Thứ Ba, 19/01/2021 07:13

Chênh lệch 179 tỉ đồng giá nước thô ở Nhà máy nước Kênh Đông

Tổng số tiền chênh lệch giá nước do không áp dụng đơn giá mới của Chính phủ trong suốt hơn 5 năm ở Nhà máy nước Kênh Đông lên đến hơn 179 tỉ đồng.

Mương thủy lợi cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Kênh Đông, H.Củ Chi, TP.HCM Ảnh: HCM.IMC

Trong kết luận thanh tra tại Công ty TNHH MTV quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM vừa được công bố, Thanh tra TP.HCM thống kê tổng số tiền chênh lệch giá nước do không áp dụng đơn giá mới của Chính phủ trong suốt hơn 5 năm ở Nhà máy nước Kênh Đông lên đến hơn 179 tỉ đồng.

Nhà máy nước Kênh Đông (do Công ty CP cấp nước Kênh Đông vận hành) có công suất xử lý, cấp nước sạch 200.000 m3/ngày đêm. Để cung cấp nước sạch cho khu vực tây bắc TP.HCM, Nhà máy nước Kênh Đông lấy nguồn nước thô qua kênh thủy lợi do Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM (100% vốn nhà nước) đầu tư, vận hành.

Giá 900 đồng/m3, bán chỉ 250 đồng/m3

Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên vào năm 2006, giá nước thô được tính là 250 đồng/m3, bằng mức thấp nhất của Nghị định 143/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Đến tháng 9.2012, Chính phủ ban hành Nghị định 67 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003, trong đó quy định đơn giá cấp nước (từ nguồn tài nguyên nước thô) cho nhà máy nước sinh hoạt, chăn nuôi là 900 đồng/m3.

Khởi kiện ra tòa

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi có kết luận thanh tra, Công ty CP cấp nước Kênh Đông đã ký hợp đồng mua nước thô theo đơn giá mới trong năm 2019 và 2020. Riêng về khoản tiền chênh lệch từ tháng 7.2013 - 6.2018, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo khởi kiện Công ty CP cấp nước Kênh Đông ra tòa. Theo đó, Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM đã khởi kiện tại TAND H.Củ Chi; hiện tòa án đã thụ lý, chuẩn bị mời các bên lên làm việc trước khi đưa ra xét xử.

Cũng cần nói thêm, dự án Nhà máy cấp nước Kênh Đông thi công từ năm 2006 và hoàn thành vào tháng 7.2013. Theo Thanh tra TP.HCM, Nghị định 67/2012 có hiệu lực từ tháng 1.2013, trước thời điểm Công ty CP cấp nước Kênh Đông tiếp nhận nguồn nước để sản xuất, kinh doanh nên có cơ sở để áp dụng giá nước thô theo Nghị định 67/2012.

Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, từ năm 2014 đến nay, UBND TP.HCM liên tục có 8 văn bản chỉ đạo Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, Công ty CP cấp nước Kênh Đông, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đại diện vốn nhà nước tại Công ty CP cấp nước Kênh Đông phải thực hiện đơn giá nước 900 đồng/m3.

Về phía Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, đơn vị này đã có nhiều văn bản gửi Công ty CP cấp nước Kênh Đông đề nghị ký hợp đồng với đơn giá nước mới, nhưng các đơn vị có liên quan vẫn chưa thống nhất và chưa thực hiện được.

Thanh tra TP.HCM cho rằng việc tranh chấp đối với đơn giá nước theo Hợp đồng số 03/HĐKT ngày 8.5.2006 kéo dài từ năm 2013 đến thời điểm thanh tra (năm 2018), nhưng Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM vẫn chưa có biện pháp triệt để nhằm giải quyết tranh chấp (như tiến hành khởi kiện tại tòa án). Qua đối chiếu, số tiền chênh lệch giảm doanh thu (sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước) giữa 2 đơn giá (250 đồng/m3 và 900 đồng/m3) từ tháng 7.2013 đến ngày 30.6.2018 lên đến 179,3 tỉ đồng. “Trách nhiệm nêu trên thuộc về Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, Công ty CP cấp nước Kênh Đông, Sawaco và các đại diện vốn nhà nước tại Công ty CP cấp nước Kênh Đông tại thời điểm xảy ra vụ việc”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Từ kết quả thanh tra, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan trình phương án xử lý đối với số tiền chênh lệch giảm thu hơn 179 tỉ đồng do không thực hiện điều chỉnh áp dụng giá nước thô 900 đồng/m3.

Không ngưng cấp nước để đảm bảo “an ninh nguồn nước” ?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, cho biết kết quả thanh tra có từ năm 2018, sau đó UBND TP.HCM có chỉ đạo giải quyết vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Trong 2 năm đó, công ty đã tập trung khắc phục những tồn tại, thiếu sót, sai phạm do lỗi của công ty. Các cá nhân có sai phạm, thiếu sót cũng đã làm kiểm điểm, nhận các hình thức kỷ luật tương ứng với vi phạm, báo cáo kết quả lên cấp có thẩm quyền và Thành ủy TP.HCM; đến nay thời hiệu kỷ luật của một số cán bộ cũng đã hết.

Tài nguyên nước thô có bị “thả nổi” ?

Không chỉ bán nước thô cho Công ty CP cấp nước Kênh Đông với mức giá thấp hơn quy định, theo Thanh tra TP.HCM, Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM còn ký hợp đồng cung cấp nước thô cho Công ty TNHH Văn Thanh với đơn giá 400 đồng/m3. Cơ quan thanh tra nhận định, việc ký hợp đồng theo đơn giá này khi chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn và ý kiến của UBND TP.HCM là “chưa có cơ sở và vượt thẩm quyền”.
Ngoài ra, Xí nghiệp cấp nước (thuộc Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM) khai thác nước thô từ Kênh Đông để xử lý và kinh doanh nước sạch nhưng không trả phí 900 đồng/m3 theo quy định.
Qua kiểm tra, Thanh tra TP.HCM xác định từ năm 2016 đến tháng 6.2018, xí nghiệp đã tiếp nhận hơn 3,6 triệu m3 với tổng số tiền hơn 3,3 tỉ đồng, sau khi khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp còn lại hơn 2,8 tỉ đồng. Giữa tháng 10.2018, Chánh thanh tra TP.HCM đã ký quyết định thu hồi số tiền trên về tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP.HCM.

Liên quan đến đơn giá nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Kênh Đông, ông Đức cho rằng công ty đã cố gắng áp dụng đơn giá mới là 900 đồng/m3, nhưng không được vì có một số văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM. Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM là đơn vị thu hộ giá nước thô và nộp cho ngân sách. “Chúng tôi kêu họ thực hiện đúng quy định thì họ không thực hiện. Thế nhưng, UBND TP.HCM lại có chỉ đạo không được ngưng cung cấp nước cho Công ty CP cấp nước Kênh Đông với lý do là để đảm bảo an ninh nguồn nước”, ông Đức nói về việc không ngưng cấp nước thô khi Công ty CP cấp nước Kênh Đông không thanh toán (mức giá nước thô 900 đồng/m3 theo quy định mới) theo quy định.

Về việc Công ty CP cấp nước Kênh Đông không thanh toán đơn giá 900 đồng/m3, ông Đức còn cho biết công ty này lấy lý do UBND TP.HCM không điều chỉnh giá nước sinh hoạt kịp thời, nếu mua giá nước thô cao thì sẽ bị lỗ nên không chịu ký hợp đồng. Cụ thể, Công ty CP cấp nước Kênh Đông bán sỉ cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), mà TP.HCM không điều chỉnh giá nước sinh hoạt (đến tháng 11.2019 mới tăng) nên Sawaco cũng không điều chỉnh giá mua sỉ từ Công ty CP cấp nước Kênh Đông. Do không điều chỉnh giá mua sỉ nên Công ty CP cấp nước Kênh Đông không chịu ký hợp đồng mua nước thô theo đơn giá mới.

Về con số 179 tỉ đồng mà Thanh tra TP.HCM nêu ra, ông Đức so sánh cách tính này như “đếm cua trong lỗ” vì cho rằng, “lỗi không thuộc về công ty”. “Chừng nào doanh nghiệp ký hợp đồng mà chúng tôi không thu, để nợ dai dẳng thì mới lấy con số ra để kết luận”, ông Đức nói.

Để tìm hiểu lý do không thanh toán nước thô theo đơn giá của Nghị định 67/2012 mà kết luận thanh tra đề cập, PV Thanh Niên cũng đã liên hệ Công ty CP cấp nước Kênh Đông để làm rõ, nhưng một lãnh đạo công ty này từ chối trả lời và chỉ nói: “Kết luận thanh tra nêu thì kệ, đâu ảnh hưởng gì đâu (!?)”.

Sỹ Đông

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Chính phủ yêu cầu Hà Nội, TP HCM loại bỏ xe cũ nát (18/01/2021)

>   'Xé rào' để phát triển xe buýt mini (18/01/2021)

>   SSI Research: Ngành hàng không có thể cải thiện vào 6 tháng cuối năm 2021 (18/01/2021)

>   Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu không để máy bay 'đắp chiếu' quá 1 tháng (18/01/2021)

>   Ông Nguyễn Hữu Tín bị suy tim, lần thứ 2 hoãn tòa xử ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm (18/01/2021)

>   Foxconn sẽ sản xuất Macbook, iPad của Apple tại Bắc Giang (18/01/2021)

>   Cơ hội nào cho các doanh nghiệp ngành cơ khí trong năm 2021? (18/01/2021)

>   “Cuộc chiến áp thuế” vẫn chưa kết thúc (18/01/2021)

>   Xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Triệu tập nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương (18/01/2021)

>   Phương án tính thiệt hại 940 tỷ đồng tại Sadeco (18/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật