Lãi suất thực âm - Dòng vốn vào ngân hàng liệu có bị ảnh hưởng?
Với mặt bằng lãi suất không ngừng đi xuống trong thời gian qua, nhiều ngân hàng thậm chí niêm yết lãi suất thấp hơn nhiều so với trần lãi suất tiền gửi 4%, trong khi lạm phát kỳ vọng vẫn cao, có thể nói lãi suất thực tại một số kỳ hạn ngắn đã rớt về dưới mức 0.
Lãi suất thực âm?
Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 3 lần điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành, trong đó bao gồm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng với tổng mức giảm 1%. Về phần mình, các ngân hàng thương mại (NHTM) không chỉ thực hiện theo quyết định của nhà điều hành, mà còn tích cực đìều chỉnh giảm nhiều lần hơn và áp dụng cả kỳ hạn trên 6 tháng, vốn không nằm dưới quy định trần lãi suất.
Kể từ đầu quý 4 đến nay, dù thông lệ mọi năm cho thấy thanh khoản thường chịu áp lực vào giai đoạn cuối năm, nhưng thực tế xu hướng giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng vẫn chưa dừng lại. Mới đây nhất, thị trường lại chứng kiến nhóm 4 NHTM quốc doanh là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất đều ở các kỳ hạn với mức giảm 0.2%.
Sau các đợt điều chỉnh giảm lãi suất liên tiếp như thế, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể nói đang ở mặt bằng thấp nhất trong lịch sử. Cụ thể, đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, thấp nhất đang ở mức 2.65%, phổ biến từ 3.1-3.7% và cao nhất có 3 ngân hàng vẫn đang áp dụng tại mức trần 4%. Ở kỳ hạn từ 6-11 tháng, thấp nhất đang là 4%, phổ biến từ 4.5-5.5% và cao nhất là quanh 6.5%; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thấp nhất là 4.4%, phổ biến từ 5.5-6.5% và cao nhất là quanh 7%.
Trong khi đó, lạm phát kỳ vọng năm nay theo khảo sát của NHNN có thể rơi vào khoảng từ 3.2-3.7%, còn theo cập nhật của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2020 đang tăng 3.51% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc người gửi tiền kỳ hạn dưới 6 tháng tại một số ngân hàng có lãi suất niêm yết từ 3.5% trở xuống đang chấp nhận mức lãi suất thực âm.
Đây là lần đầu tiên trong 9 năm qua, thị trường mới chứng kiến lãi suất thực rớt xuống mức âm đối với kênh tiền gửi ngân hàng. Còn nhớ vào năm 2011, thời điểm lạm phát chạm mốc hơn 18%, trong khi trần lãi suất tiền gửi khi đó là 14%, tức lãi suất thực âm đến 4%, khiến một số ngân hàng buộc phải thỏa thuận lãi suất với khách hàng để giữ chân dòng vốn, mà sau đó đã gây ra nhiều hệ quả ảnh hưởng không ít lên hoạt động của các ngân hàng này.
Kể từ năm 2012, khi lạm phát được kìm cương và có lúc rớt về mức thấp nhất trong nhiều năm qua ở 0.6% vào năm 2015, trần lãi suất tiền gửi theo đó cũng giảm mạnh. Dù vậy, đây cũng là giai đoạn mức lãi suất thực ở mức khá rộng, giúp kênh tiền gửi ngân hàng hấp dẫn hơn so với một số kênh đầu tư khác.
Chính sách phổ biến
Thật ra trong môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng và tiền rẻ tràn ngập như hiện nay, chính sách lãi suất âm đang ngày càng trở nên phổ biến. Một số ngân hàng trung ương (NHTW) đang áp dụng lãi suất cơ bản âm như Nhật Bản âm 0.1%, Đan Mạch âm 0.6%, Thụy Sĩ âm 0.75%, trong khi mức 0% cũng được nhiều quốc gia áp dụng như Hoa Kỳ, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Na Uy, Thụy Điển, Bỉ, Bulgaria,…
Trong khi đó, các quốc gia cũng đang phát hành trái phiếu Chính phủ với lợi suất âm, có thể kể đến như trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tính đến ngày 10/12 đang âm 0.6%, Thụy Sĩ âm 0.59%, Hà Lan âm 0.52%, Pháp âm 0.36%. Anh, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Nhật Bản,… cũng đang chứng kiến lợi suất trái phiếu chính phủ âm ở một số kỳ hạn.
Mới đây nhất, Trung Quốc cũng ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử phát hành lãi suất trái phiếu âm, với các trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mức lợi suất âm 0.152%, kỳ hạn 10 năm và 15 năm cũng dưới 1%. Dù vậy, vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và giúp nước này thu về 4 tỷ Euro, tương đương 4.74 tỷ USD.
Quay trở lại với Việt Nam, dù lãi suất danh nghĩa hiện nay vẫn đang ở mức dương, nhưng nếu đem so sánh trong mối tương quan với lạm phát kỳ vọng, các kỳ hạn ngắn dường như đã chứng kiến mức lãi suất thực âm như đã nói. Hay như trên thị trường trái phiếu Chính phủ, lợi suất phát hành cũng đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay, với kỳ hạn 5 năm chỉ còn quanh 1.2%, kỳ hạn 10 năm là 2.5%, kỳ hạn 20 và 30 năm từ 3-3.2%, rõ ràng cũng thấp hơn so với mức lạm phát kỳ vọng hiện nay.
Với mục tiêu lạm phát năm sau đã được Quốc Hội thông qua gần đây tiếp tục giữ ở mức 4%, người gửi tiền ở các kỳ hạn ngắn có thể tiếp tục chấp nhận mức lãi suất thực âm nếu mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn ổn định trong thời gian tới. Thậm chí một số dự báo cho thấy lãi suất còn có thể tiếp tục giảm thêm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dư thừa, khi mà huy động vốn tiếp tục tăng trưởng cao hơn tín dụng bất chấp lãi suất không ngừng đi xuống kể từ đầu năm đến nay.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tính đến ngày 24/11, huy động vốn tăng 10.65% so với đầu năm, cao hơn 2.72% mức tăng trưởng của tín dụng là 7.93%. Xu hướng huy động vốn tăng cao hơn tín dụng đã được duy trì suốt từ đầu năm đến nay và chênh lệch mức tăng giữa hai chỉ tiêu này, thậm chí còn ngày càng mở rộng, khi hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ do ảnh hưởng dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn suy yếu, trong khi dòng tiền nhàn rỗi trú ẩn vào ngân hàng.
Đáng lưu ý là trước triển vọng giá dầu đang trong xu hướng tăng trưởng trở lại, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức cộng thêm các gói kích thích khổng lồ tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu, có thể đẩy giá các loại hàng hóa, nhiên liệu vọt tăng trở lại trong thời gian tới, càng gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Trước thách thức này, việc kiểm soát chỉ tiêu lạm phát trong nước có thể cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong khi đó, với thực trạng lãi suất thực đã rớt về dưới 0, không loại trừ dòng vốn vào ngân hàng có thể bị ảnh hưởng, theo dó dòng tiền có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác có mức sinh lời tốt hơn, nhất là khi chính sách tiền rẻ đang đẩy giá nhiều loại tài sản tài chính lên cao trong những tháng gần đây. Hoặc nếu vẫn muốn giữ tiền gửi tại ngân hàng để đảm bảo an toàn, người gửi tiền có thể sẽ phải cân nhắc gửi ở các kỳ hạn dài hơn để đảm bảo lãi suất thực dương.
Dù lãi suất danh nghĩa hiện nay vẫn đang ở mức dương, nhưng nếu đem so sánh trong mối tương quan với lạm phát kỳ vọng, các kỳ hạn ngắn dường như đã chứng kiến mức lãi suất thực âm như đã nói. Hay như trên thị trường trái phiếu Chính phủ, lợi suất phát hành cũng đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay, với kỳ hạn 5 năm chỉ còn quanh 1.2%, kỳ hạn 10 năm là 2.5%, kỳ hạn 20 và 30 năm từ 3-3.2%, rõ ràng cũng thấp hơn so với mức lạm phát kỳ vọng hiện nay.
|
Phan Thụy
FILI
|