TPBank vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ
Tại “Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021” sáng nay của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng cờ thi đua của Chính phủ, vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua của ngành ngân hàng.
Đây là phần thưởng cao quý và sự đánh giá cao của Chính phủ đối với những đóng góp của TPBank cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tổng Giám đốc TPBank - Ông Nguyễn Hưng đón nhận cờ thi đua từ Thủ tướng Chính phủ.
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ trong suốt quá trình hình thành, TPBank đã gặt hái được những quả ngọt.
|
Đón nhận cờ thi đua từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú chia sẻ: “Nhìn lại quãng đường 12 năm thành lập và phát triển, TPBank đã từng có lúc rơi vào tình thế khó khăn, nhưng với một chiến lược đi đầu về ngân hàng số, TPBank giờ đây là một trong 10 ngân hàng lớn mạnh nhất hệ thống. Cờ thi đua của Chính phủ trao tặng là một sự khích lệ tinh thần lớn lao để chúng tôi tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa vào chiến lược tài chính toàn diện dựa trên các nền tảng số của Chính phủ.”
Trước đó, năm 2018, TPBank đã vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ trong suốt quá trình hình thành, đặc biệt là kể từ khi tái cơ cấu từ 2012 đến nay, TPBank đã hái được những quả ngọt. Tổng tài sản của ngân hàng đã tăng 15 lần, đạt 200,000 tỷ đồng cuối năm 2020. Từ một ngân hàng bị lỗ luỹ kế, sau 8 năm TPBank đã khắc phục toàn bộ số lỗ này và có tổng lợi nhuận là 15,000 tỷ, và năm 2020 ước đạt trên 4,000 tỷ. Cùng trong quãng thời gian đó, số lượng khách hàng đã tăng gấp 100 lần, lên gần 5 triệu từ con số khiêm tốn hơn 50,000 khách năm 2012. Chất lượng tài sản luôn được TPBank cải thiện, với tỷ lệ nợ xấu cuối quý III vừa qua ở mức 1.77%, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành, và hệ số CAR đạt 11.4% theo chuẩn Basel II.
Những năm gần đây, TPBank được coi là ngân hàng đi đầu trên thị trường về ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ, sản phẩm tài chính nhằm đem lại những lợi ích hết sức thiết thực cho khách hàng mà kênh truyền thống không có được. Hệ thống ngân hàng tự động LiveBank, với khả năng cung cấp 90% dịch vụ cho khách hàng so với phòng giao dịch truyền thống, giúp TPBank trở thành ngân hàng duy nhất có khả năng phục vụ khách hàng 24/7. Hiện tại TPBank đã lắp đặt được 330 LiveBank khắp cả nước, trở thành ngân hàng có số lượng LiveBank lớn nhất trên thế giới.
Các công nghệ tiên tiến như AI, Machine Learning và Big Data được ứng dụng trong mọi quy trình hoạt động nội bộ và kênh giao tiếp với khách hàng đã giảm thời gian và thủ tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ 40-60%. Mùa hè vừa qua, TPBank là ngân hàng đầu tiên triển khai hình thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) toàn diện trên điện thoại di động, cho phép khách hàng có thể mở tài khoản và giao dịch ngay ở mọi lúc, mọi nơi chỉ trong vài phút. Các hệ thống và dịch vụ ngân hàng công nghệ như LiveBank và eKYC của TPBank không chỉ tạo sự tiện lợi cho khách hàng, mà còn là sự đóng góp không nhỏ của ngân hàng vào tiến trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của Chính phủ.
TPBank cũng là ngân hàng luôn thể hiện mạnh mẽ trách nhiệm xã hội. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid và để chia sẻ khó khăn, ngân hàng đã xem xét cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo đúng Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, ngân hàng đã chủ động xem xét giảm lãi suất để chia sẻ với khó khăn của khách hàng. Tổng số khách hàng được giảm lãi là hơn 10,000 khách hàng với tổng dư nợ được giảm lãi là hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11% nhờ tiết giảm chi phí.
Trong thời gian tới, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược ngân hàng công nghệ, đưa TPBank trở thành ngọn cờ tiên phong trong chiến lược phát triển nền tài chính số quốc gia.
FILI
|