Kienlongbank thoát lỗ quý 4 nhờ thu hồi nợ từ bán cổ phiếu STB?
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) báo lãi trước thuế quý 4 gần 14 tỷ đồng, nhờ được hoàn nhập dự phòng gần 86 tỷ đồng, dù lỗ thuần hoạt động kinh doanh gần 72 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý 4, kết quả kinh doanh có tăng trưởng so cùng kỳ như thu nhập lãi thuần (+40%), lãi từ dịch vụ (+26%), lãi từ chứng khoán đầu tư (+97%)... Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong quý ghi nhận gần 324 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. Chi phí làm cho Ngân hàng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 72 tỷ đồng.
Kỳ này, Kienlongbank được hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro gần 86 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế quý 4 gần 14 tỷ đồng và gần 11 tỷ đồng.
Còn nhớ trong năm 2020, Kienlongbank đã 3 lần rao bán 176.4 triệu cp Sacombank để thu hồi nợ, nhưng bất thành. Nhiều lần rao bán thất bại khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này tăng cao tính bằng lần trong nửa đầu năm 2020. Có khả năng khoản hoàn nhập dự phòng đến từ việc Ngân hàng đã bán được lô cổ phiếu này để thu hồi nợ.
Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 156 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước. Nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 2.4 tỷ đồng, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế hơn 158 tỷ đồng và hơn 126 tỷ đồng, tăng 84% và 87% so năm trước.
Tuy nhiên, so với kế hoạch 750 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm 2020, Kienlongbank chỉ mới thực hiện được 21% chỉ tiêu.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2020 của KLB. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của KLB
|
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 12% so với đầu năm, lên mức gần 57,282 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 17% (3,500 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng nhẹ 4% (34,716 tỷ đồng).
Về phần nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng đến 28% so với đầu năm, đạt gần 42,018 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác giảm 20% (9,075 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá giảm 25% (900 tỷ đồng).
Một số chỉ tiêu tài chính của KLB tại ngày 31/12/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của KLB
|
Nợ xấu của Kienlongbank là hiện tượng nổi lên đáng quan tâm trong hệ thống ngân hàng năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ xấu nhà băng này gấp 5.5 lần đầu năm, ghi nhận 1,883 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn gấp 7.5 lần đầu năm, chiếm gần 1,782 tỷ đồng trong tổng nợ xấu.
Trong số dư nợ có khả năng mất vốn này đã bao gồm gần 1,529 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nhóm 5 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, khoản nợ xấu này đã giảm 354 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 9/2020. Rất có thể khoản nợ có khả năng mất vốn này đã được thu hồi nhờ bán được một phần số cổ phiếu STB là tài sản đảm bảo của một nhóm khách hàng.
Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2020 là 5.42%. Mặc dù cao hơn tỷ lệ 1.02% đầu năm nhưng tỷ lệ này cũng đã thấp hơn số 6.63% hồi cuối quý 3.
Chất lượng nợ vay của KLB tại ngày 31/12/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của KLB
|
Hàn Đông
FILI
|