiện tượng này.
Nhiều nhà đầu tư, chuyên gia bắt đầu cảnh báo TTCK đang được định giá quá cao. Nếu căn cứ theo chỉ số định giá của tỷ phú Buffett, so sánh giữa vốn hóa của thị trường và GDP, hiện nay chỉ số đã vượt mức chuẩn 75%, hơn hẳn mức 71% thời kỳ bùng nổ internet năm 2000 và sau đó thị trường bị vỡ bong bóng.
Cần kế hoạch quản trị rủi ro phù hợp
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích khá lạc quan với triển vọng kinh tế 2021. Dự báo của Goldman Sachs cho rằng GDP của Mỹ sẽ tăng 5,3%, Trung Quốc tăng 8% và Eurozone sẽ tăng 5,5% trong năm tới.
Các thông điệp cảnh báo vẫn được gửi đến nhà đầu tư là cần thắt dây an toàn, vì một số tai nạn có thể bất ngờ xảy ra khi cỗ xe đang ở vận tốc lớn. Thị trường cổ phiếu đang được định giá quá cao, nếu điều gì bất lợi xảy ra nhiều khả năng thị trường sẽ rơi tự do.
|
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NHTW châu Âu (ECB) tiếp tục duy trì lãi suất thấp, các gói kích cầu ngàn tỷ USD và lạm phát mục tiêu được linh động tính trung bình, thì hy vọng của nhà đầu tư vẫn còn tràn trề.
Trong trường hợp lạc quan, tổ hợp đầu tư Goldman Sachs dự tính chỉ số SP500 sẽ tăng 16%, vàng sẽ đạt mức 2.300USD/ounce và dầu thô sẽ đạt 63USD/thùng. Các nhà phân tích cũng tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với dự đoán tăng trưởng của khu vực này trên 7% trong năm 2021.
Tuy vậy, các thông điệp cảnh báo vẫn được gửi đến nhà đầu tư là cần thắt dây an toàn, vì một số tai nạn có thể bất ngờ xảy ra khi cỗ xe đang ở vận tốc lớn. Theo Jim O’neill, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh và cũng là cựu Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management, thị trường cổ phiếu đang được định giá quá cao, nếu điều gì bất lợi xảy ra nhiều khả năng thị trường sẽ rơi tự do, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ đang ở tình trạng nóng.
Rủi ro thứ 2 có thể xảy ra là việc các chính phủ sẽ siết chặt hơn các tập đoàn công nghệ trong vấn đề chống độc quyền hay chống xói mòn thuế, như EU đang muốn áp dụng chính sách thuế mới với GAFA. Các nhà hoạch định chính sách khi thấy nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhất là sự trở lại của nhóm cổ phiếu chu kỳ như du lịch, nhà hàng, hàng không, hàng tiêu dùng không thiết yếu thì rất có thể siết lại các chính sách tiền tệ và tài khóa hào phóng như hiện nay.
Rủi ro thứ 3 là giá trị của đồng USD. Dù sẽ có những biến động tăng giảm nhưng khả năng giảm sẽ nhiều hơn. Đồng USD mất giá không chỉ tác động đến thương mại giữa Mỹ và các đối tác, mà còn có thể làm tăng thị trường hàng hóa (commodity markets), ảnh hưởng nhiều nhất đến các nền kinh tế đang phát triển.
Rủi ro thứ 4 và có lẽ quan trọng nhất là hiệu quả của vaccine. Mặc dù việc triển khai chích ngừa đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, nhưng diễn biến mới đây về biến thể của virus ở Anh đã khiến sự bất định gia tăng trở lại. Nếu vaccine không được hiệu quả như mong đợi, khả năng phục hồi của nền kinh tế theo hình chữ V cũng khó xảy ra. Khi đó, TTCK cũng khó đi ngược hướng với nền kinh tế mãi được.
Cũng chính vì vậy, các báo cáo đều có lời khuyên chung, các nhà đầu tư cần chủ động theo dõi thường xuyên danh mục của mình, chuẩn bị kế hoạch quản trị rủi ro phù hợp, nhất là đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Dẫu biết vậy, nhưng khi nhạc còn mở rất nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục cuộc vui. TTCK là kỳ vọng của giá trị tương lai, và phần thưởng chỉ dành cho những ai chọn đúng thời điểm, có điều không biết được bao nhiêu phần trăm trong đó là may mắn.
TS.Võ Đình Trí
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|