Dùng công nghệ phát hiện xây dựng sai phép
Hiện nhiều quận, huyện tại TP.HCM đang áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
TP.HCM tiến tới quản lý, phát hiện vi phạm xây dựng bằng các công nghệ ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Chụp hình phát hiện vi phạm
UBND Q.12 phối hợp với Sở TN-MT TP.HCM triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu không gian phục vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị và tài nguyên môi trường bằng công nghệ viễn thám GIS (hệ thông tin địa lý). “Toàn bộ diện tích của Q.12 và các vùng lân cận như Gò Vấp, Củ Chi sẽ được quét, chụp hình. GIS sẽ phân loại, đánh giá biến động công trình xây dựng và so sánh với dữ liệu quy hoạch, phát hiện thông báo vị trí và ảnh công trình vi phạm xây dựng trên nền tài liệu địa chính. Bộ dữ liệu ảnh có chồng lớp bản đồ địa chính cũng đồng thời phục vụ theo dõi quá trình cấp mới sổ hồng”, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Q.12, cho hay.
Một lãnh đạo UBND H.Bình Chánh cũng cho biết từng đề xuất liên kết với một số đơn vị, trong đó có Công ty Viettel để triển khai các công nghệ vào việc quản lý và phát hiện các vi phạm về xây dựng. Khi đó, Công ty Viettel đề xuất 2 giải pháp, một là sử dụng Google map, hai là bay flycam. Nhưng khi tiến hành thì Sở TN-MT cũng triển khai đề án dùng công nghệ để phát hiện vi phạm, nên huyện đang cùng phối hợp làm. Theo đó, những khu vực nóng về xây dựng sai phép, không phép sẽ được bay flycam, quét bằng công nghệ GIS. Nếu có phát hiện vi phạm xây dựng, phần mềm sẽ báo về những đơn vị liên quan, từ đó cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý.
Tại Q.2, chính quyền cũng đã có kế hoạch đưa công nghệ GIS vào quản lý trật tự xây dựng. Khi sử dụng công nghệ này, chỉ cần “quét” toàn bộ căn nhà sẽ biết có xây dựng đúng theo thiết kế hay không. Nếu không đúng giấy phép thì có thể định vị ngay căn nhà xây dựng sai ở vị trí nào... Công nghệ này được áp dụng sẽ hạn chế sự tác động của con người vào quá trình xử lý vi phạm xây dựng và giải quyết “nút thắt” lực lượng mỏng mà các quận, huyện đang phải đối mặt hiện nay.
Một lãnh đạo của Trung tâm đo đạc bản đồ (trực thuộc Sở TN-MT TP.HCM) cho biết hiện đề án đang được thí điểm ở địa bàn Q.12. Flycam sẽ bay mỗi tháng 1 lần hoặc có thể 3 tháng 1 lần. Các khu vực sẽ được chụp ảnh lại, mỗi lần chụp sẽ biết căn nhà ở nơi đó có biến động ra sao, từ đó đối chiếu với giấy phép xây dựng để biết xây dựng có giấy phép hay không phép. Ngoài ra, công nghệ này cũng sẽ xác định được sông, kênh, rạch có bị san lấp lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đó hay không. Nếu thử nghiệm thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng đến các địa phương khác.
Hạn chế nhũng nhiễu
Tại Sở Xây dựng TP.HCM, từ ngày 9.6.2020 đã triển khai và bắt đầu gắn mã QR code trên giấy phép xây dựng do Sở cấp, để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thông tin giấy phép xây dựng, giúp người dân chủ động cùng chính quyền TP kiểm soát và thực hiện các quy định xây dựng. Hiện đã có 11/24 UBND quận, huyện thực hiện việc gắn mã QR code trên giấy phép xây dựng. Chỉ cần lấy điện thoại di động thông minh quét mã QR sẽ biết được căn nhà được xây dựng mấy tầng, chiều cao bao nhiêu và khoảng lùi như thế nào. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng ứng dụng quản lý quy hoạch, tài nguyên, xây dựng cho toàn địa bàn TP. Việc đồng bộ cơ sở dữ liệu giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin dữ liệu để thực hiện cấp phép xây dựng cấp độ 3, cấp độ 4.
Theo các chuyên gia, khi áp dụng công nghệ vào phát hiện vi phạm xây dựng sẽ hạn chế được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong xử lý vi phạm xây dựng.
Đình Sơn
Thanh niên
|