Cần làm rõ những ai 'góp siêu tốc' 3.597 tỉ đồng vào Saigon Co.op
Ngày 26.1, nguồn tin chúng tôi cho biết Cơ quan ANĐT Công an TP.HCM vẫn đang tiếp tục điều tra vụ sai phạm trong việc bất ngờ tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng tại Saigon Co.op.
* Vì sao ông Diệp Dũng bị bắt tạm giam?
Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op chiếm lĩnh thị trường, với hàng ngàn lao động. Nếu bị tư nhân thâu tóm, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM là sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Liên quan vụ việc này, đến nay Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP.HCM mới tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với riêng ông Diệp Dũng (thi hành các quyết định này vào ngày 16.12.2020) để điều tra về tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Cụ thể, khi còn nắm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), ông Diệp Dũng đã can dự, chỉ đạo trực tiếp vào việc tăng vốn điều lệ lần thứ 9 từ 3.200 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng tại Saigon Co.op (tăng thêm 3.597 tỉ đồng, chiếm khoảng 53%). Việc tăng vốn này trước đó được Thanh tra TP.HCM kết luận là không đúng quy định pháp luật.
Kịch bản bất ngờ và 'âm thầm'
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những điểm then chốt của vụ án là khoản tiền “góp siêu tốc” 3.597 tỉ đồng mà các HTX thành viên đồng loạt góp vào Saigon Co.op chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, các HTX thành viên này trên thực tế có vốn điều lệ nhỏ, có nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ nhưng đã huy động, “góp siêu tốc” hàng trăm tỉ đồng/đơn vị.
Cũng cần phải nói rõ hơn, trong 8 lần tăng vốn điều lệ trước đó, vốn điều lệ của Saigon Co.op tăng lên đều có nguồn gốc hình thành từ chính hiệu quả kinh doanh của Saigon Co.op (không huy động bên ngoài). Các HTX thành viên được tăng vốn (vào tổng vốn điều lệ Saigon Co.op) từ chính nguồn phân phối lợi nhuận của Saigon Co.op.
HTX thương mại Thị Nghè vốn điều lệ 2,53 tỉ đồng, lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp hơn 244 tỉ đồng vào vốn điều lệ Saigon Co.op. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
|
Cụ thể, vốn điều lệ của Saigon Co.op đăng ký lần đầu tiên vào năm 1999 (10 năm khi thành lập, sau khi luật HTX ra đời) là 23 tỉ đồng (lấy số tròn), và tổng vốn góp của các HTX thành viên vào thời điểm này chỉ khoảng 1,05 tỉ đồng. Đến đầu tháng 1.2020, vốn điều lệ của các HTX thành viên tại Saigon Co.op cũng chỉ khoảng 29 tỉ đồng.
Ngoại trừ góp vốn lần đầu bằng tiền mặt (1,05 tỉ đồng vào năm 1999) thì trong 8 lần tăng vốn điều lệ đó, chưa lần nào các HTX thành viên góp vốn bằng tiền huy động thêm, và số vốn điều lệ tăng lên (29 tỉ đồng) qua hơn 20 năm, là khoản tiền được Saigon Co.op trích bổ sung (từ nguồn lợi nhuận sau thuế hằng năm) cho các HTX thành viên góp vốn điều lệ vào Saigon Co.op.
Trên thực tế, Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể có tính chất đặc thù. Xuất phát điểm của các HTX thành viên có đặc điểm vận hành nhỏ lẻ, nguồn vốn ít, được Saigon Co.op kết nạp và hỗ trợ nhiều trong quá trình hoạt động để duy trì sự tồn tại, đảm bảo tính chất đặc thù của mô hình kinh tế HTX - sở hữu tập thể, mà trong đó nguồn vốn ban đầu có sự đóng góp vốn công trợ từ ngân sách Nhà nước.
Do đó, hệ thống của Saigon Co.op hoạt động sản xuất kinh doanh từ khi hình thành luôn gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chủ trương của Thành ủy, UBND TP.HCM như điều tiết, bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh lương thực… Và Saigon Co.op với việc giữ tỷ lệ gần như tuyệt đối vốn điều lệ của cả hệ thống, đã giữ được vị thế “đầu tàu”, vai trò “cầm trịch” đối với các HTX thành viên trong suốt quá trình hoạt động.
Cũng chính bởi tính chất đặc thù đó, trong khoảng thời gian “cao điểm” của việc “âm thầm” (không báo cáo Thành ủy và UBND TP.HCM) thực hiện tăng vốn điều lệ lần thứ 9 (khoảng từ tháng 1 - 7.2020), ngay trong chính nội bộ lãnh đạo chủ chốt của Saigon Co.op đã có những ý kiến không đồng thuận.
Tuy nhiên, “kịch bản” tăng vốn điều lệ (không đúng quy định pháp luật - PV) vẫn diễn ra. Cụ thể, các HTX thành viên góp vốn điều lệ tăng thêm (lần thứ 9) đều đồng loạt huy động nguồn vốn rất lớn (gấp hàng trăm lần vốn điều lệ sẵn có) từ tổ chức, cá nhân bên ngoài (không phải là thành viên trước đó); đồng loạt chuyển khoản trước chỉ trong một thời gian ngắn vào tài khoản chuyên dụng của Saigon Co.op mở tại một ngân hàng (tài khoản chuyển đi cũng cùng ngân hàng này)…
Những ai “sát cánh” và góp siêu tốc “khoản tiền chi phối”?
Vì sao trong kết luận thanh tra, Thanh tra TP.HCM khẳng định việc tăng vốn điều lệ lần thứ 9 tại Saigon Co.op “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”; nguy cơ “sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động”?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, theo quy định, lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op chia cho HTX thành viên theo tỷ lệ vốn góp, tức số tiền vốn góp nhiều sẽ được chia lợi nhuận nhiều. Đáng chú ý, tỷ lệ chia lợi nhuận do đại hội thành viên quyết định, mà thành phần chính biểu quyết tại đại hội thành viên này là người đứng đầu các HTX thành viên.
Trên thực tế, một số HTX thành viên của Saigon Co.op sau khi huy động vốn từ cá nhân, tổ chức bên ngoài để “góp siêu tốc” vào Saigon Co.op, đã thay đổi người đứng đầu, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký HTX. Và với tổng vốn tăng thêm 3.597 tỉ đồng, chiếm khoảng 53%, đã vượt hơn vốn điều lệ của Saigon Co.op (chỉ 3.200 tỉ đồng, tỷ lệ khoảng 47%), thì quyền biểu quyết chi phối và vai trò “cầm trịch” vốn là yếu tố căn cơ, hệ trọng nhất của Saigon Co.op trong hệ thống HTX, đối mặt nhiều rủi ro khó lường (như kết luận của Thanh tra TP.HCM đã nêu trên).
Cũng cần phải nói rõ hơn, tiềm lực cũng như thương hiệu chiếm lĩnh của Saigon Co.op trong lĩnh vực thị trường bán lẻ (Saigon Co.op dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với tỷ lệ khoảng 43%, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2; doanh thu năm 2019 đạt hơn 35.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800 - 1.500 tỉ đồng; lợi nhuận cao, đạt từ 26 - 39% trên vốn góp; tổng tài sản theo sổ sách kế toán ghi nhận năm 2019 lên đến hơn 16.000 tỉ đồng…) có được, có yếu tố đóng góp hệ trọng từ những chính sách “hậu thuẫn” cho mô hình kinh tế tập thể từ chính quyền TP.HCM (như cho vay vốn kích cầu, cho thuê mặt bằng đất đai, kho bãi…).
Và như đã phân tích ở trên, một khi Saigon Co.op bị tư nhân thâu tóm, nguy cơ hiển hiện là sẽ “ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”, “không giữ được nguyên tắc hoạt động”, nguồn lực có “yếu tố Nhà nước” sẽ bị “chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản Nhà nước”…
Trở lại số tiền 3.597 tỉ đồng trong cơ cấu vốn điều lệ tăng lần thứ 9 của Saigon Co.op, một vấn đề then chốt mà dư luận đặt ra cần được làm sáng tỏ, là những ai đứng sau “sát cánh” với bị can Diệp Dũng và “góp siêu tốc” “khoản tiền chi phối” này?
Có thêm một diễn biến rất bất thường, là khi thực hiện thẩm quyền thanh tra đơn vị kinh tế trên địa bàn quản lý theo luật Thanh tra, Thanh tra TP.HCM đã bị nhiều HTX thành viên của Saigon Co.op “quay lưng”, dù được mời làm việc nhiều lần, khiến cơ quan thanh tra “bó tay”.
Cụ thể, qua tiếp xúc làm việc có 13 HTX thành viên đã ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Bính (địa chỉ cư trú P.Dương Nội, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), là người đại diện theo ủy quyền đến làm việc với Đoàn thanh tra. Tuy nhiên, người đại diện theo ủy quyền và các HTX thành viên đến làm việc cũng không cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra để làm rõ nguồn gốc vốn góp (!)
Hữu Phong
Thanh niên
|