SSI Research: VPBank có thể hoàn tất bán vốn FE Credit trong năm 2021
Bộ phận nghiên cứu của CTCK SSI (SSI Research) tiếp tục duy trì báo cáo phù hợp thị trường đối với cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) dựa trên thương vụ bán FE Credit làm tâm điểm.
Quý 3 không mấy khả quan
Sau hai quý đạt tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, VPB trượt khỏi đà tăng trong quý 3/2020. Lợi nhuận trước thuế giảm 1.5% so cùng kỳ do tổng thu nhập hoạt động giảm và chi phí tín dụng cao hơn. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ở ngân hàng mẹ đạt 2 ngàn tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ, ngược lại LN trước thuế của FE Credit lại giảm 43% so với cùng kỳ còn 800 tỷ đồng.
Theo SSI, FE Credit tiếp tục tập trung vào quản lý rủi ro và thu hồi nợ thay vì giải ngân các khoản vay mới để tránh rủi ro tín dụng vượt mức. Bất chấp tác động tiêu cực đến lợi nhuận năm 2020, SSI cho rằng ban lãnh đạo đã đưa ra quyết định đúng đắn và kỳ vọng tăng trưởng sẽ trở lại vào năm 2021.
Dù vậy, chất lượng tài sản của VPB tiếp tục là điều đáng chú ý, khi nợ xấu mới hình thành đang có xu hướng tăng. Cụ thể, chất lượng tài sản suy yếu ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Các chỉ số chất lượng tài sản suy giảm, với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng lên 3.7% (so với 3.2% vào cuối quý 2/2020). Trong khi chi phí dự phòng (không bao gồm trái phiếu VAMC) tăng 25% so với cùng kỳ, tỷ lệ trích lập dự phòng giảm xuống 48% (so với 52% trong quý 1/2020 và 49% trong quý 2/2020). VPB vẫn còn 27.8 ngàn tỷ đồng nợ vay tái cơ cấu (chiếm 10% trong tổng dư nợ), trong đó 23.9 ngàn tỷ đồng từ ngân hàng mẹ và 3.9 nghìn tỷ đồng từ FE Credit.
Năm 2021 có thể hoàn tất bán vốn FE Credit
Đối với FE Credit, SSI cho hay ban lãnh đạo của công ty cho rằng cho vay bán lẻ (cho khách hàng có thu nhập cao, khách hàng đại chúng và hộ kinh doanh) sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại trong quý 4/2020 và năm 2021. FE Credit ước tính có thể nới lỏng tiêu chí cho vay nghiêm ngặt hiện nay khi đội ngũ quản trị rủi ro của Công ty cảm thấy môi trường kinh doanh đã phù hợp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trở lại. Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2021 ở mức từ 10% - 15% mỗi năm.
Bên cạnh đó, nguồn vốn sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ lợi nhuận giữ lại, thu nhập từ bán FE Credit, và khả năng phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược VPB. Khoảng 400 - 500 triệu USD lợi nhuận sẽ được tăng thêm vào vốn chủ sở hữu mỗi năm trong những năm tới, đây là mức tăng đáng kể khi vốn chủ sở hữu hiện tại ở mức 2.1 tỷ USD.
Đối với thu nhập từ IPO/ bán vốn FE Credit, Ban lãnh đạo VPB đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể đàm phán thành công trong 5- 6 tháng tới, nhờ đó thương vụ này có thể hoàn thành trong quý 3/2021. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng định giá FE Credit ở mức trên 3 lần PB. Bên cạnh đó, tỷ lệ còn lại NĐTNN được phép sở hữu là 7.4% và ngân hàng sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược vào thời điểm thích hợp.
Hơn nữa, dù SSI cho rằng áp lực trích lập dự phòng tại VPB sẽ chuyển sang năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi, SSI tăng giả định tỷ lệ thu hồi nợ tái cấu trúc tăng từ 70% lên 75%. Theo đó, chi phí dự phòng cho năm 2020 và 2021 ước tính giảm còn 14.9 ngàn tỷ đồng và 17.8 ngàn tỷ đồng.
Qua đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 và 2021 ước tính đạt 10.8% và 10.1% so cùng kỳ, tương ứng đạt 11.4 ngàn tỷ đồng và 12.6 ngàn tỷ đồng. Dự báo EPS mới lần lượt tăng 5.5% và 9.1% so với dự báo trước đó của SSI.
Như Xuân
FILI
|