Doanh nghiệp ngoại thuê người Việt đứng tên hoạt động ‘vay qua app’
Tình trạng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, có cả người nước ngoài thuê trong nước đứng tên...
* Khốn khổ vì vay tín dụng đen lãi suất hơn 500% một năm
* Biến tướng cho vay ngang hàng: "Màu sắc" tín dụng đen đang dần bộc lộ
* Cuối năm, tín dụng đen lại 'cắt cổ' người vay
Nhiều dịch vụ cho vay qua app do nước ngoài làm chủ. Ảnh: M.P
|
Trước tình trạng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Bên cạnh đó, để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay qua các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (cho vay qua app), lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu với Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử. Trọng tâm là phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến; Tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng (P2P lending)...
Còn theo dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện, Việt Nam đang có khoảng 100 công ty P2P lending (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm). Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Nga, Singapore, Indonesia... và nhiều nhất là Trung Quốc.
Theo thống kê, trong một năm qua, lực lượng Công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan. Điển hình như tại TP.HCM đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 3 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm; khởi tố đối với 5 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự...
Mai Phương
Thanh niên
|