Thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam đang phát triển mạnh và cũng đã xuất hiện những biến tướng, thậm chí núp bóng cho vay ngang hàng để cho vay nặng lãi, lừa đảo…
Nhìn thấu đáo để phân biệt hàng xịn, hàng rởm
Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tạo ra hình thái tín dụng trực tiếp, kết nối giữa người cho vay/nhà đầu tư với người vay, giúp phi trung gian hóa hoạt động cho vay và được kỳ vọng là một kênh tín dụng cho những người không đủ điều kiện tiếp cận với kênh tài chính truyền thống.
Nghiên cứu thực nghiệm tại các quốc gia có thể ghi nhận một số mô hình P2P Lending phổ biến như: (i) P2P Lending truyền thống; (ii) P2P Lending hợp tác với một tổ chức tín dụng; (iii) P2P Lending theo hình thức huy động - cho vay.
Ở mô hình P2P Lending truyền thống, công ty P2P Lending chịu trách nhiệm cung cấp nền tảng trực tuyến (online platform) kết nối người vay và người cho vay, kèm theo đó là các dịch vụ liên quan đến xác lập khoản vay hay quản lý khoản vay. Thông qua sàn P2P Lending, hợp đồng vay được ký kết trực tiếp giữa người vay và người cho vay, hai bên có quyền, nghĩa vụ và tự chịu trách nhiệm, chịu rủi ro theo hợp đồng đã ký. Công ty P2P Lending sẽ thu phí từ người cho vay lẫn người vay.
Ở mô hình P2P Lending hợp tác với một tổ chức tín dụng (thường là ngân hàng), công ty P2P Lending cũng cung cấp nền tảng kết nối để tiếp nhận đề nghị khoản vay của người vay và cam kết cho vay của người cho vay/nhà đầu tư. Tuy nhiên, công ty P2P Lending hợp tác với một ngân hàng để xác lập hợp đồng vay.
Sau đó, thông qua công ty P2P Lending, ngân hàng sẽ bán khoản phải thu từ hợp đồng vay cho nhà đầu tư đã cam kết cho vay (người cho vay thật sự) thông qua nền tảng và người vay sẽ trả nợ cho nhà đầu tư khi đáo hạn. Mô hình này thường được vận hành ở các nước chỉ cho phép ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động cho vay.
Đối với mô hình P2P Lending theo hình thức huy động - cho vay, công ty P2P Lending sẽ tiến hành huy động vốn từ các nhà đầu tư kèm theo cam kết lợi nhuận và thông qua sàn P2P Lending để thực hiện cho vay dựa trên số tiền huy động được. Mô hình này rất phổ biến tại Trung Quốc.
Nhiều hành vi phạm pháp núp bóng P2P Lending đã xuất hiện như cho vay lãi nặng, rửa tiền, tài chính đa cấp bất chính, lừa đảo người cho vay/nhà đầu tư, mua bán thông tin cá nhân của người vay, nhà đầu tư trái phép. Nhiều người đã lâm vào tình trạng nguy khốn khi vướng vào ma trận vay tiền trực tuyến với lãi suất “cắt cổ” và bị đe dọa, khủng bố với nhiều hình thức đòi nợ trái phép.
|
Bên cạnh đó, cũng có thể tồn tại nhiều mô hình P2P Lending khác, tuy vậy dù tồn tại dưới mô hình nào thì cũng phải đảm bảo nền tảng cốt lõi đó là việc phi trung gian hóa hoạt động cho vay và mang đặc tính của kinh tế chia sẻ.
Nói cách khác, công ty P2P Lending cung cấp nền tảng kết nối trực tiếp giữa những người cho vay/nhà đầu tư với những người vay, đóng vai trò như một nhà điều phối tài chính chứ tuyệt nhiên không thể là một trung gian tài chính tương tự như các tổ chức tín dụng. Vì vậy công ty P2P Lending không đầu tư góp vốn để thực hiện hoạt động cho vay trên chính nền tảng mà họ cung cấp.
Nhìn thấu đáo điều này giúp cho thị trường phân biệt được rõ “hàng xịn”, “hàng rởm”. Bởi khi nhìn vào thực tế thị trường tại Việt Nam, thị trường P2P Lending đã có sự phát triển rất nóng trong thời gian qua và bắt đầu có những biến tướng hoặc đánh đồng giữa P2P Lending với những hình thức cho vay trực tuyến khác.
Công ty P2P Lending nhưng không phải P2P Lending
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay có khoảng 100 công ty P2P Lending đang tồn tại với trạng thái thật, giả lẫn lộn. Trong số này, đang tồn tại hiện tượng một số công ty P2P Lending đã hợp tác hoặc cung cấp dịch vụ cho các công ty cầm đồ trong việc tìm kiếm khách hàng, thậm chí phân phối khoản vay thông qua nền tảng trực tuyến.
Thông qua công ty P2P Lending, hoạt động cho vay của các công ty cầm đồ chuyển từ không gian vật lý sang không gian trực tuyến. Trong trường hợp này, công ty cung cấp nền tảng không thể gọi là công ty P2P Lending mà chỉ đơn thuần là một công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động cho vay của công ty cầm đồ.
Dưới góc độ pháp lý, hiện tại không có căn cứ để kết luận hoạt động này là vi phạm pháp luật. Nhưng nếu nhân danh P2P Lending thì chắc chắn sai về mặt bản chất và làm người dân hiểu sai về mô hình P2P Lending.
Đáng nói hơn, nhiều hành vi phạm pháp núp bóng P2P Lending đã xuất hiện như cho vay lãi nặng, rửa tiền, tài chính đa cấp bất chính, lừa đảo người cho vay/nhà đầu tư, mua bán thông tin cá nhân của người vay, nhà đầu tư trái phép. Nhiều người đã lâm vào tình trạng nguy khốn khi vướng vào ma trận vay tiền trực tuyến với lãi suất “cắt cổ” và bị đe dọa, khủng bố với nhiều hình thức đòi nợ trái phép.
Vẫn chưa thấy khung pháp lý
Có một số quan điểm cũng đánh đồng giữa P2P Lending với các mô hình kinh tế chia sẻ khác trong những lĩnh vực khác như Grab, Uber. Tuy nhiên, P2P Lending mang theo nó nhiều rủi ro rất đặc thù, dễ thất bại hơn và nếu thất bại sẽ gây nên nhiều hệ lụy hơn đối với thị trường và xã hội.
Có thể kể sơ lược tám rủi ro mang tính đặc thù gắn với P2P Lending, đặc biệt trong bối cảnh chưa có khung pháp lý, như: (1) rủi ro về rửa tiền - giao dịch giả mạo, năng lực nhận dạng khách hàng thấp; (2) rủi ro thanh khoản; (3) rủi ro đạo đức và nhân sự - liên quan chủ yếu đến năng lực người quản lý và việc chạy theo doanh thu mà bỏ qua các yếu tố an toàn; (4) rủi ro cạnh tranh không lành mạnh; (5) rủi ro liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư và người đi vay đến từ sự bất cân xứng thông tin, không minh bạch, xung đột lợi ích; (6) rủi ro thiếu năng lực tài chính để giải quyết sự cố; (7) rủi ro thiếu cơ sở vật chất, an ninh, an toàn, hệ thống công nghệ thông tin - để lọt thông tin khách hàng hoặc mất tiền của người vay, nhà đầu tư; (8) rủi ro đòi nợ phi pháp - vi phạm các quyền căn bản của con nợ.
Qua đó cho thấy, việc ban hành khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này cần được thúc đẩy nhanh để thị trường không bị phát triển méo mó và đi vào vết xe đổ như thị trường cho vay ngang hàng của Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Theo phát ngôn của đại diện NHNN, đại diện Chính phủ thì trong năm 2020 sẽ trình diện khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho FinTech (trong đó có P2P Lending), nhưng đến nay thị trường vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn chờ khung pháp lý thử nghiệm được ban hành, người viết cho rằng các bên có liên quan cần có những hành động cụ thể để thanh lọc thị trường P2P Lending. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục phối hợp “truy quét” những công ty tín dụng đen núp bóng hoạt động cho vay ngang hàng nói riêng và các hoạt động cho vay trực tuyến, cho vay cầm đồ trực tuyến bị biến tướng nói chung. Đồng thời, cần phối hợp với các công ty P2P Lending đúng nghĩa tương tác với giới truyền thông để người dân nhận dạng đầy đủ, đúng đắn về P2P Lending cũng như những cạm bẫy và biến tướng của mô hình này.