TGĐ HSBC Việt Nam: 'UKVFTA thúc đẩy phát triển dịch vụ tài chính thông qua chuyển đổi kỹ thuật số'
Ngày 11/12/2020, Vương quốc Anh (Anh) và Việt Nam vừa ký kết Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA). Đây sẽ là thành tựu tiếp sau việc Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa có hiệu lực vào tháng 8 và Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP) được ký vào tháng 11.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
|
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đã có những nhận định về cột mốc quan trọng này. Việt Nam và Anh có mối quan hệ ngoại giao và kinh tế lâu đời liên tục phát triển trong nhiều năm qua. Hội nhập quốc tế luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, đồng thời cũng là một phần quan trọng không thể thiếu trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Với chiến lược "mở cửa", tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam 11 tháng qua đạt 489.1 tỷ USD, tăng 3.5% so với cùng kỳ năm trước (Tổng Cục Thống kê). Ngoài ra, Việt Nam cũng được ghi nhận là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ quy mô thị trường, câu chuyện tăng trưởng nhanh, môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động có tay nghề và khả năng tiếp cận các thị trường quan trọng thông qua danh sách các hiệp định thương mại tự do quan trọng đã ký kết.
Anh hiện đứng thứ 16 trong số các quốc gia có đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD tính đến tháng 9/2020. Nước Anh đã đầu tư 402 dự án vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lũy kế là 3.6 tỷ USD (nguồn: Tổng cục Thống kê). Trong khi đó, Việt Nam đã tăng tỷ trọng trong thương mại hàng hóa của khu vực ASEAN với nước Anh từ 8.1% lên 14.4% trong giai đoạn 2010-2014 và sau đó lên tới 18.6% vào năm 2019. Thương mại của Anh với ASEAN và Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt, thương mại hàng hóa với Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ 9% mỗi năm trong giai đoạn 2014-2019.
Nhìn vào sự năng động của mối quan hệ giữa hai nước Việt - Anh, và đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, HSBC cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến từ Anh - quốc gia đang được ghi nhận là nhà đầu tư lớn thứ năm trên toàn cầu và hiện đang theo đuổi chiến lược "Nước Anh toàn cầu". Hiệp định UKVFTA được ký kết là bước đi quan trọng đối với Vương quốc Anh, đồng thời là động lực lớn cho các hoạt động xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút các doanh nghiệp Anh tham gia vào những nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị của Việt Nam.
Lợi thế xuất khẩu chính của Việt Nam là các mặt hàng điện tử, giày dép, hàng may mặc, đồ gỗ, thủy hải sản và các sản phẩm khác mà Anh đang có nhu cầu. Ngoài ra, hiệp định UKVFTA sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, giáo dục, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và các ngành khác...
Là một trong những tổ chức tài chính Anh quốc hiện diện và phục vụ tại thị trường Việt Nam lâu đời nhất - 150 năm, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh bước tiến của hai quốc gia ngày hôm nay, đánh dấu sự vươn lên không ngừng nghỉ của Việt Nam với tư cách là quốc gia luôn tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu. Hiệp định UKVFTA cũng đánh dấu những nỗ lực của Việt Nam vươn lên với tư cách là thành viên tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu.
Một hiệp định thương mại tự do được ký kết chính thức chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của cả hai quốc gia. Hơn nữa, hiệp định UKVFTA sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng hơn, đồng thời tạo ra những cơ hội thú vị cho doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
HSBC tin rằng hiệp định UKVFTA sẽ góp phần vào sự phát triển hơn nữa của mảng dịch vụ tài chính thông qua thúc đẩy chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Việc mở cửa thị trường mới và mở rộng giao dịch xuyên biên giới được kỳ vọng làm tăng nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Các tổ chức tài chính sẽ cần đi đầu quá trình phát triển các công nghệ và phương pháp mới để thích ứng với nền kinh tế mở. Những tổ chức này đồng thời sẽ là thành phần chủ chốt để đảm bảo thực hiện những thay đổi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Cuối cùng, hiệp định UKVFTA về tổng thể sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và vì vậy, chúng ta có thể mong đợi ngành dịch vụ tài chính Việt Nam sẽ bắt tay thực hiện cải cách nhiều hơn nữa để tận dụng cơ hội này và tạo điều kiện cho tăng trưởng và phát triển liên tục.
Hàn Đông
FILI
|