Thứ Năm, 21/01/2021 10:43

Foxconn và niềm tin của các tập đoàn công nghệ với Việt Nam

Chuyên gia nhận định việc Foxconn xây dựng dây chuyền sản xuất Ipad và MacBook tại Bắc Giang cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam.

* Dự án Foxconn và lời nhắc 'đón đầu cơ hội' của Thủ tướng

* Foxconn sẽ sản xuất Macbook, iPad của Apple tại Bắc Giang

Ngày 18/1, Foxconn được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất 8 triệu Ipad và MacBook mỗi năm tại Bắc Giang. Tổng vốn đầu tư của dự án là 270 triệu USD. Tính đến tháng 12/2020, tổng vốn đầu tư tại Việt Nam của Foxconn đạt 1,5 tỷ USD và dự kiến năm 2021, tập đoàn sẽ đầu tư thêm khoảng 700 triệu USD vào tỉnh Bắc Giang.

Các chuyên gia cho rằng đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Không riêng Foxconn, năm 2020 được đánh giá là một năm khá sôi động với sự tham gia của một loạt những cái tên lớn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ, điện tử vào thị trường Việt Nam.

Đại gia công nghệ đua nhau đến Việt Nam

Trong ngày 18/1, tỉnh Bắc Giang cũng trao giấy phép đầu tư cho 3 dự án khác gồm dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment Limited (Hong Kong), dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), nâng tổng số vốn đăng ký của 4 dự án mới lên gần 570 triệu USD. Các dự án này đều sản xuất các thiết bị liên quan tới lĩnh vực điện, điện tử.

Apple sản xuất iPad, Macbook ở Việt Nam ảnh 1
Một nhà máy của Samsung tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NoiPicture.

Trước đó, tháng 9/2020, Panasonic bắt đầu ngừng sản xuất máy giặt và tủ lạnh tại nhà máy ở Bangkok (Thái Lan) và chuyển giao mảng sản xuất này cho nhà máy Panasonic Appliances Việt Nam (PAPVN) đặt tại Đông Anh (Hà Nội) và nhà máy PAPVN đặt tại Hưng Yên.

Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu về sản xuất của thương hiệu điện tử hàng đầu Nhật Bản với mục tiêu tìm kiếm địa điểm có giá thuê đất rẻ, chi phí nhân lực thấp và nhu cầu sử dụng các sản phẩm gia dụng điện tử cao.

Bên cạnh đó, hồi đầu năm, hãng trò chơi điện tử Nintendo chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite tại Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang Việt Nam.

Riêng với Samsung, tính đến năm 2020, đây là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 17,36 tỷ USD. Tập đoàn Hàn Quốc có 2 nhà máy sản xuất điện thoại, thiết bị di động tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, Tổ hợp nhà máy tại khu công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC)…

Samsung Việt Nam cũng đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Trong vài năm trở lại đây. Việt Nam đã đón nhận một loạt nhà đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn trên toàn cầu như Canon, Microsoft, Nokia, Intel, LG, Samsung và nay Foxconn.

Điều này cho thấy làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan... vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Foxconn sẽ kéo nhiều nhà cung ứng đến Việt Nam

Trao đổi với chúng tôi, bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường Việt Nam của JLL, đánh giá việc Foxconn mở nhà máy sản xuất Ipad và MacBook tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đến chuỗi cung ứng tại Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ.

Apple sản xuất iPad, Macbook ở Việt Nam ảnh 2
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL. Ảnh: JLL.

Bà Trang ví những doanh nghiệp như Foxconn là "ong chúa". Sự di chuyển của họ sẽ kéo theo hàng trăm cho đến hàng nghìn "ong thợ".

Bà Trang cũng nói đến triển vọng Foxconn sẽ hợp tác với các nhà cung cấp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất thiết bị công nghệ cao này.

"Các nhà sản xuất như Foxconn cũng sẽ nhìn Việt Nam bằng con mắt khác", bà Trang đánh giá.

Có cùng quan điểm, ông David M. Jackson, Tổng giám đốc Colliers International Việt Nam, cho rằng quyết định của Foxconn cho thấy niềm tin vào năng lực của Việt Nam, bao gồm các yếu tố như sự ổn định chính trị, niềm năng phát triển, đà tăng trưởng, cơ sở hạ tầng hay chất lượng nguồn nhân lực.

"Quyết định của nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã chứng tỏ vị trí nổi trội của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác trong khu vực", ông nói.

Vị này nhấn mạnh việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc có nhà máy lắp ráp Ipad. Rất nhiều tập đoàn hàng đầu khác cũng đã và đang chọn Việt Nam làm nơi xây dựng các nhà máy quy mô của họ và phục vụ cho mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Việt Nam là lựa chọn phù hợp nhất"

Theo phân tích của ông David M. Jackson, Việt Nam có 65% dân số dưới 35 tuổi và lực lượng lao động trẻ này rất nhanh nhạy với công nghệ, rất sáng tạo. Samsung và một số tập đoàn lớn khác rất thành công tại đây đã chứng minh cho sự đúng đắn về tầm nhìn chiến lược của họ. Trong khi chi phí nhân công vẫn còn tương đối “dễ chịu”.

Việt Nam cũng có lực lượng kỹ sư chuyên môn tốt và lao động ngày càng được nâng cao tay nghề do tiếp xúc thương xuyên với công nghệ, phương thức sản xuất mới.

Apple sản xuất iPad, Macbook ở Việt Nam ảnh 3
Ông David M. Jackson, Tổng giám đốc Colliers International Việt Nam. Ảnh: CI.

Ông David M. Jackson cũng nhắc đến các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ có vai trò xuyên suốt và quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như quá trình sản xuất tại đây.

Cùng với đó, vị trí chiến lược của Việt Nam, gần với thị trường khổng lồ của Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển năng động trong khu vực, thuận lợi về giao thương đường biển hay đường hàng không, cũng là ưu thế rõ rệt.

"Việt Nam là lựa chọn phù hợp nhất nếu xét về tổng hòa nhiều yếu tố, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 thành công", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, hệ thống các khu công nghiệp và ngành logistic đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Mới đây, một khu công nghiệp ở Bắc Ninh đã cho phủ sóng mạng 5G. Hệ thống các khu công nghiệp cũng đang từng bước áp dụng các quy trình quản trị hiện đại, tối ưu hóa các nguồn lực và thân thiện với môi trường.

Ông đánh giá ngành logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhiều năm gần đây đạt 12-14% và có thể đứng ở vị trí số 3 Đông Nam Á. Nhiều dự án giao thông lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc - Nam hay sân bay Long Thành sẽ mở ra nhiều triển vọng hơn nữa.

Apple sản xuất iPad, Macbook ở Việt Nam ảnh 4
Sự dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn như Foxconn sẽ thu hút một số lượng lớn các doanh nghiệp trong ngành công việc phụ trợ. Ảnh: TL.

"Tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm tự tin 'lọc' các dự án FDI một cách toàn diện hơn, không chỉ quy mô lớn mà còn phải thân thiện với môi trường, có khả năng gắn kết và hỗ trợ với nhiều ngành sản xuất trong nước", ông Jackson đánh giá.

Các chuyên gia cũng cho rằng chính sách thu hút FDI cần lựa chọn và ưu tiên các tập đoàn lớn trong ứng dụng công nghệ đến từ các nước tiên tiến, chấm dứt việc thu hút FDI tràn lan như thời gian qua.

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và có chế tài để quản lý hoạt động của đầu tư nước ngoài trên địa bàn và xử lý nghiêm các dự án đã cấp phép nhưng không triển khai như kế hoạch.

Cứ điểm sản xuất sản phẩm Apple

Trả lời chúng tôi, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, khẳng định các đối tác của Apple như Foxconn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và nhà máy sản xuất iPad, MacBook chỉ là sự khởi đầu.

"Bắc Giang sẽ dần trở thành cứ điểm sản xuất sản phẩm Apple trên thế giới”, ông Dương nói. Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng cho biết hiện tại cả Foxconn và Luxshare đều đang kéo theo khá nhiều doanh nghiệp phụ trợ vào Việt Nam, từ đó tạo thành một mạng lưới sản xuất rộng lớn.

Thành lập KCN điện tử tập trung

Tháng 11 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo về tình hình phát triển các KCN có dự án đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử quy mô vốn từ 20 triệu USD trở lên. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu thống kê từng dự án điện tử thuộc tập đoàn hàng đầu thế giới, trong đó có cả các dự án vệ tinh tham gia cung cấp nguyên liệu, linh kiện và phụ hiện cho dự án này.

Việc rà soát này nhằm phục vụ việc xây dựng và triển khai thí điểm Đề án về thành lập các KCN điện tử tập trung để thu hút đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới và các DN trong nước đầu tư phát triển phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm điện tử chất lượng cao...

Hà Bùi

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Dịch chuyển chuỗi cung ứng năm 2021 có thể chậm (20/01/2021)

>   PETROSETCO phân phối ổn định các sản phẩm Apple trong bối cảnh khan hàng (20/01/2021)

>   Doanh nhân mong muốn, kỳ vọng gì ở Đại hội XIII? (20/01/2021)

>   Xe công nghệ đề xuất mở làn riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất (19/01/2021)

>   Nhập tôm hùm, cua hoàng đế về bán Tết (19/01/2021)

>   Vì sao Việt Nam chưa sản xuất container? (19/01/2021)

>   Thiệt hại 940 tỷ đồng tại Sadeco 'đã được khắc phục' (19/01/2021)

>   Xe "thương hiệu" khan hiếm vé Tết (19/01/2021)

>   Mối họa từ heo lậu (19/01/2021)

>   Chênh lệch 179 tỉ đồng giá nước thô ở Nhà máy nước Kênh Đông (19/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật