2020: Một năm đầy biến động của giá cả hàng hóa
Năm 2020 là một bức tranh đầy màu sắc của thị trường hàng hóa trong nước với những điểm sáng từ nhóm ngành kim loại quý, chăn nuôi và dụng cụ y tế pha nhẹ chút ảm đạm và u tối từ nhóm ngành xăng dầu.
Liệu có nên thay đổi cách tính hóa đơn điện?
Ảnh minh họa. Nguồn: EVN NPC
|
Câu chuyện nổi bật của ngành điện năm qua là vào ngày 10/8, dự thảo biểu giá điện 1 bậc cho điện sinh hoạt do Bộ Công Thương lấy ý kiến. Tuy nhiên, phương án này không được sự ủng hộ của phần đông các bộ, ngành vì nếu tính theo giá mới thì những hộ sử dụng điện sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng (gần 19 triệu khách hàng) phải trả thêm 19,000 - 39,000 đồng/khách hàng/tháng. Hiện nay, giá điện sinh hoạt vẫn đang được tính theo phương pháp 6 bậc.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 6 bậc của EVN
Nguồn: EVN
|
Cụ thể, bên cạnh phương án rút biểu giá tính tiền điện từ 6 bậc xuống còn 5 bậc (phương án 1), Bộ Công Thương đưa thêm phương án 2 với 2 lựa chọn là 2A và 2B bổ sung thêm cách tính điện 1 giá. Theo chuyên gia, với mức điện một giá được công bố, người nghèo sẽ không được lợi gì cả, chủ yếu người lựa chọn phương án này là người sử dụng rất nhiều điện.
Hai phương án tính giá điện có áp dụng mức bán lẻ điện 1 giá
|
Nguồn: EVN
|
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về 2 đợt hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện.
Theo đó, mỗi đợt sẽ giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến 4, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19, giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19. Đợt 1 giảm cho các kỳ hóa đơn từ tháng 4-6 và đợt 2 sẽ giảm cho các kỳ hóa đơn từ tháng 10-12.
EVN ước tính trong 2 đợt thực hiện giảm giá điện có tổng thời gian là 6 tháng đã ghi nhận hơn 9,300 tỷ đồng đã được giảm trực tiếp cho khách hàng trong đợt 1 và đợt 2 con số ghi nhận là hơn 3,000 tỷ đồng.
Một năm buồn cho ngành xăng dầu
Ngành xăng dầu thế giới đã có một năm khó khăn khi phải trải qua giai đoạn giá dầu âm do dự cảm chênh lệch tổng cung lớn hơn tổng cầu. Đây là kết quả cộng hưởng của 2 sức ép: Một, cuộc chiến giá dầu và giành giật thị phần dầu mỏ giữa các nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất trên thế giới gồm OPEC, Nga và Mỹ; Hai, hệ quả trực tiếp của các biện pháp phòng ngừa Covid-19 trên cả phương diện quốc gia và quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
|
Hiện tại, nguồn dầu nhập khẩu chính của Việt Nam là dầu Brent từ thị trường Singapore, vì vậy giá xăng dầu trong nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ thế giới.
Biến động giá dầu Brent thế giới từ đầu năm 2020 đến nay. Đvt: Ngàn USD/thùng
Nguồn: investing.com
|
Ngày 28/04/2020, cùng đà giảm với giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước xuống mức thấp nhất 13 năm trở lại đây kể từ tháng 1/2007 khi giá xăng sinh học E5RON92 giảm về 10,940 đồng/lít; xăng RON95 giảm về 11,630 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 9,940 đồng/lít.
Tính đến lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 26/12/2020, giá xăng dầu trong nước chỉ bằng 78% giá tại thời điểm đầu tháng 1/2020.
Nguồn: Petrolimex, người viết tự tổng hợp
|
Giá vàng “chói sáng” rực rỡ
Ngược lại với giá xăng dầu, giá vàng trong năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với nhiều lần lập đỉnh lịch sử. Theo phân tích của giới chuyên gia, vàng tăng giá là vì đây là tài sản trú ẩn khả dĩ và an toàn bậc nhất trong bối cảnh lãi tiền gửi ngân hàng giảm mạnh và thanh khoản chứng khoán có thời điểm cạn kiệt do ảnh hưởng từ Covid-19.
Ngày 06/08/2020, vàng lập đỉnh mọi thời đại khi vượt lên hơn 62 triệu đồng/lượng, tăng gần 46% so với thời điểm đầu năm 2020.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
|
Tuy nhiên, giá vàng thế giới đã có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt trong những tháng cuối năm khi có tin tức tích cực về vaccine ngừa Covid-19 từ 2 công ty dược phẩm lớn của Mỹ là Pfizer và Moderna. Điều này cho thấy tin tức về vaccine ngừa Covid-19 đã gây áp lực lên thị trường vàng vì nó làm lu mờ đi giá trị như một “hầm trú ẩn” an toàn cho các nhà đầu tư của vàng trong thời buổi Covid-19 đang dần dần ăn mòn nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới.
Biến động giá vàng thế giới trong 1 năm qua. Đvt: Trăm USD/oz
Nguồn: investing.com
|
Mâm cơm Việt chịu nhiều ảnh hưởng từ giá thịt lợn
Trong khi ngành y tế gồng mình chống lại sự lây lan dịch suy hô hấp cấp từ vi rút Corona ở người thì ngành chăn nuôi cũng đau đầu với dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang làm giá lợn hơi trên thị trường khó kiểm soát hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
|
Trong quý 1/2020, giá lợn hơi nhìn chung giảm khoảng 10.8% so với cuối năm 2019. Tháng 1, giá lợn hơi ổn định ở mức 80,000 - 84,000 đồng/kg nhờ nỗ lực bình ổn thị trường trước Tết Nguyên đán thông qua sự hợp sức từ Chính phủ và các doanh nghiệp chăn nuôi.
Sang quý 2/2020, giá lợn hơi đã tăng cực kỳ mạnh mẽ khi nguồn cung khan hiếm do dịch tả lợn châu Phi hoành hành và người dân không kịp tái đàn để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Giá lợn hơi cao nhất trong năm vào khoảng thời gian cuối tháng 5 và lập đỉnh vào ngày đầu tháng 6 với giá bình quân đạt 96,100 đồng/kg.
Sau khi lập đỉnh, giá thịt lợn bắt đầu điều chỉnh nhờ các doanh nghiệp trong nước đã được cấp phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan.
Đến 22/12/2020, tình hình giá heo hơi bình quân cả nước đạt mức 71,000 đồng/kg, giảm hơn 18% so với đầu năm. Giá heo giảm đến từ nguồn cung thịt heo trên thị trường đã không còn khan hiếm sau khi các hộ chăn nuôi trên cả nước đang dần hoàn thành công tác tái đàn sau dịch. Hiện dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nhưng nguồn cung dồi dào từ cuối tháng 11 đã giữ cho giá lợn ở mức ổn định.
Nguồn: Người viết tự tổng hợp
|
Giá gạo lập kỷ lục
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá gạo trong nước nhìn chung có tăng nhưng không có nhiều biến động. Cụ thể, tại An Giang ngày 29/12, giá gạo thơm Jasmine ở mức 15,000 đồng/kg, tăng 1,000 đồng/kg so với bình quân quý 1.
Tuy nhiên, điểm sáng của gạo Việt Nam trong năm 2020 nằm ở thị trường gạo xuất khẩu khi lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 1,000 USD/tấn. Nhờ tác động tích cực của việc giảm thuế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), giá gạo ST20 xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đã đạt trên 1,000 USD/tấn, gạo thơm Jasmine cũng có giá trên 600 USD/tấn. Trước đó, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU chỉ đạt khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 520 USD/tấn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Gạo Việt Nam đạt được giá xuất khẩu đáng mơ ước như vậy không chỉ nhờ những ưu đãi từ EVFTA mà còn từ chính chất lượng gạo Việt Nam đã không ngừng được cải thiện và đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi quốc tế về gạo.
Hà Lễ
FILI
|